Cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí về xử lý các hành vi sử dụng hóa đơn trái phép
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, đúng quy định, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời, công khai, minh bạch cho các cơ quan báo chí.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 5465/VPCP-KTTH ngày 20/7/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về thông tin báo nêu về việc rà soát, xử lý hóa đơn.
Văn bản nêu rõ: Vừa qua, trên một số báo điện tử (Báo Tuổi trẻ Online, Báo Thời báo Ngân hàng...) có bài viết phản ánh việc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính ban hành công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16/5/2023 về rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp làm khó doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu: Bộ Tài chính theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, đúng quy định, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời, công khai, minh bạch cho các cơ quan báo chí, hạn chế thấp nhất tác động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, trong thông tin phát đi tối ngày 11/7, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay: Cơ quan Thuế đã phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, phát hiện một số đối tượng sử dụng chứng minh thư/CCCD giả để thành lập mới hoặc mua lại doanh nghiệp ngừng hoạt động để bán hóa đơn không hợp pháp cho các doanh nghiệp làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước.
Qua công tác phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện 524 doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống (là một trong các hành vi bị nghiêm cấm, quy định tại khoản 7 Điều 6 Luật Quản lý thuế).
Trường hợp 524 doanh nghiệp bán hóa đơn này khác với trường hợp các doanh nghiệp bán hàng rồi bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế vì các doanh nghiệp bán hóa đơn chủ yếu khai khống hóa đơn hàng hóa mua vào.
Luật Quản lý thuế số 38 đã quy định trách nhiệm, quyền lợi của người nộp thuế liên quan đến hóa đơn như sau: Trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Điều 142 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp phát hiện người nộp thuế sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trên thực tế, do mức thu lợi lớn nên hiện tượng chào bán hóa đơn VAT của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp đang khá công khai trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber…Thậm chí, khi mua hóa đơn còn hỗ trợ đầy đủ các giấy tờ khác có liên quan như: hợp đồng, phiếu thu, phiếu xuất kho, với chi phí mua hóa đơn khống phụ thuộc vào tổng giá trị ghi trong hóa đơn với mức giá khá rẻ. Cụ thể, giá mua hóa đơn dưới 5 triệu chỉ khoảng 60.000- 150.000 đồng/tờ. Với giá trị cao hơn, chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm. Theo đó, hóa đơn trị giá từ 5-15 triệu, chi phí là 4%, giá trị càng cao thì phí xuất khống càng rẻ. Việc định giá chi phí cho một tờ hóa đơn còn phụ thuộc vào thời gian hoạt động của doanh nghiệp xuất hóa đơn, phí xuất hóa đơn của doanh nghiệp lâu năm sẽ cao hơn các doanh nghiệp mới thành lập.
Không chỉ vậy, các đối tượng còn ngang nhiên đưa ra những chính sách cộng tác viên như trích phần trăm giới thiệu với các hóa đơn giá trị cao để tại hoạt động rộng khắp cả nước.
Mới đây, tại Hà Nội, trong đợt kiểm tra hóa đơn của cơ quan thuế đã loại bỏ những hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào và không được tính chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng bị phạt hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế, nhưng, dù đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, các đối tượng vẫn mua bán hóa đơn điện tử qua lại giữa các công ty, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ làm giảm số thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, thu lời bất chính với số tiền lớn.
Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã chuyển hồ sơ hàng loạt doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế và mua bán hóa đơn trái phép sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị để phối hợp điều tra, xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cục Thuế tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý thuế tập trung và hệ thống hóa đơn điện tử, phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế và mua bán hóa đơn trái phép. Các đối tượng này dùng chiêu trò thành lập doanh nghiệp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và hoạt động chỉ một thời gian ngắn, không nhằm hoạt động sản xuất kinh doanh mà hướng đến việc mua, bán và sử dụng hóa đơn để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Đơn cử, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế của Công ty TNHH MTV Lộc Anh Quảng Trị có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thôn Mai Lộc 1, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cơ quan thuế phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm bất thường. Cụ thể, theo hồ sơ, doanh nghiệp này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tháng 11/2018, vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Ngày 8/5/2022, doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và được cơ quan thuế chấp nhận. Căn cứ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế từ ngày 8/5/2022 đến 16/5/2023, doanh nghiệp này sử dụng 65 hóa đơn điện tử. Đối chiếu doanh thu kê khai trên hồ sơ khai thuế VAT với doanh thu bán ra trên ứng dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị phát hiện có sự chênh lệch bất ngờ về doanh thu và thuế VAT các mặt hàng xuất bán chủ yếu là đất, cát, đá, vận chuyển…
Theo ghi nhận của các cơ quan thuế, qua kiểm tra của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp bị nghi vấn đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký cũng như không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật. Hiện nay, thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn rất đơn giản, có thể nhờ người thân hoặc thuê người đứng tên giám đốc, với chi phí chỉ vài triệu đồng và chỉ phải chờ đợi ít ngày, cũng không cần xác minh vốn kinh doanh, tài sản là đã có giấy phép kinh doanh. Điều này dẫn đến có nhiều doanh nghiệp lập nên chỉ để trục lợi qua mua bán hóa đơn, bất chấp pháp luật. Có doanh nghiệp còn cử nhân viên đi tìm kiếm khách để bán hóa đơn trên khắp cả nước.
Hành vi mua bán hóa đơn trái phép không chỉ gây thất thu cho NSNN mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Chính vì vậy, cơ quan chức năng vẫn cần đưa ra có những biện pháp đồng bộ, chặt chẽ để ngắn chặn tình trạng này. Theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán hoá đơn trái phép sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngành Thuế TP HCM sử dụng đa kênh, nhiều phương thức để hỗ trợ NNT - Ảnh: TL
Bài liên quan
-
Bị cáo Đỗ Hữu Ca bất ngờ thay đổi lời khai tại phiên tòa xét xử vụ mua bán hóa đơn và trốn thuế
-
Khởi tố, bắt giam nhiều giám đốc Công ty và các đồng phạm về tội trốn thuế
-
Cục thuế TP Cần Thơ: Xử lý 3.119 hồ sơ kinh doanh bất động sản có dấu hiệu trốn thuế hàng trăm tỷ đồng
-
An Giang: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can trốn thuế hơn 19 tỷ đồng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận