Cướp giật tài sản hay Lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Làm quen qua Zalo rồi tiếp cận nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, đối tượng cầm lái xe mô tô của nạn nhân rồi đánh rơi đồ, để nạn nhân xuống nhặt, ngay sau đó đối tượng phóng xe đi và bán lấy tiền tiêu xài. Đối tượng này phạm tội gì?

Nội dung vụ án

Đỗ Thị Trúc L là đối tượng không nghề nghiệp ổn định, thường xuyên sử dụng mạng xã hội Zalo kết bạn, làm quen với nhiều người rồi tìm cách tiếp cận, gặp mặt rồi lợi dụng sự mất cảnh giác của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Khoảng tháng 12/2015, qua Zalo L kết bạn với anh Nguyễn Minh V, L thường xuyên nhắn tin trao đổi với anh V để tạo mối quan hệ thân thiết, sau đó L có ý định tiếp xúc với anh V để tìm cơ hội chiếm đoạt tài sản. Tối ngày 28/01/2016, L ở thành phố H gọi điện thoại cho anh V hẹn gặp mặt thì anh V đồng ý. Khoảng 08 giờ ngày 29/01/2016, L đi xe khách từ thành phố H về đến bến xe VL rồi đón taxi đến bến phà AP, huyện M, tỉnh V. Anh V mượn xe mô tô biển số 71B1-849.87 của anh Trần Thanh T đến đón và chở L đến chỗ làm của anh tại trang trại nuôi cá ba sa ở huyện C, tỉnh B.

Khoảng 16 giờ cùng ngày, L rủ anh V đến khu du lịch TA chơi, khi đến thành phố V, L kêu anh V đưa đến chợ VL để L vào mua cái bóp nam. Sau đó, anh V tiếp tục chở L đến khu du lịch TA, cả hai ngồi trên băng đá uống bia, lúc này L kêu anh V đưa cái bóp của anh V đang sử dụng để L sang giấy tờ, tiền qua cái bóp mà L vừa mua, anh V nghĩ mình được tặng cái bóp nên đồng ý. Lợi dụng lúc anh V không để ý L lén lấy số tiền 1.950.000 đồng trong bóp của anh V cất giấu vào túi quần. Sau đó L tìm cách lấy xe mô tô của anh V nên nói là muốn tìm chỗ đi vệ sinh và kêu anh V đưa xe L điều khiển chở anh V ngồi sau. L điều khiển xe được khoảng 500m thì giả vờ làm rơi bịch đồ treo trước xe xuống đường (đựng khô, hột vịt lộn) rồi dừng xe lại kêu anh V xuống xe nhặt. Khi anh V xuống xe nhặt bịch đồ thì L bất ngờ tăng ga chạy xe thẳng về thành phố H và lúc sau L nhắn tin cho anh V mang theo 7.000.000 đồng đến thành phố C để chuộc xe lại rồi L tháo bỏ sim điện thoại. Sau đó, L bán xe được 2.000.000 đồng và dùng số tiền này tiêu xài cá nhân.

Kết luận định giá số 67/HĐĐG&TTHS ngày 21/7/2017 của Hội đồng định giá thành phố V kết luận: Xe mô tô biển số 71B1-849.87 hiệu Yamaha màu sơn trắng đen tại thời điểm bị thiệt hại có giá 14.535.000 đồng.

Các quan điểm khác nhau

Qua vụ việc nêu trên, đối với hành vi L chiếm đoạt chiếc xe máy của người bị hại đã tồn tại 02 quan điểm xác định tội danh như sau:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với lập luận như sau: L muốn chiếm đoạt tài sản của anh V nên tiếp cận anh V bằng cách rủ anh V đi chơi và mua cho anh V một cái bóp nam để tạo sự tin tưởng. L nói muốn tìm chỗ đi vệ sinh để anh V đưa xe cho L điều khiển, anh V ngồi sau. L tiếp tục giả vờ làm rơi túi đồ xuống đường, rồi dừng xe lại, nói anh V xuống nhặt đồ. Khi anh V xuống xe để nhặt đồ thì L tăng ga, chiếm đoạt xe và tẩu thoát về hướng Thành phố H. L nhắn tin cho anh V mang theo 7.000.000 đồng đến thành phố C để chuộc xe lại nhưng thực chất L đang trên đường về Thành phố H và sau đó L tháo bỏ sim điện thoại, mục đích đánh lạc hướng của anh V để tẩu thoát. Thủ đoạn gian dối của L được thể hiện bằng chuỗi hành vi nêu trên và thông qua những thủ đoạn gian dối này L chiếm đoạt tài sản của người bị hại nên hành vi phạm tội của L đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

– Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng, L phạm tội “Cướp giật tài sản”, với lập luận như sau:

Hành vi chiếm đoạt chiếc xe của L được thực hiện một cách công khai và V biết ngay khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Ý thức công khai của L khi thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe được thể hiện là L biết hành vi chiếm đoạt của mình có tính chất công khai và hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi đó. Dấu hiệu “nhanh chóng” ở đây phản ánh thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của L. Đó là thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở của V (sự sơ hở này có thể là có sẵn hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) để nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh (tẩu thoát). Với thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát như vậy, L mong muốn V không có điều kiện để phản ứng kịp thời, ngăn cản việc chiếm đoạt.

Mặc dù ý thức chiếm đoạt tài sản và thủ đoạn gian dối của L có trước và thủ đoạn gian dối của L làm cho V tin tưởng là sự thật, rồi sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong chuỗi các hành vi gian dối của L, mặc dù V tin tưởng là sự thật, để cho L điều khiển xe đi tìm chỗ đi vệ sinh, nhưng thông qua các hành vi gian dối đó thì V vẫn chưa chuyển giao tài sản cho L, mà V vẫn ngồi phía sau xe, chiếc xe vẫn chưa thoát ly khỏi sự quản lý, kiểm soát của V. Do đó, hành vi của L không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vì ý thức và thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản tuy có trước và V tin là sự thật, nhưng V vẫn chưa chuyển giao tài sản cho L. Các hành vi gian dối của L đều nhằm mục đích là để tiếp cận được tài sản của người bị hại và để tạo ra cơ hội thuận lợi, dễ dàng cho việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng. Sau khi L đã tiếp cận được tài sản, để có cơ hội thuận lợi cho việc chiếm đoạt tài sản thì L mới tiếp tục có hành vi giả vờ làm rơi bịch đồ treo trước xe xuống đường, rồi dừng xe lại kêu V xuống xe nhặt để nhằm mục đích làm cho V không có điều kiện để phản ứng kịp thời, không kịp ngăn cản hành vi chiếm đoạt chiếc xe của L, rồi sau đó L đã chiếm đoạt tài sản một cách công khai, nhanh chóng. Vì vậy, hành vi của L đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Về mặt khách quan, đối với vụ việc nêu trên thì hành vi của người chiếm đoạt tài sản vừa có dấu hiệu đặc trưng của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và vừa có dấu hiệu đặc trưng của tội “Cướp giật tài sản”.
Dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi gian dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Trong đó, hành vi gian dối là điều kiện và thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối. Theo đó, về thời gian thực hiện tội phạm thì hành vi gian dối diễn ra trước thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội phạm chỉ coi là hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt đã xảy ra.

Dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, nhanh chóng. Trong đó, chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu (nắm giữ, quản lý) trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong điều luật. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt không ảnh hưởng tới việc định tội đối với hành vi cướp giật tài sản.

Thiết nghĩ, các hành vi phạm tội trên thực tiễn diễn ra ngày càng đa dạng, phức tạp, có cả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này và cũng có cả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm khác và trường hợp tương tự như vụ án nêu trên là rất nhiều. Việc này làm cho người áp dụng pháp luật trên thực tiễn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc các Cơ quan tiến hành tố tụng xác định tội danh khác nhau là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, tác giả kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần sớm xem xét, phát triển án lệ đối với các trường hợp tương tự như vậy, để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý và hướng dẫn các Tòa án địa phương trong cả nước áp dụng thống nhất tội danh trong xét xử.

Trên đây, là quan điểm của cá nhân tác giả, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các bạn đọc và đồng nghiệp./.

Ảnh minh họa: Một đối tượng cướp giật bị bắt giữ trên đường TP HCM – Ảnh Báo NLĐ

ThS. PHAN THÀNH NHÂN (Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp)