Đà Nẵng đưa ra giải pháp đột phá trong phát triển du lịch

Đầu năm 2023, TP. Đà Nẵng công bố các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Đây có thể coi là một trong những giải pháp có tính đột phá nhằm thu hút đầu tư phát triển bền vững ngành du lịch tại TP. Đà Nẵng.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ có 5 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa phục vụ kinh doanh theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, gồm:

Các tuyến sông Hàn với lộ trình: Cảng (nơi xuất phát) - hạ lưu cầu Nguyễn Văn Trỗi - thượng lưu cầu Thuận Phước - Cảng (bến đích cuối cùng). Phương tiện hoạt động tuyến này phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV.

Tuyến sông Hàn - Hòn Chảo với lộ trình: Cảng - cầu Thuận Phước - cửa biển - điểm đến theo quy định - Cảng (đích đến cuối cùng). Phương tiện hoạt động trên tuyến này phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB.

Tuyến từ Bến thủy nội địa CT15 đi Hòn Sụp - bãi Nam - bãi Đa với lộ trình: Bến thủy nội địa CT15 (bến xuất phát) đi hòn Sụp - bãi Nam - bãi Đa - bến thủy nội địa CT15 (đích đến cuối cùng), cách bờ không quá 1,8 km. Phương tiện hoạt động trên tuyến này phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB.

 

Cảng Đà Nẵng

Tuyến sông Hàn đi sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận thành phố Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng với lộ trình: Cảng, bến trên sông Hàn, kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định. Phương tiện hoạt động trên tuyến này phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV.

Tuyến Bến thủy nội địa K20 đi sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận thành phố Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng, kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định. Phương tiện hoạt động trên tuyến này phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV.

Thời gian hoạt động của các tuyến là từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ.

Ông Ngô Văn Thọ - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết: Sau khi thành phố công bố tuyến, Sở GTVT đã công bố trên tất cả trên các phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn trên đường thủy nội địa đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư để tuyến này hoạt động hiệu quả.

Việc thành phố sớm công bố tuyến, bến thủy nội địa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải khách du lịch bằng đường thủy xây dựng tour, tuyến, tạo sản phẩm mới thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc thành phố Đà Nẵng mới công bố tuyến, bến, mà chưa kèm theo dịch vụ phụ trợ đi kèm, như bến đỗ, điểm dừng chân cho du khách tham quan, ngắm cảnh tại điểm đến, nên một số doanh nghiệp vận tải khách du lịch chưa dám đầu tư khai thác tuyến mới này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thanh Sơn  - Đại diện Công ty CP Đầu tư phát triển AION chia sẻ: Phía doanh nghiệp chúng tôi rất phấn khởi thành phố phát triển 05 tuyến đu lịch đường thủy nội địa. Tuy nhiên đây mới là điều kiện đủ, chúng tôi rất quan tâm đến chủ trương của thành phố đầu tư phát triển các điểm đến, cho phép vui chơi các điểm đến như thế nào để chúng tôi mạnh dạn đầu tư.

Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được TP. Đà Nẵng phê duyệt. Cụ thể, phát triển du lịch bằng đường thủy nội địa theo hai phương thức gồm: Vận tải khách du lịch trên sông đến các điểm du lịch được áp dụng cho tất cả các tuyến vận tải thủy; Du thuyền trên sông được áp dụng cho tuyến đường thủy nội địa trên sông Hàn múc đích ngắm cảnh các công trình ven sông, đặc biệt về đêm.

Để có thể bắt tay vào đầu tư,  bà Phạm Nhất Nữ Như Hoa  - Đại diện Công ty TNHH Đồng Vĩnh Thịnh đề xuất: Sau khi công bố tuyến thì thành phố cần làm rõ doanh nghiệp được hoạt động như thế nào để chúng tôi có cơ sở hoàn thành sản phẩm du lịch. Ví dụ như ra hòn Chảo khách có xuống nước, lên bờ được hay không để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cho mùa hè sắp tới.

Theo Kế hoạch vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển 7 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa với hơn 150 phương tiện. Hiện tại, Sở Du lịch Đà Nẵng đã kêu gọi các doanh nghiệp đóng tàu mới phù hợp để đưa khách tham quan, lưu trú tại khu vực vịnh Đà Nẵng, đồng thời ưu tiên phát triển tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến quanh khu vực bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng sông Hàn, cảng sông Thu Bồn thành cảng, bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch. Với các bến đã triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thành hạng mục cầu tàu (Túy Loan, Thái Lai) tiếp tục đầu tư các hạng mục bổ sung như nhà chờ, bãi đậu xe, nhà vệ sinh, quầy lưu niệm… 

 

Ảnh 1: Du thuyền trên sông Hàn về đêm

PV – MTTN

PV MTTN