Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Hoan nghênh Chánh án TANDTC chỉ đạo kịp thời góp phần ngăn chặn lây nhiễm Covid
Là một trong những đại biểu phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách chiều 15.6, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh vai trò của nhân dân của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chánh án TANDTC trong phòng chống đại dịch covid
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, có một bài học xưa nhưng không bao giờ cũ là khi chủ trương, đường lối của Đảng hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, thì dù phải hy sinh xương máu hay tài sản như trong hoàn cảnh chiến tranh, hay việc hạn chế tự do, giảm thu nhập, mất việc làm, nghỉ học, đảo lộn cuộc sống thường ngày của từng gia đình như trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, thì nhân dân vẫn hưởng ứng, ủng hộ và sẽ không có thế lực thù địch nào có thể phá hoại được.
“Do đó, mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch. Cách làm đó trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ, mục đích của Đảng, Nhà nước”, đại biểu Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội trường
Hoan nghênh Chánh án TANDTC
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh vai trò của Quốc hội và mạng lưới các đại biểu dân cử trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 thời gian qua. Theo đại biểu Nghĩa, lãnh đạo Quốc hội cũng như đại biểu Quốc hội luôn quan tâm theo dõi, sát cánh ủng hộ các chủ trương đúng đắn, hợp lý của hành pháp và tư pháp.
“Tôi đặc biệt xin hoan nghênh Chánh án TANDTC đã chỉ đạo ngưng xét xử trực tiếp trên toàn quốc trong thời gian khoảng 1 tháng, qua đó góp phần ngăn chặn lây nhiễm Covid qua hoạt động tố tụng”
Ông nói tiếp, “Trong thể chế chính trị của chúng ta, một cơ quan lập pháp, đồng thời là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vững mạnh, là tiền đề và điều kiện thiết yếu để tăng sức mạnh, hiệu quả cho hành pháp và tư pháp và cả hệ thống chính trị”, đại biểu Nghĩa bày tỏ, và kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào cử tri quan tâm xây dựng một Quốc hội mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 tới đây.
Nhấn mạnh chống dịch thành công là công lao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn dân, đại biểu TP.HCM khẳng định, việc rút ra những bài học đúng, xác định bước đi sắp tới kịp thời, chính xác là điều phải làm hiện nay.
“Mở cửa lại khôi phục kinh tế là công việc hệ trọng, đòi hỏi bước đi, phương pháp khoa học sâu sát, cụ thể, chính xác”, đại biểu Nghĩa khẳng định.
“Chúng ta phải nắm chắc và phân tích tình hình dịch bệnh, xác định chủ trương định hướng cho từng quốc gia, từng thị trường, từng lĩnh vực, tập đoàn kinh tế để có đối sách, quyết sách kịp thời. Thế giới đã và đang chuyển sang giai đoạn bình thường mới, không thể và không còn như trước. Nếu làm đúng thì ta sẽ khai thác hiệu quả cơ hội, nâng cao vị thế, tạo tiền đề vững chắc cho hội nhập bền vững trong kỷ nguyên mới của loài người – kỷ nguyên hậu Covid-19 đang diễn ra”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 11-3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký Chỉ thị hỏa tốc số 02/2020/CT-CA về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống Tòa án nhân dân. Theo đó, từ 11/3 đến đến hết tháng 3/2020, Tòa án tập trung bốn yêu cầu sau:
Một là tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu chứng cứ và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở tòa án. Tòa án thông báo hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thông qua các phương thức khác như gửi qua dịch vụ bưu chính, gửi trực tiếp bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử.
Hai là tạm dừng việc cấp tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng và các tài liệu chứng cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng phương thức trực tiếp mà được thực hiện bằng các hình thức khác như qua dịch vụ bưu chính, qua phương tiện điện tử, qua các phương thức khác theo quy định của pháp luật tố tụng.
Ba là tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết, tạm dừng việc triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến tòa án đối với các vụ án của việc đang còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trường hợp vụ án, vụ việc đã hết thời hạn giải quyết và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khi bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp. Tăng cường xét xử giải quyết vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện.
Bốn là theo dõi kiểm soát chặt chẽ người đến làm việc, giao dịch tại tòa án… Không tiếp khách tại phòng làm việc; người có nhu cầu làm việc với lãnh đạo, thẩm phán phải đăng ký trước…
Đồng thời, tòa án hoãn, dừng việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo; hạn chế tối đa việc tụ tập đông người; tăng cường tổ chức giao ban làm việc trực tuyến qua các phương tiện điện tử như điện thoại, email, Zalo, Viber.
Chỉ thị cũng yêu cầu tạm dừng tất cả các đoàn công tác học tập nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt được chánh án TAND Tối cao đồng ý…
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận