Đại biểu Quốc hội và chuyên gia hiến kế chặn “công – tư” bắt tay tham nhũng
Hiện tượng quan chức nhà nước (hay đơn vị nhà nước) và tư nhân (sau đây gọi tắt là “công – tư”) móc ngoặc gây thiệt hại cho ngân sách, xã hội và người dân đã được cảnh báo. Nhưng vì sao khó truy trách nhiệm pháp lý, khó xử lý hình sự? Vướng ở Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) hay vướng ở nhiều Luật khác? Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Phóng viên có trao đổi với ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV) và Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong về vấn đề này.
Hiện tượng thấy nhiều, xử lý được ít
Phóng viên: Hiện tượng ưu ái, “móc ngoặc” giữa cơ quan, quan chức nhà nước với các Doanh nghiệp, Tập đoàn tư nhân gây thiệt hại ngân sách nhà nước không còn là hiện tượng hiếm trong thời gian gần đây. Là một chuyên gia kinh tế, ông có bình luận gì về hiện tượng này?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Trong thực tế, xuất hiện phổ biến những doanh nghiệp tư nhân liên kết với quan chức được gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”- hay còn gọi là sự thể hiện, bành trướng của lợi ích nhóm theo nghĩa tiêu cực. Đó là việc lãnh đạo một số ngành, địa phương rất ủng hộ cho doanh nghiệp mà quên đi tính chỉ đạo chung, lợi ích của cộng đồng của người dân. Họ đứng ra tạo sức ép để ra Nghị quyết, Quyết định mang danh tập thể (HĐND hay UBND) để làm lợi cho cá nhân. Về mặt pháp lý, hầu hết những vụ việc trong thời gian gần đây mà báo chí nêu về hiện tượng “móc ngoặc” giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn tư nhân, thì đều chỉ dừng ở hiện tượng, đã và đang bị thanh kiểm tra, điều tra nhưng chưa đưa ra được những kết luận cụ thể về trách nhiệm pháp lý của các cá nhân cụ thể. Thực tế khá nhiều nhưng số lượng vụ việc được kiểm tra, kết luận và xử lý rất ít, xử lý hình sự lại cực hiếm.
Phóng viên: Tại sao một số thương vụ hợp tác giữa công – tư thiếu minh bạch, có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách nhà nước, nhưng chỉ được nêu ra như những hiện tượng mà không thể xem xét trách nhiệm hình sự?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, Luật của chúng ta quá lỏng, nên việc lách luật khá phổ biến. Trong khi đó, “ trình độ và kinh nghiệm tham nhũng” của các đối tượng thì ngày càng “cao”. Giữa quan chức và doanh nghiệp đều có những kinh nghiệm để thực hiện những hành vi móc nối, sau đó là lại quả, chia chác khó phát hiện. Việc tham nhũng thực hiện theo dây, theo hệ thống khép kín từ hành vi tư vấn quyết định, ra quyết định, thực hiện quyết định…
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Theo tôi việc kết luận có hay không có hành vi vi phạm và tội phạm phải trên cơ sở có đủ bằng chứng (chứng cứ) chứng minh hành vi đó thỏa mãn đủ 4 dấu hiệu như: Nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật (đã có luật quy định cấm mà còn thực hiện hành vi) và chịu xử phạt. 4 yếu tố: Khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan. Các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội nên khi không đủ chứng cứ chứng minh thì không thể kết luận được.
Theo tôi, lý do không đủ chứng cứ có thể là hành vi vi phạm hoặc tội phạm tinh vi, xảo quyệt; năng lực và điều kiện vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm…
Phóng viên: Công – tư hợp tác thiếu minh bạch sẽ gây những hệ lụy xấu gì cho nền kinh tế và xã hội?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Qua quan sát và đúc kết, tôi nhận ra rằng, nếu quá trình hợp tác công – tư có lợi ích nhóm thao túng, không minh bạch sẽ làm cho đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường. Nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”, chụp giật, hoang dã, khống chế và “thanh toán” lẫn nhau để giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.
Từ những quan sát thực tế tôi nhận thấy, hiện nay phổ biến tình trạng lãnh đạo cơ quan nhà nước bị dẫn dắt bởi doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp dùng đủ mọi ý tưởng mua chuộc, dụ dỗ quan chức sẽ làm suy thoái ngầm lây lan trong đội ngũ cán bộ.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Nó làm suy giảm niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước và công lý. Về kinh tế, gây thiệt hại tiềm lực kinh tế của đất nước. Về văn hóa, làm xói mòn đạo đức. Về xã hội, gây mất trật tự an toàn xã hội. Về an ninh, quốc phòng, làm suy giảm sức mạnh an ninh, quốc phòng…
Yêu cầu minh bạch và giải trình ở mức độ cao nhất
Phóng viên: Theo ông, cần cấp bách có những giải pháp đột phá nào để chặn “công – tư” móc nối rút ruột ngân sách?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Trước tiên, cần có giải pháp đột phá trong công tác cán bộ, phải rà soát, thay đổi cơ chế vừa phát hiện vừa bổ nhiệm, vừa thanh tra vừa bổ nhiệm cán bộ. Gần đây chúng ta đã áp dụng thử nghiệm ở 14 đơn vị, Bộ, ngành, 22 địa phương về thi tuyển công, viên chức từ cấp Vụ, cấp Sở, phòng, nếu làm tốt sẽ mở rộng ra cả nước và tất cả các nơi, cũng như mở thêm ở cấp cao hơn.
Đột phá thứ hai là cần gia tăng công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá cán bộ để miễn nhiệm cán bộ cũng như phát hiện tham nhũng. Chương trình bảo vệ người tố cáo, chống trả thù rất quan trọng, chỉ khi có cơ chế bảo vệ tốt người tố cáo thì mới phát hiện được cán bộ tham nhũng.
Về mặt luật pháp cũng cần rà soát lại để bịt kín các lỗ hổng pháp luật, chế tài nghiêm khắc hơn . Cuối cùng là hệ thống thông tin, công khai tất cả các vụ việc, kết quả xử lý để tạo ra giám sát xã hội, giám sát chéo, giám sát lẫn nhau là rất cần thiết.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Là ĐBQH tham gia thẩm tra và góp ý vào Dự Luật PCTN sửa đổi, tôi đồng ý với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể là việc áp dụng một số chế định của Luật PCTN đối với tổ chức xã hội, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. Theo đó, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số chế định về phòng ngừa tham nhũng (thực hiện công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu và minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập) đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư là các đối tượng áp dụng bắt buộc các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
Bởi lẽ, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội, sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế và quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, cá nhân, tổ chức có liên quan (như người đóng góp nguồn lực, cổ đông, khách hàng…) và người dân nói chung.
Kết quả rà soát pháp luật có liên quan cho thấy, quy định về PCTN trong các tổ chức, doanh nghiệp còn chưa rõ ràng về quan điểm, phương thức và biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Mặc dù pháp luật về công ty đại chúng quy định tương đối đầy đủ về các biện pháp quản trị công ty nói chung như ngăn ngừa xung đột lợi ích, báo cáo và công bố thông tin…, tuy nhiên vẫn còn thiếu các biện pháp cụ thể về PCTN như minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ quản lý, điều hành; việc xử lý vi phạm…
Phạm vi của việc mở rộng này cũng được cân nhắc theo hướng không bắt buộc ở tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực gây cản trở đối với sự phát triển của khu vực quan trọng này, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động và kiến tạo phát triển.
Cần sửa đổi đồng bộ những luật kinh tế chuyên ngành
Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng, để PCTN hiệu quả, để chặn những cái bắt tay “công – tư” rút ruột ngân sách thì không chỉ dựa vào “cây gậy” duy nhất là Luật PCTN mà còn phải bít các kẽ hở của nhiều luật khác. Ý kiến các ông thế nào?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, việc khẩn trương sửa đổi Luật PCTN, mở rộng PCTN sang cả lĩnh vực ngoài nhà nước là hợp lý. Yêu cầu minh bạch và giải trình ở cả khu vực nhà nước và tư nhân là hoàn toàn bình thường và phù hợp với các luật đã ban hành. Luật Ngân sách quy định những hoạt động thu chi ngân sách phải công khai, đó là về phía cơ quan nhà nước. Đối với tư nhân theo các Luật Kế Toán, Luật Thuế thì phải công khai, minh bạch. Theo tôi, các giao kết giữa các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, doanh nghiệp với công chức nhà nước cần phải đặt ra yêu cầu công khai, minh bạch ở mức độ cao nhất.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Đã có nhiều thảo luận, tranh luận tại Quốc hội khi thảo luận Luật PCTN sửa đổi để giải quyết thỏa đáng những băn khoăn trên. Tại Mục 2 của Chương VII và Mục 2 của Chương VIII dự thảo Luật đã được sửa đổi cho chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Cơ quan soạn thảo luật sẽ làm theo hướng cụ thể, đảm bảo tính thống nhất với các luật chuyên ngành như: Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp… Theo đó, việc áp dụng bắt buộc các biện pháp về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu cần căn cứ vào các quy định của Luật PCTN và các luật khác có liên quan; đồng thời chỉ rõ các quy định của Luật PCTN sẽ phải áp dụng bắt buộc và chỉnh lý các quy định khác có liên quan để thể hiện rõ tinh thần của Luật.
Phóng viên: Được biết, trong BLHS mới 2015 có hiệu lực từ năm 2018 đã bổ sung nhiều quy định điều chỉnh PCTN trong lĩnh vực tư. Theo các ông, tới đây, Luật PCTN sửa đổi cần thêm sự hoàn thiện nào nữa để ngăn chặn triệt để sự bất minh, móc nối tiêu cực trong hợp tác giữa công- tư?
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Đúng vậy, hiện nay đã có thể xử lý hình sự hành vi công tư móc nối. Cụ thể như BLHS năm 2015 đã có quy định xử lý 4 tội phạm tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ cả trong và ngoài khu vực nhà nước, trong đó có 02 tội bị coi là tội phạm tham nhũng là tham ô và nhận hối lộ. Bên cạnh đó, BLHS còn quy định chế định đồng phạm giữa người phạm tội trong với ngoài khu vực nhà nước, những quy định này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi cần bổ sung quy định về xử lý hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước.
Khi Luật PCTN sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu tới đây có thể nhiều luật liên quan cũng cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần có hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Có thể dễ dàng nhận thấy những kẽ hở của các Luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá đã giúp công – tư móc nối rút ruột ngân sách. Tôi lấy ví dụ trong hoạt động đấu thầu, đấu giá gần đây có nhiều kẽ hở và gây bức xúc như đấu thầu, đấu giá chỉ có một người tham gia, giá trúng đấu cuối cùng thấp hơn hoặc chỉ bằng với mức giá ban đầu… Theo tôi, để bít được những khoảng trống về pháp luật, để PCTN toàn diện và hiệu quả hơn, để chặn được công – tư móc nối rút ruột ngân sách… cần phải khẩn trương sửa đổi các Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn hai ông đã dành thời gian trao đổi với Pháp lý!
Theo phaply.vn
Luật Đấu giá tài sản có những lỗ hổng phải sử đổi để ngăn ngừa tiêu cực trong đấu giá – Ảnh Đầu tư
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận