Đại học Đà Nẵng: Chuyển đổi số là động lực mới góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

Là đại học (ĐH) vùng trọng điểm Quốc gia, có bề dày truyền thống gần 30 năm xây dựng và phát triển, kế thừa gần 50 năm kinh nghiệm đào tạo của các trường thành viên, ĐH Đà Nẵng mang sứ mệnh mới theo Chiến lược phát triển thành ĐH Quốc gia theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đóng chân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 03 năm liền dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số (cả về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), ĐH Đà Nẵng thực sự là “địa chỉ” uy tín, tin cậy trong sự lựa chọn của Quý phụ huynh và học sinh qua mỗi mùa tuyển sinh (luôn tuyển đủ chỉ tiêu, tỷ lệ nhập học năm 2023 đạt hơn 97% với chất lượng đầu vào cao, nhiều ngành có điểm xét tuyển thuộc top đầu cả nước).

Đây là sự khẳng định rõ nét vai trò trung tâm của ĐH Đà Nẵng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (NNL CLC), trong đó có nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ Chiến lược phát triển, ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) và Chuyển đổi số Quốc gia.

Theo đại diện ĐH Đà Nẵng, xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, hướng đi mới để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH), thời gian qua, Nhà trường đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trên 03 “trụ cột”: (1) Đào tạo NNL CLC; (2) Nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số; (3) Đổi mới quản trị ĐH.

Chuyển đổi số là động lực mới góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số

Các trường ĐH thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc của ĐH Đà Nẵng rất chủ động trong nắm bắt cơ hội để hội nhập, bắt kịp quy luật cung-cầu trên thị trường lao động khu vực và quốc tế; bám sát yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực và cả nước; tiên phong mở nhiều ngành đào tạo mới mà không phải cơ sở đào tạo nào cũng hội đủ năng lực đảm nhận. Những kết quả nổi bật điển hình như:

Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đã mở mới, tuyển sinh và đào tạo các ngành như: Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AI); Mô hình Thông tin và AI trong xây dựng; Kỹ thuật và Quản lý xây dựng đô thị “thông minh”…

Trường ĐH Kinh tế- ĐH Đà Nẵng đã mở mới, tuyển sinh và đào tạo các ngành: Công nghệ Tài chính (Fintech), Marketing số, Thương mại điện tử, Khoa học Dữ liệu và Phân tích kinh doanh; Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành số, Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng số;

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật- ĐH Đà Nẵng đã thành lập Khoa Công nghệ số; hợp tác với doanh nghiệp đầu tư Phòng Nghiên cứu-Đào tạo và Thực hành chuyển đổi số và công nghệ "thông minh" cho sinh viên học tập, trải nghiệm.

Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt-Hàn, ĐH Đà Nẵng (VKU) đã thành lập Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI), qua đó phối hợp với các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data), AI, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiên phong là trường ĐH đầu tiên trong khu vực công bố tuyển sinh, đào tạo ngành đào tạo mới là Kỹ sư Thiết kế vi mạch, dự kiến ngay trong năm 2024.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, ĐH Đà Nẵng đã mở ngành Khoa học dữ liệu; Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT, ĐH Đà Nẵng mở ngành đào tạo Thạc sĩ E-Tourism…

Đại học Đà Nẵng có 06 trường đại học thành viên và các viện, khoa, phân hiệu trực thuộc năm 2023 tuyển sinh nhiều ngành về CNTT và chuyển đổi số

Dấu ấn nổi bật thể hiện rõ uy tín, vị thế hàng đầu của ĐH Đà Nẵng đó là vừa qua đã đăng cai, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các ĐH/học viện hàng đầu tổ chức thành công Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghiệp Chip bán dẫn”.

Trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cùng hai ĐH Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết hợp tác hình thành Liên minh đào tạo nhân lực phục vụ phát triển Công nghiệp Chip bán dẫn.

Với sự nhạy bén đón đầu xu thế chuyển dịch làn sóng đầu tư mới, đặc biệt trong bối cảnh khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện và thống nhất định hướng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các ngành công nghệ cao như Công nghiệp Chip bán dẫn, ĐH Đà Nẵng càng khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt trong sứ mệnh đào tạo NNL CLC góp phần nâng tầm vị thế đất nước, đem lại giá trị gia tăng, hội nhập sâu vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng trong chuyển đổi số

Từ kinh nghiệm dạy-học trực tuyến đã thích ứng để phòng chống Covid-19, đến nay, các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc của ĐH Đà Nẵng càng đẩy mạnh, triển khai thêm các mô hình dạy-học trực tuyến (online) bên cạnh các phương pháp đào tạo trực tiếp (onsite) hoặc linh hoạt, kết hợp hiệu quả như kinh nghiệm của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới.

Mô hình dạy-học Blended learning được triển khai theo hướng phát triển các kho học liệu mở (MOOC) với hệ thống tài liệu, bài giảng/bài tập có tính tương tác cao; ứng dụng công nghệ thực tế ảo qua đó tăng cường tương tác, kiến tạo môi trường học tập, nghiên cứu thuận tiện cho người học; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kiểm tra, đánh giá.

Nhiều nhóm nghiên cứu-giảng dạy (Teaching Research Team-TRT) của ĐH Đà Nẵng rất năng động, sáng tạo trong các lĩnh vực nền tảng của Công nghệ 4.0 (IoT, AI, Cloud Computing/Communications, Big Data…). Hàng năm các nhà khoa học của ĐH Đà Nẵng triển khai hàng trăm đề tài và công bố bình quân hơn 500 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế (WoS/Scopus), trong đó có nhiều đề tài được chuyển giao, phục vụ chuyển đổi số.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng vô địch Cuộc thi Lập trình quốc tế ICPC Vietnam-2023

Nhiều sự kiện, hội thảo khoa học uy tín, nổi bật được tổ chức trong các lĩnh vực, chuyên ngành liên quan đến ứng dụng CNTT và chuyển đổi số như: Hội thảo Quốc gia về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng CNTT; Hội thảo Quốc gia về CNTT và ứng dụng trong các lĩnh vực; Hội thảo Phát triển ứng dụng IoT xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng Free-LoRa; Diễn đàn Kết nối và Phát triển Đổi mới sáng tạo Đông Nam Á… Điều này cho thấy ĐH Đà Nẵng thực sự là “điểm đến” của các sự kiện, hội thảo khoa học lớn.

Đổi mới quản trị đại học là “đòn bẩy” để phát triển, hội nhập quốc tế

Nhờ uy tín, vị thế mới với vai trò trung tâm trong đào tạo NNL CLC, ĐH Đà Nẵng được Chính phủ quan tâm cho đầu tư triển khai Dự án xây dựng Khu Đô thị ĐH Đà Nẵng và là 1 trong 3 ĐH hàng đầu Việt Nam (cùng hai ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) tham gia Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục ĐH (PHER) do các đối tác Hoa Kỳ tài trợ giai đoạn 2022-2026, tập trung vào 4 “trụ cột”: Đổi mới quản trị ĐH; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hợp tác đại học-doanh nghiệp.

Đây chính là cơ hội tốt để ĐH Đà Nẵng tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm từ nền giáo dục ĐH tiên tiến của Hoa Kỳ, trong đó có đối tác ĐH Indiana hỗ trợ, chia sẻ vận dụng kinh nghiệm triển khai các ứng dụng phục vụ điều hành, quản trị như: Hệ thống Điều hành tác nghiệp; Ứng dụng quản trị số-chữ ký số và văn phòng điện tử; Cơ sở dữ liệu báo cáo/thống kê, theo dõi/giám sát, tự kiểm tra hay xếp hạng ĐH; Đẩy mạnh “số hóa” các tài liệu khoa học (luận văn, luận án, đề tài KHCN…) để xây dựng Cơ sở dữ liệu nội sinh; Phát triển Mạng Thư viện số của ĐH Đà Nẵng dùng chung, phục vụ nhu cầu dạy-học và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

ĐH Đà Nẵng là “địa chỉ” đào tạo uy tín, tin cậy trong sự lựa chọn của Quý phụ huynh và học sinh

Coi chuyển đổi số là một nội dung, giải pháp trong Chiến lược tập trung không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn liền với thúc đẩy kết nối mạng lưới chuyên gia, tăng cường hợp tác với các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, ĐH Đà Nẵng có thêm nhiều cơ hội để hoàn thiện các nền tảng, hạ tầng số, qua đó đem lại hiệu quả nhờ chuyển đổi số ngày càng thực chất; góp phần nỗ lực phấn đấu để hiện thực hóa khát vọng lớn phát triển thành ĐH Quốc gia, một trong ba trung tâm ĐH hàng đầu của cả nước, có uy tín, vị thế trong khu vực và quốc tế.

QC