Dâng hương tưởng niệm Việt Quốc Công, Thái úy Lý Thường Kiệt

Sáng ngày 7-7 (tức ngày 2 tháng 6 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong đã diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Việt Quốc công, Thái úy Lý Thường Kiệt.

Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, là dịp tri ân công lao to lớn của một trong những danh tướng kiệt xuất nhất trong lịch sử dân tộc.

Tham dự Lễ dâng hương có ông Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Ngô Văn Luật, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông  Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn; ông  Ngô Tân Phượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện họ Ngô Việt Nam các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quang cảnh buổi Lễ dâng hương

Lý Thường Kiệt (1019-1105) tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban quốc tính (được mang họ nhà vua), nên gọi là Lý Thường Kiệt.

Từ nhỏ, Lý Thường Kiệt là người có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ. Dưới triều Lý Thái Tông, ông được bổ nhiệm vào ngạch thị vệ để hầu vua, rồi được thăng dần lên chức Đô trị, trông coi mọi việc trong cung. Đầu triều Lý Thái Tông, ông được phong chức Bổng hành quân hiệu úy (một chức võ quan cao cấp), rồi được thăng Kiểm hiệu thái bảo. Năm 1061, ông được lệnh cầm quân đi trấn yên Thanh - Nghệ. Năm 1069, ông cầm quân đi đánh Champa. Lần này vua Lý Thánh Tông thân chinh, Lý Thường Kiệt được phong đại tướng, chỉ huy đội tiên phong. Sau khi toàn thắng, giữ yên được biên giới phía Nam, Lý Thường Kiệt được ban các chức tước: Phụ quốc thái phó và Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Khai quốc công, Thái úy.

Năm 1072, Vua Lý Nhân Tông lên ngôi, Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công. Với cương vị như Tể tướng, ông gánh vác sứ mệnh trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Cuối năm 1076, đại quân Tống chia làm nhiều cánh vượt biên giới, tiến vào nước ta. Tại phòng tuyến sông Cầu, quân Tống thảm bại phải rút chạy về nước. Bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vang lên trên phòng tuyến sông Cầu được coi là Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Năm 1082, ông thôi chức Tể tướng và được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa. Làm việc ở đây suốt 19 năm trời, đến năm 1101 thì vua Lý Nhân Tông lại mời ông trở về triều giữ lại chức Tể tướng. Lúc này ông đã 82 tuổi nhưng vẫn tình nguyện cầm quân đi đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chính (năm 1104).

Ban khánh tiết thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang tổ chức tế lễ, tưởng niệm Thái ủy Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt là một trọng thần đã trải ba triều vua (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), luôn luôn được triều đình tin tưởng, nể trọng. Từ đời Lý Thánh Tông, ông đã được cất lên ngang hàng các hoàng tử, được vua nhận làm con nuôi và ban hiệu Thiên tử nghĩa nam. Đời Lý Nhân Tông, ông được nhà vua coi như em và ban hiệu Thiên tử nghĩa đệ. Ông mất năm 1105, thọ 86 tuổi. Khi mất được phong tặng Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, được lập đền thờ ở nhiều nơi.

Đại diện Câu lạc bộ Người làm báo họ Ngô thành kính dâng hương tưởng niệm Thái ủy Lý Thường Kiệt
Năm 2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa tên tuổi Lý Thường Kiệt vào danh sách 14 vị Anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của lịch sử Việt Nam.

Với ý nghĩa lịch sử và các giá trị văn hóa, kiến trúc, Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiếp bước cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

TRIỆU HỒ