Đánh giá chứng cứ trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tiền khi chỉ có giấy vay tiền
Thực tế hiện nay, trong các giao dịch vay tài sản (vay tiền) giữa cá nhân với cá nhân, thông thường các bên chỉ lập một tờ giấy viết tay (hoặc đánh máy sẵn một số nội dung) mà không thông qua việc công chứng, chứng thực, các bên chỉ ký xác nhận sau đó dẫn đến tranh chấp và khởi kiện tại Tòa án.
Ông Phan Quốc C cho chị Hà Thị D vay số tiền 2 tỷ đồng, thời hạn vay là 03 tháng. Hết hạn vay, chị D không trả tiền cho ông C. Ông C khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu buộc chị D phải trả số nợ gốc và lãi theo quy định. Kèm theo đơn khởi kiện, ông C cung cấp cho Tòa án 01 giấy vay tiền viết tay có chữ ký của bên nhận là chị Hà Thị D.
Quá trình Tòa án giải quyết vụ án trên, bị đơn được triệu tập hợp lệ nhưng không đến Tòa án tham gia tố tụng.
Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được đúng quy định của pháp luật, theo yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án đã tiến hành thu thập chứng cứ là các chữ ký, chữ viết của bị đơn chị Hà Thị D tại các cơ quan chức năng ở địa phương (UBND cấp xã, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi bị đơn cư trú…) để làm cơ sở trưng cầu giám định. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin không lưu trữ bất cứ tài liệu có chữ ký, chữ viết của bị đơn chị Hà Thị D.
Hiện có hai quan điểm khác nhau về giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Phan Quốc C.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Căn cứ vào tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án (giấy vay tiền) thì không đủ cơ sở để khẳng định có hay không việc vay mượn tiền giữa hai bên. Do đó, nếu không thu thập được chữ ký, chữ viết để làm cơ sở trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bởi lẽ nếu không có kết luận trưng cầu giám định thì không đảm bảo trong việc đánh giá chứng cứ vì giấy vay tiền này không thuộc các trường hợp những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, đó là:
-Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận; Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật; Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện này hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản gốc, bản chính.
- Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.
-Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện.
Quan điểm thứ hai, cũng là ý kiến của người viết: Trường hợp này, Tòa án cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả số nợ gốc cùng lãi suất theo quy định cho nguyên đơn.
Bởi lẽ, nguyên đơn đã cung cấp chứng cứ là giấy vay tiền có chữ ký của chị Hà Thị C vì khi cho vay, nguyên đơn không cần biết và không buộc phải biết bị đơn ký đúng chữ ký của mình như trong các văn bản cần chữ ký của bị đơn hay không. Điều đó là phù hợp với các quy định tại các Điều 91, 93, 94 và 95 của BLTTDS về nghĩa vụ chứng minh, về chứng cứ, nguồn chứng cứ, xác định chứng cứ.
Nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp này của nguyên đơn đã hoàn thành (bằng việc cung cấp giấy vay tiền bản gốc có chữ ký xác nhận của bên vay). Còn nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong trường hợp này nếu phủ nhận quan hệ vay mượn thì phải chứng minh chữ ký, chữ viết trong giấy vay tiền đó không phải của mình. Do bị đơn vắng mặt không đến tham gia tố tụng (dù có lý do hay không có lý do) và cũng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu phản đối lại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên coi như bị đơn từ bỏ quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (nếu có). Và việc Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp, sau khi đã có kết quả giải quyết của Tòa án (bản án có thể đã có hiệu lực hoặc chưa có hiệu lực), bị đơn lúc này thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa án, có thể làm đơn kháng cáo hoặc đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lại bản án theo quy định của pháp luật đồng thời thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình theo quy định.
Thực tiễn hiện nay, các giao dịch vay mượn tiền không qua công chứng, chứng thực mà chỉ lập giấy tờ viết tay là rất phổ biến. Trong việc nhận thức giải quyết trường hợp này tại Tòa án vẫn tồn tại hai quan điểm khác nhau, do đó, người viết rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các quý đồng nghiệp và độc giả để việc nhận thức pháp luật được thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận