Đạo đức Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao đã đăng công khai Dự thảo lần 2 Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán để lấy ý kiến rộng rãi, nhằm hoàn thiện để ban hành văn bản quan trọng này trong năm 2018. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin góp vài ý kiến.
Vì sao phải có bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán?
Dương Chấn, thời Đông Hán bên Trung Quốc là người công chính liêm khiết, không tư lợi, là vị quan thanh liêm hiếm có. Sách Hậu Hán thư có kể câu chuyện: Lần đó Dương Chấn lên đường nhậm chức Thái thú Đông Lai đã đi qua Xương Ấp. Huyện lệnh Xương Ấp là Vương Mật là người từng được Dương Chấn đề cử. Vì muốn báo đáp ân tình nên Vương Mật mang lễ vật là 10 cân bạc đến yết kiến. Nhìn thấy lễ vật, Dương Chấn nói: “Chúng ta là bạn cũ, tôi rất hiểu tâm tính của ngài, nhưng ngài lại không hiểu tôi”. Vương Mật bèn nói: “Giờ là đêm khuya, không ai biết chuyện này”. Dương Chấn đáp: “Trời biết, Thần biết, tôi biết, ngài biết, sao có thể nói không ai biết?!”. Vương Mật nghe xong thì thẹn thùng cáo từ.
Câu chuyện của Dương Chấn trở thành kinh điển, khi muốn nói đến sự thanh liêm, đến đạo đức của quan chức. Khi người ngoài không ai biết, pháp luật khó phát hiện để xử lý thì khi đó lương tri và đạo đức phải làm nhiệm vụ ngăn chặn hành vi gian lận, trái pháp luật đó. Như vậy nếu chỉ trông vào pháp luật thì không đủ, mà còn phải đề cao đạo đức.
Thẩm phán là một nghề đặc biệt, họ là chuyên gia pháp luật, là “bộ luật biết nói”, nhân danh Nhà nước để phán quyết đúng sai trong các vụ án tranh chấp, trừng phạt những người phạm tội đến mức có thể tước đoạt sinh mạng của họ. Hơn ai hết, Thẩm phán hiểu pháp luật buộc họ phải vô tư, khách quan, tận tụy, mẫn cán khi tiến hành giải quyết vụ án và đương nhiên họ cũng như mọi công dân khác, không được đưa và nhận hối lộ, không được làm sai lệch vụ án… Thẩm phán mặc nhiên được hiểu là người mẫu mực trong chấp hành và tuân thủ pháp luật. Đáng tiếc rằng, thực tiễn cho thấy không phải như vậy.
Thông tin trên báo chí như: “Thẩm phán vòi tiền ăn nhậu, nhận hối lộ của đương sự”; “Bắt thẩm phán nhận 50 triệu “chạy án”; “Phó chánh án nhận hối lộ bị đề nghị 18-24 tháng tù” ; “Thẩm phán phong tình và tham tiền”… không còn là chuyện quá bất ngờ đối với dư luận. Trong nhiệm kỳ 2011-2016 ngành Tòa án nhân dân đã có 205 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, trong đó có 33 trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tế đó đặt ra câu hỏi, có bao nhiêu bản án oan, sai, gây hậu quả xấu cho xã hội, cho người dân và cho Nhà nước là kết quả từ những sai phạm, gian dối của Thẩm phán, liên quan đến hiện tượng “chạy án” hiện nay? Và nó cho thấy một vấn nạn là Thẩm phán dùng quyền lực và trình độ pháp luật của mình để vòi vĩnh, trục lợi, bẻ cong pháp luật thì hậu quả khôn lường nhưng rất khó để đấu tranh phát hiện, ngăn chặn, xử lý sai phạm của Thẩm phán.
Ông Nguyễn Sơn khi làm Chánh án Tòa án Hà Nội từng chia sẻ khi báo chí đưa tin về một Thẩm phán nhận hối lộ rằng: Có thể nói, đội ngũ Thẩm phán của Hà Nội hiện nay đều là đảng viên, được giáo dục chính trị, tư tưởng kỹ càng, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, được đào tạo cơ bản, có kỹ năng xét xử các loại vụ án, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác xét xử trong thời kỳ cải cách Nhà nước nói chung và cải cách tư pháp nói riêng.
Tuy nhiên, trong hoạt động xét xử, qua dư luận, đã có đơn thư tố cáo về một số ít Thẩm phán không có bản lĩnh, không giữ được phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, quá trình giải quyết các vụ án có hành vi nhũng nhiễu, biểu hiện tham nhũng khi tiếp xúc với nhân dân… “Việc phát hiện những Thẩm phán có hành vi tiêu cực là hết sức khó khăn, để có bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của số Thẩm phán này không phải là đơn giản, nhiều vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra tổ chức, xác minh nhưng không đủ chứng cứ”- ông Nguyễn Sơn chia sẻ.
Khi pháp luật bất lực, chúng ta cần lương tri và đạo đức lên tiếng. Ông Nguyễn Sơn khi đó trả lời về nguyên nhân dẫn đến Thẩm phán nhận hối lộ rằng: “Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất, chủ yếu nhất dẫn đến sai phạm của Thẩm phán là ý thức tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức kém, không có lương tâm nghề nghiệp, không giữ được phẩm chất của người cán bộ công chức là đảng viên nói chung và của người Thẩm phán nói riêng”.
Do đó, ngành Tòa án đang xây dựng bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán, dự kiến ban hành trong năm 2018 là hết sức cấp thiết và có giá trị thực tiễn cao. Thẩm phán cũng như mọi người khác, bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ, bị nhiều lợi ích cám dỗ, nên ngoài việc xây dựng các quy định của pháp luật chặt chẽ, ngành Tòa án rất cần quy định về đạo đức và chuẩn mực ứng xử để buộc họ phải chấp hành và có căn cứ để đánh giá khi xem xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm.
Những chuẩn mực cơ bản
Tiêu chí đầu tiên được xác định là tính độc lập của Thẩm phán.
Độc lập là giá trị cốt lõi của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, là một trong những điều kiện tiên quyết để bảo đảm cho việc xét xử vô tư, công bằng, không thiên vị. Bởi vậy, Thẩm phán phải thể hiện và duy trì sự độc lập từ mọi góc độ cá nhân và thể chế.
Các mối quan hệ tác động đến tính độc lập của Thẩm phán được nêu rõ: Thẩm phán phải độc lập với áp lực xã hội, kinh tế; độc lập với các Thẩm phán khác và các cơ quan tư pháp. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết sự việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; không bị ảnh hưởng, không bị thuyết phục, không bị áp lực, không bị đe dọa hoặc can thiệp từ bên ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp ở bất cứ đâu hoặc vì bất cứ lý do gì.
Không phải ngẫu nhiên mà độc lập là cơ sở đầu tiên để đánh giá khả năng của thẩm phán, bởi đó là vấn đề cốt lõi, điều kiện tiên quyết trong các cơ quan tư pháp chỉ tuân theo pháp luật. Bởi vậy, thẩm phán phải thể hiện và duy trì sự độc lập từ mọi góc độ cá nhân và thể chế, tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết sự việc và chỉ tuân theo pháp luật; không bị ảnh hưởng, không bị thuyết phục, không bị áp lực, không bị đe dọa hoặc can thiệp từ bên ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp ở bất cứ đâu hoặc vì bất cứ lý do gì. Thẩm phán phải luôn thể hiện sự vô tư, khách quan và liêm chính; phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ hoặc lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc.
Đòi hỏi đó là không thể chối cãi, nhưng vấn đề đặt ra là thể chế, bộ máy và cả xã hội phải tạo điều kiện tốt nhất để bảo đảm tính độc lập của Tòa án nói chung và Thẩm phán nói riêng. Mọi sự can thiệp bằng cách này hay cách khác phải được loại trừ và xử lý những trường hợp can thiệp một cách nghiêm minh.
Tiêu chí tiếp theo là sự vô tư, khách quan. Theo đó, Thẩm phán phải luôn thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đúng đắn, không vì lợi ích riêng của cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc. Thẩm phán phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ hoặc lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc. Thẩm phán phải từ chối tham gia tố tụng khi nhận thấy có khả năng mình sẽ giải quyết một cách không vô tư, khách quan theo đánh giá chủ quan hoặc theo quan sát của một người bình thường.
Tiêu chí thứ ba là sự liêm chính. Liêm chính là giá trị đầu tiên hình thành nên nhân cách của người Thẩm phán; là phẩm chất cốt lõi không thể thiếu của người Thẩm phán.
Trong đó, Dự thảo quy định: Thẩm phán không được lợi dụng địa vị Thẩm phán của mình để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc của người khác. Thẩm phán không được và không cho phép các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình yêu cầu hoặc chấp nhận bất cứ món quà, khoản thừa kế, khoản vay hay quyền lợi nào khác liên quan đến bất cứ điều gì mà Thẩm phán đã làm hoặc sẽ làm hoặc cố ý không làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán.
Thậm chí, Dự thảo còn quy định cụ thể: Thẩm phán chỉ có thể nhận món quà lưu niệm, giải thưởng hay khoản tiền phù hợp với sự kiện được tổ chức, với điều kiện món quà, giải thưởng hay khoản tiền đó không bị coi là thể hiện sự thiếu vô tư, khách quan hoặc là một hình thức có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán…Thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định.
Ngoài ra, Dự thảo còn đưa ra các tiêu chí khác: Tiêu chí thứ tư là công bằng, bình đẳng. Thứ năm là sự đúng mực. Thứ sáu là sự tận tụy và không chậm trễ. Và tiêu chí thứ bảy, là năng lực và sự chuyên cần.
Kết mở
Cùng với những thay đổi khác như công khai bản án trên internet, xử lý trách nhiệm người có chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân, thay đổi hình thức phòng xử án… ngành Tòa án đang thể hiện một quyết tâm xây dựng Tòa án nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, xứng đáng với quyền tư pháp được Hiến pháp trao cho.
Theo Phaply.vn
Thẩm phán Vũ Thanh Lâm xét xử vụ Cựu HH Phương Nga – Ảnh Văn Châu
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
2 Bình luận
Lê Thị Thủy
15:19 10/10.2024Trả lời
Lương Tùng Vũ
15:19 10/10.2024Trả lời