Đấu giá viên không được lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi

Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 14/2018/TT-BTP, ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2018.

Đấu giá tài sản là một trong những hình thức bán tài sản phổ biến  trong nền kinh tế thị trường nhằm tối đa hóa giá trị tài sản của người có tài sản đấu giá. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, đấu giá viên góp phần vào việc xử lý tài sản công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, đặc biệt là tài sản Nhà nước và tài sản mà theo quy định của pháp luật phải xử lý dưới hình thức đấu giá.

Với đặc thù là một nghề bổ trợ tư pháp, ngoài việc tuân thủ pháp luật, đấu giá viên còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hành nghề.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của đấu giá viên trong hành nghề đấu giá, là cơ sở để đấu giá viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của đấu giá viên, nâng cao uy tín của hoạt động đấu giá tài sản trong xã hội.

Nghĩa vụ và nguyên tắc hành nghề

Theo quy tắc này, đấu giá viên có nghĩa vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan.

Trong hoạt động hành nghề, đấu giá viên phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan khi thực hiện đấu giá, không vì bất kỳ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá tài sản; Trực tiếp điều hành cuộc đấu giá tài sản, chịu trách nhiệm trước pháp luật, tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Tuân thủ các quy định của Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên này và Điều lệ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên mà mình là thành viên.

Đấu giá viên có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đấu giá tài sản nơi mình làm việc, danh dự, uy tín của nghề đấu giá; phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hoạt động hành nghề đấu giá.

Về trách nhiệm nghề nghiệp, đấu giá viên không được lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi. Đấu giá viên phải tận tâm và có trách nhiệm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ để bảo đảm thực hiện đấu giá tài sản hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá có nghĩa vụ nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, tài liệu liên quan đến tài sản đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá, lập và hoàn thiện hồ sơ đấu giá tài sản, điều hành cuộc đấu giá theo đúng quy định pháp luật. Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, đấu giá viên bàn giao đầy đủ hồ sơ đấu giá cho tổ chức  đấu giá tài sản để lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Đấu giá viên có nghĩa vụ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận với các bên tham gia đấu giá, không được sử dụng thông tin biết được từ việc thực hiện đấu giá tài sản để phục vụ lợi ích cá nhân.

Quan hệ với những người có liên quan

Trong quan hệ với người có tài sản đấu giá, đấu giá viên không được thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

Đấu giá viên không được đưa, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

Trong trường hợp đấu giá viên phát hiện người có tài sản đấu giá thông đồng, móc nối với cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải có ý kiến với tổ chức đấu giá tài sản; nếu có cơ sở về việc vi phạm pháp luật thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quan hệ với người tham gia đấu giá, Quy tắc yêu cầu đấu giá viên không được thông đồng, móc nối, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người tham gia đấu giá để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

Đấu giá viên không được có hành vi hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá.

Đấu giá viên không được tiết lộ thông tin mà mình biết được về người tham gia đấu giá, giá mà người tham gia đấu giá đã trả trước khi công bố kết quả đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp đấu giá viên phát hiện người tham gia đấu giá cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, thông đồng, móc nối với cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản, cản trở hoạt động đấu giá tài sản, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá, đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá hoặc dừng cuộc đấu giá, thông báo tổ chức đấu giá tài sản để có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Đấu giá viên không được phân biệt đối xử về giới tính, tuổi, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính giữa những người tham gia đấu giá khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để tham gia đấu giá, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người tham gia đấu giá.

Quan hệ với tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên phải tuân thủ nội quy, quy chế của tổ chức đấu giá tài sản, chấp hành sự quản lý, phân công, điều động của tổ chức đấu giá tài sản. Đấu giá viên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức đấu giá tài sản để dự phòng giải quyết rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.

Trong trường hợp đấu giá viên phát hiện tổ chức đấu giá tài sản có hành vi thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá, kết quả đấu giá tài sản, cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Quan hệ với đồng nghiệp và các cá nhân, tổ chức có liên quan

Quy tắc yêu cầu, đấu giá viên có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự của đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thân thiện, hợp tác giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ, không được gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề, không được thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.

Đấu giá viên có trách nhiệm giám sát và giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động hành nghề, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái trong hoạt động đấu giá tài sản trên cơ sở tôn trọng đồng nghiệp, không ngừng học hỏi vì sự phát triển bền vững của nghề đấu giá.

Khi phát hiện đồng nghiệp có sai sót trong hành nghề, đấu giá viên có nghĩa vụ góp ý thẳng thắn nhưng không được hạ thấp danh dự, uy tín của đồng nghiệp và báo cáo với người có trách nhiệm nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đấu giá viên không được thông đồng, móc nối với tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

Đấu giá viên có thái độ lịch sự, tôn trọng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động hành nghề đấu giá.

**

Đấu giá viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

MINH KHÔI