Dấu hiệu tích cực từ phiên tòa xét xử vụ án trọng điểm đầu năm

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Đinh La Thăng và các đồng phạm đã khép lại nhưng dư âm trong dư luận thì chưa dứt. Phiên tòa như một chỉ dấu tích cực về cải cách tư pháp và công cuộc chống tham nhũng hiện nay.

Hội đồng xét xử (Ảnh: TTXVN)       

       Ngày 22/1/2018, sau 14 ngày xét xử, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, tù chung thân về tội Tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt là tù chung thân. 20 đồng phạm khác trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị xử phạt tù từ 30 tháng đến 22 năm tù. Buộc bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam 60 tỷ đồng (mỗi bị cáo 30 tỷ)… Dẫu dư luận vẫn còn những “băn khoăn gợn sóng”, song kết quả phiên tòa này là dấu hiệu tích cực mở đầu cho một năm chống tham nhũng hiệu quả và là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những ai đã và đang lạm dụng lạm dụng quyền lực vì lợi ích nhóm.

         Tuy dư luận còn có ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, nhưng đa số các chuyên gia pháp lý, luật sư và những cán bộ đã và đang công tác trong các cơ quan tư pháp cho rằng: Nhìn chung, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xem xét khá toàn diện các tình tiết của vụ án, đánh giá vai trò tham gia tội phạm của từng bị cáo một cách khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng các tình tiết giảm nhẹ như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; tích cực giúp đỡ cơ quan tố tụng trong việc điều tra vụ án… Đặc biệt, những bị cáo có thành tích xuất sắc trong công tác hoặc người thân thích có công với cách mạng đều được xem xét thấu đáo để giảm nhẹ mức hình phạt cho các bị cáo. Qua đó, công và tội được đánh giá công minh, hợp tình, hợp lý để có được một phán quyết thuyết phục, ngay cả đối với chính bị cáo.

         Với bị cáo Đinh La Thăng, mặc dù tại phiên tòa, bị cáo không chối tội, nhưng trong lời khai còn có ý né tránh, không trực diện thừa nhận hành vi cố ý làm trái mà xác định mình có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu ngành dầu khí. Mặc dù vậy, bị cáo Đinh La Thăng vẫn được HĐXX cho hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đồng thời, HĐXX đã ghi nhận bị cáo đã có công lao đóng góp trong quá trình công tác, có những cống hiến nhất định, có thành tíchxuất sắc trong công tác. Chính vì vậy, HĐXX đã dành cho Đinh La Thăng mức án thấp trong khung hình phạt dù bị cáo tham gia tội phạm với vai trò chính, mức độ gây thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng.

         Có thể nói, với nguyên Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, đây là một bản án thấu tình, đạt lý, có tính đến cả công và tội, song vẫn bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đối với một quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước, là tiếng chuông cảnh báo cần thiết cho các hành vi lạm dụng quyền lực và sự tuỳ tiện trong thực hiện quyền lực, là lời khẳng định “không có vùng cấm” trong chống tham nhũng.

         Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, là người giữ vai trò thứ hai, sau Đinh La Thăng trong tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, nhưng Thanh không nhận ra tội lỗi của mình, không thành khẩn khai báo, còn quanh co, chối tội; sau khi phạm tội đã bỏ trốn, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố. Cho nên, Thanh phải chịu mức hình phạt nặng hơn Đinh La Thăng 01 năm là phù hợp với tính chất nguy hiểm của hành vi và những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo.

         Đối với tội Tham ô tài sản, Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận hành vi phạm tội, trong khi có khá nhiều lời khai của các đồng phạm và chứng cứ, tài liệu khác để chứng minh tội phạm. Thật tiếc cho một cán bộ cấp cao trong doanh nghiệp nhà nước thuộc tầm cỡ “trọng điểm quốc gia” song lại dễ dàng “đổ” hết trách nhiệm cho thuộc cấp khi việc rút tiền của nhà nước để ăn chia bị bại lộ. Bên cạnh việc đã khắc phục hoàn toàn thiệt hại thuộc kỷ phần của mình, giá như bị cáo thành khẩn khai báo thì chắc chắn mức án dành cho bị cáo không nặng đến thế – tù chung thân.

         Đối với các bị cáo khác, nhìn chung, Hội đồng xét xử đã cân nhắc kỹ càng, thận trọng khi xem xét vai trò tham gia tội phạm của từng cá nhân để cá thể hóa hình phạt một cách hợp tình, hợp lý, nghiêm minh và công bằng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mà nhân dân mong đợi….

         Xét một cách tổng thể, việc ra phán quyết sau 14 ngày tiến hành phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm là thể hiện hoạt động thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, của một chính sách hình sự và đường lối xử lý tội phạm nhân văn, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, được xem xét một cách khách quan, toàn diện theo quy định của pháp luật để có bản án đúng pháp luật. Phiên tòa cũng thể hiện quyết tâm chống tham nhũng đầy khó khăn, phức tạp và nhạy cảm hiện nay. Việc đưa ra xét xử với hình phạt nghiêm minh đối với các cán bộ cao cấp phạm tội như vậy sẽ có tác dụng tích cực, chứng minh không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng. Người nào phạm tội ở bất kỳ vị trí nào thì cũng bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Đây cũng là bài học cho những người đang làm lãnh đạo tại các cơ quan, ban ngành thấm thía về hậu quả pháp lý khi sử dụng quyền lực tùy tiện….

       Hy vọng rằng, sự thành công của phiên “đại án xông đất” sẽ là tiếng “Trống trận” cổ vũ cho một năm chống tham nhũng hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin cho Nhân dân trong công cuộc xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh./.

BÌNH TUYẾT