Dấu mốc lịch sử đối với giáo dục

Chiều 25/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập; trên cơ sở rà soát quy định hiện hành, ngoài nhóm được miễn, không phải đóng học phí, hỗ trợ đóng học phí đã được quy định tại pháp luật hiện hành, Chính phủ đề xuất bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí chưa được pháp luật quy định đầy đủ.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình của Chính phủ

Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội thống nhất với việc mở rộng đối tượng hỗ trợ học phí trong dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến của các bên liên quan; tiếp tục rà soát đối tượng thụ hưởng; đánh giá đúng số lượng tăng thêm cũng như nguồn kinh phí thực hiện làm cơ sở đưa vào tờ trình dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Dự kiến, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí theo dự thảo Nghị quyết ước tính khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với: Trẻ em mầm non 5 tuổi; Học sinh tiểu học; Học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025-2026 là 22,4 nghìn tỷ đồng; số ngân sách nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng.

Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết là một dấu mốc lịch sử đối với giáo dục trong giai đoạn mới, kỷ nguyên mới.

Trước hết Nghị quyết thể hiện rõ nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, không phân biệt trường công lập, tư thục hay dân lập, vì cả ba mô hình này đều làm chung một nhiệm vụ. Đơn cử thành phố Hà Nội, mới đây đã ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đặt mục tiêu với bậc mầm non, số cơ sở giáo dục tư thục phấn đấu đạt tỷ lệ 30%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 30%. Đối với giáo dục phổ thông, số trường học tư phấn đấu đạt 13%, với số học sinh tiểu học đạt 8%, học sinh trung học cơ sở đạt 7%, và học sinh trung học phổ thông đạt 40%. Theo mục tiêu này, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 40% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường tư thục.

Miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông không phân biệt mô hình trường là một dấu mốc lớn

Tính đến năm học 2024 - 2025, Hà Nội có khoảng 600 trường tư thục. Trong đó, cấp trung học phổ thông có khoảng 100 trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 30.000 học sinh lớp 10. Cuối năm học trước, riêng ở bậc học trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh trường tư đạt hơn 25%.

Thực tế đó cho thấy số học sinh các trường dân lập, tư thục chiếm tỷ lệ khá cao, trong khi học phí các trường ngoài công lập thường cao hơn nhiều so với các trường công lập, nên chi phí học tập cho con là một gánh nặng đối với nhiều gia đình.

Quyền tiếp cận giáo dục là một trong những quyền quan trọng, cơ bản của con người, giúp phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Ðối với trẻ em, quyền được học tập là một trong những quyền tất yếu, được Pháp luật Việt Nam quy định và bảo đảm. Cụ thể, Ðiều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh”. Thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục cũng là một trong những mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam. 

Quy định này cũng thể hiện chính sách khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục, nhằm có đủ trường lớp để không trẻ em nào trong độ tuổi đến trường không được đi học.

Nhiều năm qua, hệ thống chính sách phát triển giáo dục nói chung và chính sách pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện. Đến Nghị quyết này, thực hiện chủ trương miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông trong cả nước là một bước tiến vượt bậc, mọi trẻ em đều được hưởng thành tựu đổi mới, là một dấu son về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

THÁI VŨ