Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư phải tập trung, không dàn trải

Vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong năm vừa qua như: công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính, vẫn còn băn khoăn về "giấy phép con"...

Đây là nội dung Thông báo số 79/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.  Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã có nhiều cố gắng với nhiều điểm sáng trong công tác cải cách hành chính năm 2021. 

Vẫn còn những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong năm vừa qua như: công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính, vẫn còn băn khoăn về "giấy phép con", các thủ tục hành chính cần được cắt giảm, cần được giải quyết nhanh hơn và tránh phiền hà, sách nhiễu; một số việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa kiên định tập trung, chưa hiệu quả như giai đoạn chống dịch vừa qua; đầu tư, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu quan tâm.

Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, xuất phát từ nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người đứng đầu các cấp hành chính, liên quan tới thể chế, tổ chức, bộ máy, con người và việc vận hành, nguồn lực đầu tư, quy trình, thủ tục hành chính.

Về công tác cải cách hành chính năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Nội vụ, ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể, mục tiêu, quan điểm là năm 2022 phải tạo ra được bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng tới phát triển bền vững, nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Thống nhất quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển và việc đầu tư này phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phương châm là "đã nói phải làm", thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.

Các bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, cụ thể: (i) Xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ cải cách hành chính; (ii) Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, (iii) Đầu tư nguồn lực về tài chính, con người, (iv) Lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân, cầu thị để đẩy mạnh cải cách hành chính.

Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhất quán từ Trung ương tới địa phương…

Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương, của các cấp hành chính. Chủ động xử lý, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, cản trở, nếu vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Phải huy động nguồn lực để phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia, quản trị của các cấp chính quyền, các bộ, các ngành về cải cách hành chính dựa trên thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Rà soát quy trình, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về thủ tục hành chính trong các cấp, các ngành, nội bộ cơ quan, loại bỏ những quy định không cần thiết để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phối hợp giữa các cơ quan.

Thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự thân thiện của đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp khi tiếp xúc, hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ và việc triển khai Đề án đổi mới trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt tập trung triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp hiệu quả giữa hình thức làm việc trực tuyến và trực tiếp; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tập trung triển khai kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu đối với ngành hải quan, thuế, ngân hàng, bảo đảm cắt giảm thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần, giảm chi phí. 

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương khóa XII để vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, vừa nâng cao năng lực, hiệu quả, điều hành, thực hiện công vụ, xác định chức năng, quyền hạn của các cấp, các ngành để tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, đặc biệt là giảm các khâu trung gian, kiên quyết loại bỏ khâu trung gian không thực sự cần thiết; phân định rõ một việc chỉ giao một cơ quan, đơn vị, cá nhân làm, chịu trách nhiệm theo hướng cơ quan, đơn vị, cá nhân nào làm tốt thì phân công cho cơ quan, đơn vị, cá nhân đó thực hiện; phải căn cứ vào vị trí việc làm để mô tả công việc cần thực hiện, làm căn cứ đánh giá hiệu quả thực hiện công việc; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Đầu tư thỏa đáng để đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số.

Huy động mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ cho công tác cải cách hành chính

Huy động mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ cho công tác cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trên tinh thần "của dân, do dân, vì dân", mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp đóng góp, xây dựng thẳng thắn, chân thành; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp về cải cách hành chính; khuyến khích tổ chức đối thoại với người dân và doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc để sửa đổi, bổ sung kịp thời và có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp đóng góp, xây dựng vào công tác cải cách hành chính.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng để giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân, giải quyết các vấn đề phát sinh đặt ra từ thực tiễn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, tham khảo các bài học tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, huy động nguồn lực quốc tế cho công tác cải cách hành chính.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương mình.

Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng sáng tạo vào Việt Nam, bảo đảm việc đánh giá chính xác, khách quan, công bằng, tạo hiệu ứng tốt; khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị để tổ chức công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021.

Hoàn thiện dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong đó, quy định chế độ họp định kỳ 01 quý/1 lần và đột xuất để đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xác định cụ thể các nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Ngoài việc họp về những vấn đề chung của Ban Chỉ đạo, cần bổ sung nội dung họp, thảo luận theo chuyên đề cải cách hành chính cụ thể để bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo - Ảnh: TTXVN

PVA