Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Sau hơn 6 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Thay đổi tích cực

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, có địa hình phức tạp, địa bàn rộng, dân cư nằm rải rác khắp các xã vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại hết sức khó khăn nên việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích cũng gặp không ít khó khăn, như: Thời gian giao nhận hồ sơ và trả kết quả còn chưa kịp thời, giao nhầm địa chỉ, hồ sơ thất lạc… Vì vậy, thời gian đầu, nhiều đơn vị không thực hiện và muốn trực tiếp giao dịch với cơ quan BHXH. Trước tình trạng trên, BHXH tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với bưu điện tỉnh, ban hành các văn bản hướng chỉ đạo quyết liệt đến BHXH và Bưu điện các huyện, thị, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu điện, tuân thủ đúng quy trình, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tích cực tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về lợi ích của dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Đồng thời, cung cấp danh sách số điện thoại là các đầu mối tiếp nhận hồ sơ của bưu điện để các đơn vị sử dụng lao động thuận tiện liên hệ khi phát sinh nhu cầu giải quyết TTHC. Củng cố mạng lưới phủ đến tận xã, thuận tiện cho việc cung cấp dịch vụ đến tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Hiện nay, trên toàn tỉnh đã có 107 điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích của bưu điện. Số lượng nhân viên bưu điện tham gia vào công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 158 nhân viên, cơ bản đáp ứng tốt công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC.

Năm 2019, BHXH tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22.11.2012 của Bộ Chính trị, Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân; đẩy mạnh các biện pháp để tuyên truyền vận động mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tập trung phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động và doanh nghiệp trên địa bàn. Giải quyết kịp thời, chính xác chế độ BHXH, BHTN, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian giao dịch….

Lan tỏa chính sách

Căn cứ vào đặc điểm tình hình địa phương, BHXH tỉnh đã xác định rõ cần tập trung tuyên truyền tới nhóm đối tượng ở độ tuổi trưởng thành, có thu nhập khá và mang tính ổn định. Nhóm này thường sống trên địa bàn thành phố, thị trấn, chủ yếu là các hộ kinh doanh, NLĐ làm việc theo thời vụ ở các DN. Còn đối với các xã vùng sâu, vùng xa, tập trung vào hộ gia đình có kinh tế khá sống tại trung tâm xã.

Trên cơ sở đó, những thông tin về chính sách BHXH được BHXH tỉnh liên tục đưa tới người dân thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, đối thoại trên truyền hình, phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động tuyên truyền được gắn với hoạt động của thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, các hội, đoàn thể… với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, trong các hội nghị tuyên truyền ở thôn, bản, các tuyên truyền viên đã khéo léo tư vấn cách lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của người dân cũng như giới thiệu rõ mức hỗ trợ của Nhà nước, nên có sức thuyết phục cao.

Theo ông Trần Minh Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh, để công tác tuyên truyền được hiệu quả, ngoài việc đổi mới, sáng tạo và khéo léo, BHXH Điện Biên luôn chú trọng phát triển các “cầu nối”- là mạng lưới nhân viên đại lý thu đến tận thôn bản. Theo ông Tuấn, hiện nay, BHXH tỉnh có 5 hệ thống đại lý (UBND xã, Bưu điện, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Trạm y tế) với hơn 300 nhân viên, liên tục được tập huấn, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ. Trong quý I/2019, đã phối hợp với Bưu điện tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền, giúp phát triển được 353 đối tượng tham gia.

Ông Tuấn cũng cho biết, để tăng cường mối quan hệ trong công việc, BHXH tỉnh còn khuyến khích, tạo điều kiện để CCVC tham gia các lớp học tiếng dân tộc (chủ yếu là tiếng Thái và tiếng Mông). Đồng thời, đào tạo, trang bị cho nhân viên đại lý thu kiến thức pháp luật BHXH, BHYT với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Vì thế, hệ thống đại lý đã khéo léo lồng ghép, kết hợp với những hoạt động thường xuyên ở xã, bản để đề ra sáng kiến “Bỏ ống tiết kiệm giúp nhau tham gia BHXH tự nguyện”.

Ngoài ra, BHXH tỉnh còn thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp khác nhằm phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như: Chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương có văn bản chỉ đạo các phòng, ban, tổ chức đoàn thể vào cuộc cùng ngành BHXH; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đến từng đại lý thu; phát động phong trào và ký giao ước thi đua phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong hệ thống các đại lý; yêu cầu mỗi nhân viên đại lý thu phải mở sổ sách theo dõi chi tiết đối tượng tham gia để khi đến hạn phải nộp sẽ tiếp cận vận động, tuyên truyền tiếp.

Đình Bảo