Để không còn những vụ lừa đảo như Modern Tech: Hai việc cần làm…

Dấu hiệu sai phạm của Công ty Modern Tech là rất rõ ràng khi đã dùng những thủ đoạn gian dối, để lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc của nhà đầu tư. Nếu không làm triệt để và không xử nghiêm, rất có thể sau khi xử lý Modern Tech này bị triệt phá lại có Modern Tech khác mọc lên, thậm chí độ càn quét còn lớn mạnh hơn nữa. Để không còn cơ hội cho những Modern Tech phiên bản tiếp theo thì “lòng tham” của nhà đầu tư cũng đã đến lúc cần phải xử lý.

1. Giải thể vẫn khởi tố

Modern Tech mới được thành lập từ 31/10/2017 và đã tuyên bố giải thể ngày 7/3/2018. CEO là một người rất trẻ sinh năm 1988. Có hàng nghìn nhân viên, hệ thống “chân rết” giúp sức tích cực cho CEO trẻ tuổi huy động nguồn tiền khổng lồ. Tuy nhiên, hiện nay hơn 30 nghìn người tạm coi là “bị hại” đang hoang mang không biết công ty đã bị giải thể liệu họ có đòi được tiền thật? Trong hàng nghìn người lôi kéo họ kia, ai sẽ chịu trách nhiệm? Theo quy định của pháp luật, việc tuyên bố giải thể không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý nếu Modern Tech chưa hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ cũng như giải quyết các khoản đầu tư của các nhà đầu tư vào công ty, còn liên quan đến các vấn đề như thuế, bảo hiểm, các nghĩa vụ khác. Một công ty chỉ hoàn thành và coi là giải thể khi và chỉ khi có thông báo/quyết định của Sở Kế hoạch Đầu tư sau khi công ty đó đã hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Các nhân viên trong Modern Tech phải xem xét dưới các vai trò như người làm công, họ có buộc và có khả năng biết được chính công ty đang có hành vi vi phạm pháp luật? vì với những sản phẩm như tiền ảo, công nghệ cao không phải ai cũng là người có thể hiểu rõ về nó nhất là về mặt pháp lý. Các luật sư cho rằng việc xác định trách nhiệm của những nhân viên này cần phải thận trọng.

Trường hợp các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ hành vi đúng như nhà đầu tư tố cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 thì chế tài ở mức cao nhất cho CEO Modern Tech có thể lên đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 4 của điều này.

Theo khoản 5 của Điều 290 Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Việc có áp dụng các chế tài nêu trên hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả xác minh làm việc của các cơ quan chức năng.

Việc Modern Tech nói rằng là đại diện của Ifan (đến từ Singapore) và Pincoin (Ấn Độ) tức là các pháp nhân đến từ nước ngoài. Vậy trách nhiệm liên đới của các bên liên quan ra sao? Việc xác định trách nhiệm pháp lý khi các cơ quan chức năng mở hồ sơ vụ án sẽ phải làm rõ việc các pháp nhân nước ngoài đó có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hay không? Modern Tech kêu gọi, huy động mọi người tham gia trên cơ sở pháp lý nào? Việc thoả thuận giữa Modern Tech với các công ty nước ngoài không có nghĩa làm thay đổi bản chất vụ việc vì Modern Tech là công ty hoạt động tại Việt Nam, buộc phải tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam. Xác định trách nhiệm với các công ty nước ngoài là cần phải có, nhưng về cơ bản không làm thay đổi bản chất vụ án hay miễn trừ trách nhiệm hình sự của các tổ chức cá nhân tại Việt nam.

 Luật sư Nguyễn Thế Truyền
Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Vụ việc này có căn cứ để các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người trong ban điều hành, sáng lập ra Modern Tech. Vì, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định “Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản” những hành vi này nằm trong các hành vi mà Điều 290 điều chỉnh về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

2. Đã đến lúc phải xử lý cả “lòng tham”

Những người tham gia vào đường dây này liệu có cơ hội lấy lại được tiền không? Trong mô hình này, những người tham gia ngoài việc được hưởng lãi suất 48%, nếu lôi kéo được người tham gia còn được trích 8% số tiền người mới nộp vào. Vậy có phạm tội đồng phạm với những người cầm đầu đường dây không? Đó là những câu hỏi mà dư luận cũng đang đặc biệt quan tâm. Việc có lấy lại được tiền cho những người tham gia vào đường dây này hay không tôi cho rằng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, thứ nhất các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc để kịp thời phong toả tài khoản, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời tránh việc tẩu tán tài sản của những đối tượng này. Thứ hai; phải xác định vai trò trách nhiệm của những người tham gia vì có những người tham gia đã được hưởng lợi 8% từ việc lôi kéo người khác vào hệ thống.

Việc xác định trách nhiệm của những người đã nhận 8% tiền giới thiệu cũng giống như bao nhiêu vụ đa cấp biến tướng lừa đảo khác “lá – thân – cành” hoàn toàn có thể xác định cá thể hoá trách nhiệm với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, trên thực tế do những vụ việc liên quan đến công nghệ cao thường có số lượng người tham gia rất lớn, 30.000 người và khó xác định. Các cơ quan tố tụng thường xác định vai trò tổ chức, cầm đầu. Bản thân những người tham gia và được hượng lợi “nếu có” thì xuất phát điểm có thể là những “bị hại”nhưng trong quá trình điều tra hoàn toàn có thể chuyển sang “bị can’. Chúng ta phải khẳng định rõ ràng rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Chính vì thế, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Theo Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), từ 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng quy định, từ 1-1-2018, người nào thực hiện một trong các hành vi: Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; Làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán… gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100-dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Hy vọng của nhà đầu tư về việc thu hồi được số tiền đó là rất thấp vì rất có thể nó đã bị sử dụng để chi trả, tẩu tán. Mặt khác, số tiền với lãi suất cao như đã thỏa thuận ban đầu thì nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ thậm chí lòng tham của các nhà đầu tư còn có nguy cơ bị xử lý. Đã đến lúc cơ quan chức năng không chỉ quyết liệt với đối tượng lừa đảo mà cần phải quyết liệt với cả “lòng tham” của các nhà đầu tư để cảnh báo, răn đe ngăn chặn những người có “lòng tham” không vướng vào những phi vụ “bị” lừa đảo mới.

Theo Phaply.vn

Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN