Để người dân tham gia BHXH tự nguyện

Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già, nhất là với những người không có hợp đồng lao động và công việc ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù chính sách BHXH tự nguyện có rất nhiều lợi ích nhưng số lượng người tham gia vẫn còn thấp so với tiềm năng.

“Của để dành” cho người lao động tự do

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.

Nói về việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện, ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết thêm, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí – lương hưu khi về già. Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện nói chung, có thể lựa chọn mức thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình bằng mức thấp nhất ngang mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện tại là 700.000 đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng. Người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng cũng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.Ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia BHXH của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ.

Theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2018, người dân đang đóng hoặc bắt đầu đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 10 năm đóng BHXH. Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn năm 2018 là 700.000 đồng/người/tháng. Hình thức hỗ trợ bằng cách, hằng quý, ngân sách Nhà nước căn cứ vào danh sách đóng BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH để chuyển tiền đóng vào quỹ BHXH, trên cơ sở mức hỗ trợ mà người dân được hưởng và sẽ được khấu trừ số tiền phải đóng cho cơ quan BHXH. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và thực hiện các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ; bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp

Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù rất có lợi nhưng số lượng người tham gia vẫn còn thấp so với tiềm năng. Do đó, BHXH đã có một số định hướng và giải pháp trong thời gian tới, như: Thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để tạo sự ổn định về công việc, thu nhập và là cơ sở cho việc tham gia BHXH; Cải cách thủ tục hành chính, đa dạng các phương thức thu nộp BHXH; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; Tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tới các địa phương; Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, cụ thể thực hiện lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu; Nghiên cứu để bổ sung thêm các chế độ BHXH ngắn hạn, thực hiện các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân; Điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền đóng phù hợp, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Nhiều năm nay, BHXH Hà Nội luôn đề cao vai trò của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, BHXH thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp để người dân hiểu rõ về ý nghĩa của BHXH tự nguyện mang lại. Qua những đợt tuyên truyền tập trung cùng với sự nỗ lực hết mình của cán bộ ngành bảo hiểm, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tại các quận, huyện tăng lên rõ rệt. Điều đó càng thể hiện vai trò, tính nhân văn sâu sắc của ngành BHXH trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Tại quận Tây Hồ (Hà Nội), hoạt động tuyên truyền, tư vấn người lao động tự do tham gia BHXH được coi là hoạt động thường niên do BHXH quận phối hợp với cơ quan Bưu điện và UBND các phường tổ chức. Trong các buổi tuyên truyền trực tiếp với người lao động, đại diện cơ quan BHXH quận và đại lý thu bưu điện đã tư vấn giải đáp cụ thể các thủ tục tham gia, tỷ lệ đóng, phương thức đóng, mức đóng – mức hưởng, tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước dành cho người lao động.Với cách tiếp cận trực tiếp với người dân như vậy, bước đầu đã tạo được niềm tin của nhân dân về chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH quận và Bưu điện trung tâm 1 cũng triển khai các hình thức tuyên truyền như: Phát tờ rơi, băng rôn, áp phích nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH quận Tây Hồ cho biết:Trong các buổi tư vấn trực tiếp, cơ quan BHXH sẽ niêm yết công khai tên cán bộ tư vấn, số điện thoại đại lý thu để nâng cao chất lượng phục vụ người lao động. Tạo mọi điều kiện phù hợp để người dân có thể tiếp cận BHXH tự nguyện. Đồng thời, BHXH quận cũng sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng tại địa phương để thực hiện tuyên truyền lồng ghép nội dung BHXH tự nguyện trong các cuộc họp tổ dân phố, tại các khu chợ… Giúp người lao động hiểu được tính ưu việt của BHXH tự nguyện để chủ động tham gia.

Còn tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), bên cạnh việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách về BHXH tự nguyện tới người dân, cơ quan BHXH huyện còn giới thiệu, phổ biến các nội dung về chính sách BHXH tự nguyện đồng thời có những ví dụ minh họa cụ thể gắn liền với cuộc sống đối với các chế độ và quyền lợi được hưởng. Tại các hội nghị, ý kiến của người dân luôn được đại diện BHXH huyện giải đáp thỏa đáng, rõ ràng. Đặc biệt, sau khi kết thúc các buổi tư vấn, nhiều người dân đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện luôn.

khu vực nông thôn năm 2018 là 700.000 đồng/người/tháng. Hình thức hỗ trợ bằng cách hàng quý ngân sách Nhà nước căn cứ vào danh sách đóng BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH để chuyển tiền đóng vào quỹ BHXH, trên cơ sở mức hỗ trợ mà người dân được hưởng, và sẽ được khấu trừ số tiền phải đóng cho cơ quan BHXH.

Trương Tuấn