Đề xuất triển khai tổ chức Tòa án theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính

Tại buổi làm việc khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã kiến nghị một số nội dung cụ thể, nhằm tiếp tục cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Bảy kiến nghị quan trọng

Từ kết quả tổng kết Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương một số nội dung sau:

Thứ nhất, bổ sung vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII kết quả của cải cách tư pháp thời gian qua; khẳng định chủ trương cải cách tư pháp là đúng đắn, phù hợp với tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển đất nước; và xác định nhu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược cải cách tư pháp (giai đoạn 2021 – 2030 và giai đoạn tiếp theo) trong đó xác định rõ mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cải cách, trách nhiệm và lộ trình thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn và kết luận những vấn đề lý luận về Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa như: (i) Vị trí, vai trò “trung tâm” của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp và hoạt động xét xử là ‘trọng tâm” trong hoạt động tư pháp; (ii) Nội hàm của “tư pháp”, “quyền tư pháp”, “cơ quan tư pháp”, “cơ quan có hoạt động tư pháp” (iii) Cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhất là kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan có hoạt động tư pháp. Trên cơ sở đó, xác định rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của Tòa án trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án nhằm bảo đảm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu và cho triển khai thực hiện chủ trương “Tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”. Trước mắt, cho phép Tòa án nhân dân tối cao thực hiện thí điểm sát nhập một số Tòa án nhân dân cấp huyện tại một số tỉnh có đủ điều kiện.

Thứ tư, có ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tháo gỡ khó khăn cho hệ thống Tòa án nhân dân, góp phần làm giảm số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết; khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Tòa án; đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Thứ năm, có ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ sửa đổi chế độ tiền lương và ban hành các chính sách ưu đãi khác cho phù hợp với đặc thù về tính chất và trách nhiệm nghề nghiệp của Thẩm phán và cán bộ, công chức Toà án, giúp cho các Tòa án có điều kiện thu hút, tuyển chọn những người có trình độ vào công tác trong ngành; đồng thời, động viên, khuyến khích Thẩm phán, cán bộ, công chức yên tâm công tác, giữ gìn đạo đức, lối sống và sự liêm chính của người cán bộ Tòa án.

Thứ sáu, có ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, quan tâm, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trụ sở, tăng cường các điều kiện, trang bị phương tiện làm việc cho các Tòa án. Bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân.

Thứ bảy, hoàn thiện thể chế về luật sư, hành nghề luật sư phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập, phát triển, tăng cường hiệu quả vai trò tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của luật sư.

Phương hướng cải cách tư pháp trong thời gian tới

Cải cách tư pháp thời gian tới phải quán triệt và hướng tới mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp liêm chính, hiện đại, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, nghiêm minh, bảo vệ công lý, đấu tranh hiệu quả với mọi loại tội phạm, vi phạm, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực”.

(1) Nghiên cứu, làm rõ (i) Vị trí, vai trò “trung tâm” của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp và hoạt động xét xử là “trọng tâm” trong hoạt động tư pháp; (ii) Nội hàm của “tư pháp”, “quyền tư pháp”, “cơ quan tư pháp”, “cơ quan có hoạt động tư pháp” trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (iii) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

(2) Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

(3) Tổ chức hệ thống các Tòa án theo hướng hợp lý, khoa học, hiện đại, hiệu quả hướng tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử. Tiếp tục triển khai việc nghiên cứu, thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.

(4) Xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhất là đội ngũ Thẩm phán tuyệt đối trung thành với Đảng, tổ quốc, nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng.

(5) Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Tòa án; xây dựng mô hình tổ chức đảng trong hệ thống Tòa án nhân dân phù hợp với việc tổ chức Tòa án nhân dân 04 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên trong hệ thống Tòa án nhân dân.

(6) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án, tiến tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử.

(7) Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất để Tòa án chủ động trong quản lý và sử dụng ngân sách.

(8) Tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế liên quan tới công tác Tòa án; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tham gia vào các định chế tài phán quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

VŨ HÙNG