Dịch bệnh rất khó kiểm soát, người dân nên hạn chế ra đường

Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhiều địa phương đã có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và tại các bệnh viện… Hà Nội và nhiều địa phương khác đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó kiểm soát

Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 7/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Do vậy, diễn biến dịch trong nước đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó kiểm soát hơn so với các đợt trước.

 “Có thể xuất hiện thêm các ổ dịch có nguồn lây chưa kiểm soát được. Do vậy, chúng ta phải đặt trong trạng thái không chủ quan, không lơ là, mất cảnh giác. Chúng tôi đề nghị tất cả các địa phương, các đơn vị phải siết chặt vấn đề này. Như Thủ tướng nói “một người lơ là làm cả xã hội vất vả”. Chỉ một khâu lơ là trong cách ly, một người lơ là trong kiểm soát cách ly hay bàn giao cách ly sẽ gây nguy hại lớn”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh xét nghiệm là phương pháp duy nhất phát hiện ca bệnh, đề nghị các địa phương nâng cao năng lực và chủ động trong xét nghiệm. Đồng thời phải đảm bảo cho tình huống dịch lan rộng trong cộng đồng. Các tỉnh có thể sử dụng nhiều phương pháp xét nghiệm, ngoài xét nghiệm RT-PCR.

Một vấn đề lớn hiện nay là nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến trung ương, bởi đây là nơi tổng hợp tất cả các nguồn từ các tỉnh thành đổ về. Những người vào thăm bệnh nhân là yếu tố nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh. Các bệnh viện luôn phải chủ động bảo vệ các khu vực trọng yếu, như phòng khám, phòng cấp cứu…, bên cạnh đó còn là việc cách ly giữa các khoa với khoa trong bệnh viện.

Về cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt tinh thần là phải có chỉ đạo, giám sát. Những cơ sở nào đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế thì mới cho phép nhận người cách ly, không đủ điều kiện là cho dừng, "không được nhân nhượng, xuề xoà, dễ dãi". Thời gian qua, chúng ta thực hiện đưa công dân về nước, với hơn 100.000 người, có những chuyến bay có tận 10 người dương tính, điều này có gây khó khăn cho địa phương, nhưng không thể vì thế mà biện luận cho việc quản lý cách ly, bàn giao cách ly…

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh 3 điểm yếu: Xét nghiệm, cách ly và điều trị trong phòng chống dịch đối với các địa phương và chốt lại: "Chúng ta đang đặt trong tình trạng báo động rất cao, do đó đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ".

Người dân không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết

Chủ tịch UBND TP Hà Nội có Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của thành phố phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.

Tại TP. HCM, Sở Giao thông vận tải  ra thông báo khẩn yêu cầu các đơn vị vận tải siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từ tối ngày 7/5, toàn bộ xe khách, xe buýt không chở quá 50% sức chứa, tối đa chỉ 30 người/chuyến. Bên cạnh đó, bắt buộc hành khách khai báo y tế, các đơn vị quản lý bến xe khách thường xuyên thực hiện phun thuốc sát khuẩn định kỳ hàng ngày (sau khi kết thúc một ngày làm việc) khu vực phòng chờ hành khách, khu vực tập trung đông người...

Đà Nẵng tạm dừng hoạt động thêm 2 chợ để xét nghiệm Covid-19 cho hơn 300 người do liên quan 1 trường hợp mắc Covid-19 và 1 ca nghi ngờ mắc bệnh. Hai trường hợp này là đồng nghiệp, cùng làm việc tại Thẩm mỹ viện Quốc tế AMIDA. Cũng liên quan trường hợp này, quận Liên Chiểu đã phong tỏa một khu vực trên đường Lê Hiến Mai, phường Hòa Minh (nơi ca nghi mắc Covid-19 cư trú) đồng thời đưa 13 trường hợp F1 - là người sống cùng gia đình về cách ly tập trung tại Khu Ký túc xá phía Tây TP Đà Nẵng.

Hơn 500 nhân viên làm việc tại các quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở massage... ở Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm trước sự việc vũ trường New Phương Đông ghi nhận nhiều ca Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản hỏa tốc về việc thành lập trạm giám sát dịch tễ tại khu vực thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) để ngăn dịch xâm nhập từ các tỉnh phía nam đèo Hải Vân. Cán bộ ở trạm sẽ giám sát dịch tễ đối với người đi trên ôtô, xe máy và người đi bộ theo hướng từ đèo Hải Vân ra thị trấn Lăng Cô; đo thân nhiệt, khai báo y tế, xác định người thuộc diện cách ly theo quy định. Đây sẽ là chốt chặn ngăn dịch COVID-19 xâm nhập từ các tỉnh phía nam đèo Hải Vân vào tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bắc Ninh thì yêu cầu Công an các địa phương tạm dừng làm căn cước công dân gắn chip cho người dân sau khi ghi nhận 2 ca mắc  Covid-19 có liên quan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Bắc Ninh tạm dừng hoạt động rạp chiếu phim, phòng xông hơi trong nhà và dừng hoạt động vui chơi, giải trí đông người, các hoạt động văn hóa, thể thao giải trí. Với các nhà hàng, quán ăn trong nhà, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1m, không hoạt động các quán ăn ngoài đường. Các gia đình có nhu cầu tổ chức đám cưới, đám tang thì vẫn được tổ chức. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh đề nghị gia đình không mời khách, chỉ người trong gia đình, với đám hiếu khuyến khích gia đình tổ chức trong 24 giờ và hỏa táng.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có Công văn hỏa tốc gửi các ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các khối Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên; các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 10/5 đến khi có thông báo mới.

Đến nay có 24 tỉnh, thành đã điều chỉnh lịch học do ảnh hưởng của Covid-19 gồm: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hưng Yên, Yên Bái, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lai Châu, Lào Cai, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sóc Trăng, TP HCM, Đồng Nai.

Có thể nói các địa phương trong cả nước đều đưa phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, với tinh thần tập trung cao độ, ngoài sự chủ động của chính quyền và hệ thống y tế, là ý thức tự giác của mỗi người dân.

 

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: TL

KIM DUNG