Điểm mới và vướng mắc về biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi
Giám sát người bị buộc tội là biện pháp chỉ áp dụng cho riêng người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi) được quy định tại Điều 418 BLTTHS năm 2015 với mục đích là để bảo đảm sự có mặt của người bị buộc tội dưới 18 tuổi khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đây là biện pháp cần được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ưu tiên xem xét, cân nhắc trước khi quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.
1. Điểm mới của biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi
So với quy định tại Điều 304 BLTTHS năm 2003 thì biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi quy định tại Điều 418 BLTTHS năm 2015 có những điểm mới sau:
Thứ nhất, bổ sung thêm cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền ra quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
Ngoài việc quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như quy định tại Điều 304 BLTTHS năm 2003 thì quy định tại khoản 1 Điều 418 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có quyền ra quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.
Thứ hai, quy định rõ ràng hơn nhiệm vụ của người giám sát
Nếu như khoản 2 Điều 304 BLTTHS năm 2003 chỉ quy định: Người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người chưa thành niên, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó thì khoản 2 Điều 418 BLTTHS năm 2015 quy định rõ ràng hơn như sau: Trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội thì người được giao nhiệm vụ giám sát phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Quy định này của BLTTHS năm 2015 nhằm đảm bảo việc áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ hơn người bị buộc tội dưới 18 được hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực, cản trở việc giải quyết vụ án do người bị buộc tội dưới 18 tuổi thực hiện.
Thứ ba, mở rộng đối tượng người giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi
Theo Điều 304 BLTTHS năm 2003 thì người được giao nhiệm vụ giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội là cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ. Nhưng Điều 418 BLTTHS năm 2015 thì mở rộng hơn đối tượng người giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi là người đại diện hợp pháp của họ. Theo đó, người đại diện của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây: Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, người giám hộ và người do Tòa án chỉ định.
2. Vướng mắc trong thực tiễn
Nghiên cứu quy định về biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi và biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú thì thấy rằng mục đích của biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi theo Điều 418 BLTTHS năm 2015 là để bảo đảm sự có mặt của người bị buộc tội dưới 18 tuổi khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Còn mục đích của biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo Điều 123 BLTTHS năm 2015 là nhằm bảo đảm sự có mặt của ngbị cam, bị cáo khi có giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án. Như vậy, mục đích của hai biện pháp này là giống nhau. Tuy nhiên, vấn đề là biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi có được áp dụng đồng thời với biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú không thì thực tiễn vẫn còn vướng mắc do nhận thức còn khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng biện pháp giám sát người bị buộc tội thì không được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bởi vì khoản 1 Điều 419 BLTTHS năm 2015 quy định như sau: “Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả” và khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số: 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Lao động-Thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 06/2018) quy định như sau: “Trước khi quyết định áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 123, Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự.”.
Như vậy, qua các quy định này thì có thể thấy biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi và biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú là hoàn toàn độc lập với nhau. Cho nên khi đã áp dụng biện giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi thì không cần thiết phải áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi.
Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù mục đích của biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi và biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú có mục đích tương tự nhau nhưng cách thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của những người liên quan là khác nhau như: Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú thì phải làm cam đoan thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 123 BLTTHS năm 2015; Nếu bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú vi phạm nghĩa vụ thì bị tạm giam. Còn biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi có quy định nghĩa vụ của người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát. Trường hợp người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát vi phạm nghĩa vụ giám sát mà để người bị buộc tội dưới 18 tuổi bỏ trốn hoặc thực hiện các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị thay đổi hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, biện pháp giám sát người bị buộc tội không phải là một trong các biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS năm 2015. Cho nên, khi áp dụng biện pháp giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi.
Vướng mắc trên rất cần được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn hoặc giải đáp để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận