Điện Biên Phủ – bản anh hùng ca bất tử

Cách đây tròn 65 năm, từ ngày 17/3 đến ngày 7/5-1954 trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, lập nên một trong những chiến công hiển hách nhất, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

56 ngày đêm lịch sử

Đông Xuân 1953 – 1954, để đối phó với hướng tiến công chủ yếu của quân ta lên Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào, Tướng Nava, Tổng chỉ huy quân Pháp cho đổ quân xuống Điện Biên Phủ và nhanh chóng biến nơi đây trở thành một tập đoàn phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu với quân số lúc cao nhất là 16.200 tên. Để đánh bại kế hoạch quân sự Nava, làm thất bại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh của chiến dịch, cùng với các đồng chí của mình đã bằng mọi cách huy động tổng lực của quân và dân cả nước vào trận quyết chiến. Với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, bằng sức người là chính, bộ đội ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua núi cao. Bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500 km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới…

Sau khi đã cân nhắc trong 11 ngày đêm, Đại tướng quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” để tiêu diệt và làm suy yếu dần đối phương, đồng thời giảm thương vong ở mức thấp nhất cho bộ đội. Chính vì vậy, trải qua 3 đợt tấn công liên tục bắt đầu từ 13/3, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đến ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, lực lượng QĐNDVN do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5 năm 1954, sau suốt 2 tháng chịu trận. Giữa trận này, quân Pháp đã gia tăng lên đến 16.200 người nhưng vẫn không thể chống nổi các đợt tấn công của QĐNDVN. Thực dân Pháp đã không thể bình định Việt Nam bất chấp nhiều năm chiến đấu và sự hỗ trợ ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ, và họ đã không còn khả năng để tiếp tục ứng chiến sau thảm bại này.


Giá trị lịch sử và thời đại

Thắng lợi của ta tại Điện Biên Phủ đã làm phá sản kế hoạch Nava, đồng thời làm thất bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Đông Dương. Chiến thắng đã góp một tín hiệu tích cực về sự thay đổi của thời đại trên đất nước Việt Nam.

Trên phương diện quốc tế, trận này có một ý nghĩa rất lớn: Lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng quân đội của một cường quốc châu Âu bằng sức mạnh quân sự. Được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc Pháp phải hòa đàm và rút ra khỏi Đông Dương, các thuộc địa của Pháp ở Châu Phi được cổ vũ mạnh mẽ cũng đồng loạt nổi dậy. Chỉ riêng trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.

Vì thế, đại thắng của QĐNDVN trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn được xem là một thảm họa đánh dấu thất bại hoàn toàn của nước Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của mình nói chung sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, qua đó chấm dứt thời đại hơn 400 năm của chủ nghĩa thực dân kiểu cổ điển trên thế giới.

Có thể nói, 65 năm đã trôi qua, lịch sử nhân loại có nhiều biến chuyển, loài người đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng những bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do.

Tại Hội thảo với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Giá trị lịch sử và hiện thực” vừa tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử này, Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tạc vào lịch sử dân tộc bản hùng ca bất tử cùng những tấm gương anh dũng, sáng ngời, khẳng định ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Về nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá, TS, Phạm Đình Bách – Chủ nhiệm Bộ môn lịch sử quân sự, Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng – nhấn mạnh: Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố hợp thành, trong đó bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện trên 3 lĩnh vực chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật là nhân tố góp phần quyết định.

Về chỉ đạo chiến lược, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy đã rất nhạy bén, sớm phát hiện và đánh giá đúng âm mưu chiến lược của địch; chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta. Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới, nhất là nghệ thuật chiến dịch tiến công như tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu của địch… Về chiến thuật, khi ta tập trung sức mạnh của cả dân tộc quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến thuật của ta đã có những bước phát triển mới như chiến thuật công kiên đã phát triển từ cấp tiểu đoàn, đại đoàn (thiếu) lên tới quy mô đại đoàn, đánh hiệp đồng binh chủng, hay xuất hiện chiến thuật phòng ngự trận địa, sự ra đời của chiến thuật đánh lấn… Sự phát triển toàn diện về nghệ thuật quân sự trên nhiều lĩnh vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tiếng sấm Điện Biên Phủ sẽ còn vang mãi

Trong cuốn tự truyện “Thời điểm của những sự thật” của tướng Nava, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương 1953 -1954 (xuất bản năm 1979) có nêu những nguyên nhân chủ yếu khiến quân đội Pháp bại trận tại Việt Nam. Vị tướng này đã thấy rõ cuộc chiến tranh của phía Việt Nam là cuộc chiến tranh tổng hợp và tổng lực, được người dân tham gia một cách toàn diện, trong khi đối với nước Pháp, chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh nửa vời, không được dư luận quan tâm và ủng hộ. Tướng Nava cho rằng, quân đội của Tướng Giáp được xây dựng theo “một hình chóp nón” mà đáy của nó bám rễ sâu trong nhân dân. Tầng dưới của tháp là dân quân du kích, đối thủ vô hình chiến đấu tại chỗ, nơi nào cũng có. Tầng giữa là bộ đội địa phương, trình độ chiến đấu và trang bị ngày càng cải thiện. Đỉnh tháp là bộ đội chính quy không bị giam chân giữ đất nên rất cơ động, là chủ bài đích thực của Việt Minh.

Trong bài viết Điện Biên Phủ với chính trường nước Pháp, Đại tá Lê Đức Hạnh, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, viết: “Điện Biên Phủ không chỉ là sự kiện khiến chính trường nước Pháp luôn bất ổn trong thập niên 60 của thế kỷ 20 mà còn là sự kiện luôn đeo đẳng nước Pháp nhiều thập niên sau đó. Đúng như nhận định của ký giả người Pháp J.Roa trong cuốn Trận Điện Biên Phủ đã viết: “Trong toàn thế giới, trận Waterloo cũng ít tiếng vang hơn… Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ sẽ còn vang mãi”. Tương tự, Bernard Fall, nhà sử học Mỹ gốc Pháp, viết: “Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng tới chúng ta nhiều chục năm nữa”…

Ths NGUYỄN THỊ MINH HẢO