Đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Bài viết trao đổi về thực tiễn áp dụng thời hiệu trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc áp dụng thời hiệu như thế nào còn chưa thống nhất giữa các cơ quan, người tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm.
Qua thực tiễn xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND và cụ thể là áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ở cấp sơ thẩm, chúng tôi có những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng thời hiệu khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cụ thể trong vụ việc như sau:
Ngày 01/01/2018, Nguyễn Văn A có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy Methamphetamine (A đã bị UBND xã X áp dụng biện pháp giáo dục tại xã vì có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy Methamphetamine với thời hạn 03 tháng kể từ ngày 01/6/2017 đến 01/9/2017). Tuy nhiên đến ngày 05/01/2018, Nguyễn Văn A mới bị Công an xã X lập biên bản vi phạm về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy do sử dụng trái phép chất ma túy vào ngày 01/01/2018. Ngày 01/4/2018, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Tòa án nhân dân huyện X xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với A.
Ngày 05/4/2018, TAND huyện X đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với A.
Quy định của pháp luật hiện nay hướng dẫn về việc áp dụng thời hiệu trong việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tạo thành các quan điểm áp dụng như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: TAND đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với A là đúng. Bởi vì, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này. Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là hết sức rõ ràng và chặt chẽ khi được Nghị quyết số 04 ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thêm “khi một người sử dụng trái phép chất ma túy thì thời hiệu để xử lý vi phạm là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối cho đến khi TAND mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện”.
Như vậy, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với A đã hết vào ngày 01/4/2018. TAND huyện X đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện đối với A là đúng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 pháp lệnh số 09 (Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ngày 20 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Quan điểm thứ hai cho rằng: TAND đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với A là sai, bởi vì:
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 221 ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định về thời hiệu như sau: “Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép lần cuối bị phát hiện và lập biên bản theo quy định tại Điều 8 Nghị định này”.
Nguyễn Văn A sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối vào ngày 01/01/2018, nhưng bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vào ngày 05/01/2018. Như vậy, ngày 05/4/2018 mới là ngày hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với A và Tòa án nhân dân huyện X đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện đối với A theo quy định tại Điều 15 pháp lệnh số 09 là sai.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất vì Tòa án nhân dân huyện X đã áp dụng đúng các quy định của pháp luật về thời hiệu để đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc đình chỉ nêu trên là đảm bảo quyền, lợi ích đối với A nói riêng và đối với người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND nói chung.
Qua tình huống này chúng tôi kiến nghị liên ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể về vấn đề thời hiệu trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND mà cụ thể là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, để chúng tôi có thể thực hiện tốt chức năng của mình.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận