Định tội danh theo Điều 314 BLHS, cần có hướng dẫn cụ thể

Sau khi nghiên cứu bài viết “Bàn về định tội danh theo Điều 341 Bộ luật Hình sự?” của tác giả Trần Hoàng Giang, tôi có một số ý kiến trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.

Trong BLHS năm 2015 có rất nhiều tội danh được nhà làm luật quy định trong cùng một điều luật như tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190) quy định 2 tội danh là tội Sản xuất hàng cấm và tội Buôn bán hàng cấm; tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191) quy định 2 tội danh là tội Tàng trữ hàng cấm và tội Vận chuyển hàng cấm; tội Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207) quy định 4 tội danh là tội Làm tiền giả, tội Tàng trữ tiền giả, tội Vận chuyển tiền giả và tội Lưu hành tiền giả; tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341) quy định 2 tội danh là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức… Như vậy, mặc dù về hình thức thì tên điều luật có thể được trình bày theo những cách khác nhau nhưng về nội dung thì trong mỗi điều luật này đều quy định nhiều tội danh khác nhau.

Trong tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS), nhà làm luật quy định 2 hành vi là hành vi làm giả và hành vi sử dụng.

Đối với người sử dụng: Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật phạm vào tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Người làm giả đã cung cấp con dấu, tài liệu giả cho người sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người sử dụng đồng ý sử dụng con dấu, tài liệu giả do mình tạo ra để thực hiện hành vi trái pháp luật nên đồng phạm với người sử dụng về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, trong đó người sử dụng đóng vai trò là người thực hành, còn người làm giả đóng vai trò là người xúi giục hoặc là người giúp sức (giúp sức về vật chất).

- Đối với người làm giả: Hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức phạm vào tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Người sử dụng đã kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người làm giả tạo ra con dấu, tài liệu giả cho mình sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc trên cơ sở sự kích động, dụ dỗ, thúc đẩy của người làm giả, người sử dụng đã sử dụng con dấu, tài liệu giả do người đó tạo ra để thực hiện hành vi trái pháp luật nên đồng phạm với người làm giả về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó người làm giả đóng vai trò là người thực hành, còn người sử dụng đóng vai trò là người xúi giục hoặc là người giúp sức (giúp sức về tinh thần).

Do đó, về nguyên tắc, người làm giả và người sử dụng phải phạm vào 2 tội là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 chỉ quy định 01 tội là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó hành vi khách quan của tội này bao gồm cả hành vi làm giả và hành vi sử dụng nên người làm giả và người sử dụng đều chỉ phạm vào 1 tội là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, BLHS năm 2015, đã tách hành vi sử dụng thành một tội độc lập, đó là tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức dẫn đến việc người làm giả và người sử dụng đều phạm vào 2 tội là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức như đã phân tích ở trên.

Tôi cho rằng, đây là điều không hợp lý vì hành vi làm giả và hành vi sử dụng luôn đi liền với nhau, có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ với nhau và phải có hành vi làm giả thì mới có hành vi sử dụng và ngược lại nên nếu định tội danh theo nguyên tắc trên thì gần như trong mọi trường hợp, người làm giả và người sử dụng đều sẽ phạm vào 2 tội là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, dẫn đến việc quy định 2 tội danh này trong cùng 01 điều luật là không cần thiết, trở nên dư thừa và gây bất lợi cho người phạm tội.

Để giải quyết vấn đề này, tôi dựa vào những căn cứ sau đây:

- BLHS 2015 tách hành vi làm giả và hành vi sử dụng thành 2 tội danh độc lập và quy định trong cùng 1 điều luật đã cho thấy sự phân hóa rõ ràng về hành vi phạm tội giữa người làm giả và người sử dụng, không thể có việc người chỉ sử dụng, không liên quan gì đến hành vi làm giả lại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh giống như người làm giả được. Như vậy, có thể hiểu nhà làm luật đã định hướng cho việc định tội danh theo nguyên tắc dựa trên hành vi phạm tội đóng vai trò chủ yếu, mang tính chất chi phối, quyết định cho toàn bộ diễn biến của hành vi phạm tội.

- Trong BLHS năm 1985, cũng có nhiều tội danh được nhà làm luật quy định trong cùng 1 điều luật như Điều 95 quy định tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”, Điều 96 quy định tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ”… Trong trường hợp này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 (gọi tắt là Nghị quyết số 04) với nội dung hướng dẫn được quy định tại mục 1, chương 12 như sau:

“1. Việc vận dụng điều luật quy định nhiều tội phạm

Thông thường một điều luật quy định một tội phạm; nhưng cũng có trường hợp một điều luật quy định nhiều tội phạm. Việc quy định đó theo quy ước tương đối hợp lý là do tội phạm đó gần gũi nhau, có nguyên tắc, đường lối xử lý giống nhau và trong một số trường hợp, có thể thống nhất làm một.

Việc vận dụng một điều luật quy định nhiều tội phạm, tùy theo trường hợp, có thể được thực hiện theo một trong các cách sau đây:

a) Đối với hành vi cấu thành một tội phạm nào trong điều luật quy định nhiều tội phạm, thì xử lý theo tên của tội phạm đó mà không viện dẫn toàn bộ tên tội của điều luật. Thí dụ: Điều 95 quy định năm tội, có trường hợp Tòa án xử lý một bị cáo chỉ phạm một tội, tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

b) Đối với những hành vi cấu thành nhiều tội phạm được quy định trong điều luật, nếu các hành vi đó có quan hệ chặt chẽ với nhau, thì xử lý theo tên tội với đầy đủ các hành vi đã được thực hiện và được quy định tại điều luật. Thí dụ: theo Điều 95, có trường hợp Tòa án xử lý một bị cáo về tội chế tạo, tàng trữ vũ khí quân dụng (do bị cáo chế tạo xong rồi tàng trữ).

Nếu các hành vi đó tuy có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng hành vi nọ là điều kiện để thực hiện hành vi kia thì xử lý theo tên tội chủ yếu. Thí dụ: đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép một vũ khí quân dụng, thì xử lý về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 95 đồng thời có phân tích tính chất nghiêm trọng của hành vi sử dụng vũ khí quân dụng trái phép sau khi chế tạo và tàng trữ (khác với hành vi chỉ thuần túy sử dụng).

c) Đối với những hành vi khác nhau cấu thành nhiều tội phạm trong một điều luật, thì xử lý theo tên của từng tội phạm mà điều luật đã quy định, định hình phạt đối với mỗi tội phạm và tổng hợp hình phạt theo các Điều 41, 42, 43. Thí dụ: đối với người bị bắt giữ vì có hành vi mua hai khẩu súng thuộc loại vũ khí quân dụng, khi khám nhà lại bị phát hiện còn tàng trữ 4 quả lựu đạn, thì bị xử lý về hai tội là: mua trái phép vũ khí quân dụng, tàng trữ vũ khí quân dụng (Theo Điều 95).

Nói chung, trong thực tiễn, không nên vận dụng mở rộng cách nói điểm c, mà nên hạn chế, thu hẹp vào những trường hợp thật cần thiệt như: các hành vi phạm tội đều là trường hợp nghiêm trọng, thời điểm thực hiện các tội phạm cách xa nhau hoặc các hành vi phạm tội không thuộc trường hợp tội kéo dài, tội liên tục”.

Như đã phân tích ở trên, Điều 341 BLHS cũng thuộc trường hợp nhiều tội danh được quy định trong cùng 1 điều luật. Tuy BLHS năm 1985 đã hết hiệu lực thi hành nhưng những nội dung hướng dẫn nêu trên vẫn còn phù hợp nên vẫn có thể vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 04 này đối với những trường hợp được quy định tại Điều 341 BLHS. Cụ thể:

Một là, trường hợp người phạm tội có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để cung cấp cho đối tượng khác sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật, trong trường hợp này, người làm giả và người sử dụng đều phạm vào 2 tội là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, nhận thấy:

- Đối với người sử dụng: Mục đích trọng tâm, xuyên suốt, mang tính chất chi phối cho cả quá trình phạm tội của người sử dụng đó là sử dụng con dấu, tài liệu giả thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc đồng phạm với người làm giả về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức chỉ là tiền đề, điều kiện để người sử dụng thực hiện trót lọt hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của mình. Vì vậy, chỉ xử lý người sử dụng về tội danh chủ yếu đó là tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nên người sử dụng phạm vào tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS.

- Đối với người làm giả: Mục đích trọng tâm, xuyên suốt, mang tính chất chi phối cho cả quá trình phạm tội của người làm giả đó là làm, tạo ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Việc đồng phạm với người sử dụng về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả chỉ là tiền đề, điều kiện để người làm giả thực hiện trót lọt hành vi làm giả con dấu, tài liệu của mình. Vì vậy, chỉ xử lý người làm giả về tội danh chủ yếu đó là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nên người làm giả phạm vào tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS.

Do đó, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả khi xác định người làm giả phạm vào tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS, còn người sử dụng phạm vào tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS.

Hai là, trường hợp người phạm tội có hành vi làm giả con dấu, tài liệu, sau đó lại sử dụng chính con dấu, tài liệu giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật thì hành vi phạm tội của họ thỏa mãn cấu thành tội phạm của cả 2 tội là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, mục đích trọng tâm, xuyên suốt, mang tính chất chi phối cho cả quá trình phạm tội của người phạm tội đó là sử dụng con dấu, tài liệu giả thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức chỉ là tiền đề, điều kiện để họ thực hiện trót lọt hành vi sử dụng chính con dấu, tài liệu giả đó. Vì vậy, chỉ xử lý người phạm tội về tội danh chủ yếu đó là tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nên họ phạm vào tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS.

Có ý kiến cho rằng việc định tội danh như trên sẽ không đánh giá, phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do dấu hiệu định khung hình phạt của tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức có sự khác biệt so với dấu hiệu định khung hình phạt của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và có phần nhẹ hơn. Đây là ý kiến không chính xác vì Nghị quyết số 04 nêu trên đã chỉ rõ: Việc định tội danh tuy thực hiện theo tên tội chủ yếu nhưng vẫn phải đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã tăng lên đáng kể so với trường hợp thông thường. Điều này có nghĩa là tuy xử lý người phạm tội theo tên tội chủ yếu là tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhưng những dấu hiệu định khung hình phạt của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vẫn được áp dụng cho người phạm tội. Chẳng hạn trường hợp làm giả 04 con dấu để sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với dấu hiệu định khung hình phạt “Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 341 BLHS. Do đó, việc định tội danh theo cách thức nêu trên vẫn bảo đảm sự phân hóa trách nhiệm hình sự và đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Ba là, trường hợp người phạm tội có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả để gian dối chiếm đoạt tài sản:

Theo nguyên tắc định tội danh, trường hợp các hành vi mà người phạm tội thực hiện thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm có quan hệ với nhau thì họ chỉ được coi là phạm nhiều tội khi các tội phạm này có tính nguy hiểm độc lập và không loại trừ được lẫn nhau. Tính nguy hiểm độc lập này phải ở mức đáng kể cho xã hội và nếu có một trường hợp nào đó bị loại trừ dẫn đến việc định tội danh không đầy đủ thì sẽ không bảo đảm đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của toàn bộ hành vi phạm tội, không bảo đảm sự công bằng cũng như tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung của pháp luật.

Trong trường hợp người phạm tội có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả để gian dối chiếm đoạt tài sản, chúng ta thấy hành vi này của họ đã thỏa mãn cấu thành tội phạm của 2 tội là tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy hành vi khách quan của tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là một trong những biểu hiện của hành vi gian dối thuộc hành vi khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng hành vi gian dối của người phạm tội trong trường hợp này đã xâm phạm đến một khách thể độc lập khác so với khách thể mà tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm và có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với hành vi gian dối trong trường hợp thông thường. Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi gian dối này tồn tại độc lập, tách rời, đáng kể cho xã hội nên không bị thu hút, chi phối và loại trừ bởi hành vi khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi khách quan của tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả là tiền đề, điều kiện để người phạm tội thực hiện hành vi khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, căn cứ vào những phân tích nêu trên thì cần thiết phải xác định người phạm tội đã phạm vào 2 tội là tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của toàn bộ hành vi phạm tội mà người phạm tội đã thực hiện, bảo đảm sự công bằng và tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung của pháp luật. Việc định tội danh như trên cũng hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của TANDTC tại mục 10 Phần I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 và Phần 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019, cụ thể:

“Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Ví dụ 1: Do làm ăn thua lỗ, không có tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Nguyễn Văn A đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất có diện tích 100m2, sau đó A lừa bán mảnh đất này cho bà Trần Thị C để chiếm đoạt số tiền 5.000.000.000 đồng. Hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của A có dấu hiệu cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự, còn hành vi lừa bán mảnh đất (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do A làm giả) để chiếm đoạt 5.000.000.000 đồng của bà Trần Thị C có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự. Do đó, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội, gồm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 và tội lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm”.

Vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả khi xác định người phạm tội phạm vào 2 tội là tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS) và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).

Bốn là, trường hợp người phạm tội có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sau đó sử dụng chính con dấu, tài liệu giả này để gian dối chiếm đoạt tài sản, người phạm tội sẽ phạm vào 2 tội, cụ thể:

- Người phạm tội có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sau đó sử dụng con dấu, tài liệu giả này thực hiện hành vi trái pháp luật nên sẽ phạm vào tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

- Hành vi trái pháp luật trong trường hợp này chính là hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản nên người phạm tội sẽ phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do đó, trong trường hợp này, người phạm tội cũng phạm vào 2 tội là tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS) và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) nên tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả khi xác định người phạm tội phạm vào tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS.

Đây là vấn đề phức tạp do còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau nên cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể của liên ngành tư pháp Trung ương nhằm áp dụng pháp luật một cách thống nhất, tránh để xảy ra tình trạng chồng chéo, mỗi nơi mỗi kiểu, góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội, bảo đảm sự công bằng cũng như tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung của pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đồng chí và quý bạn đọc.

 

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông khám xét, tịch thu các loại tài liệu là vật chứng vụ án làm giả giấy tờ tài liệu - Ảnh: Chấn Hưng

PHẠM VĂN MINH ( Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)