Đỗ Thị Trúc L phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử có đăng bài viết “Cướp giật tài sản hay Lừa đảo chiếm đoạt tài sản?” của Ths. Phan Thành Nhân (Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp). Qua nghiên cứu, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, hành vi của Đỗ Thị Trúc L không cấu thành tội “Cướp giật tài sản” mà phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tội “Cướp giật tài sản” là việc có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai và nhanh chóng, có nghĩa là người phạm tội không cần che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác mà thực hiện trước mặt mọi người một cách táo bạo, bất ngờ và dứt khoát trong một thời gian rất ngắn. Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt của tội “Cướp giật tài sản” là được thực hiện một cách bất ngờ và nhanh chóng làm cho bị hại không kịp ứng phó. Mặt khác, sự khác nhau cơ bản giữa tội “Cướp giật tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở chỗ, đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối, tức là đưa ra thông tin không đúng sự thật, làm cho bị hại tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối được thực hiện một cách có chủ đích, có kế hoạch cụ thể.

Trong tình huống mà tác giả đưa ra, Đỗ Thị Trúc L đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của anh V bằng cách thường xuyên nhắn tin với anh V để tạo mối quan hệ thân thiết, hẹn gặp mặt anh V, giả vờ mua bóp nam làm cho anh V nghĩ L mua bóp tặng mình, làm cho anh V tin tưởng mình. Sau đó, L tiếp tục có hành vi gian dối bằng cách giả vờ làm rơi đồ để anh V không đề phòng, chú ý xuống nhặt đồ rồi L phóng xe đi. Sau khi chiếm đoạt được tài sản của anh V là chiếc xe mô tô thì L còn dùng thủ đoạn nhắn tin nhằm đánh lạc hướng cho anh V không phát hiện ra mình. Như vậy, việc có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của L đã có ngay từ ban đầu, được L chuẩn bị kĩ lưỡng và có mục đích. Việc L bất ngờ tăng ga phóng xe đi chỉ là bước cuối cùng của cả quá trình dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của anh V, chứ không phải là hành vi cướp giật được thực hiện một cách nhanh chóng, bất ngờ. Do đó, tôi cho rằng hành vi của Đỗ Thị Trúc L cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chứ không phải tội “Cướp giật tài sản”.

Trên đây là một số ý kiến quan điểm cá nhân xin được trao đổi cùng tác giả và các bạn đọc./.

Bị cáo bị phạt 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ảnh minh họa của Dantri

Th.s NGUYỄN THỊ MAI ( Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)