Đoàn công tác của TANDTC tham gia Hội nghị “Tuần lễ Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế châu Á – Thái Bình Dương 2022”
Nhận lời mời của Chánh án Tòa án tối cao, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Phi-líp-pin và Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế (HCCH), đoàn công tác của TANDTC do Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến làm Trưởng đoàn tham gia Hội nghị “Tuần lễ HCCH châu Á – Thái Bình Dương 2022” (HCCH Asia Pacific Manila Week 2022) được tổ chức tại thủ đô Ma-ni-la, Phi-líp-pin từ ngày 18/10 đến 20/10/2022.
Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế (HCCH) là một tổ chức liên Chính phủ,được thành lập năm 1893 và hoạt động thường xuyên từ năm 1955 khi Quy chế của Hội nghị có hiệu lực. Cho đến nay, HCCH có 91 thành viên, bao gồm 90 nước và 01 tổ chức (Liên minh châu Âu) đại diện cho các châu lục trên thế giới.
Trong thế giới đương đại, các cá nhân và doanh nghiệp thường xuyên tham gia vào các hoạt động xuyên biên giới với mục đích phục vụ công việc, giao dịch thương mại, học tập, mua sắm, du lịch. Các hoạt động này đòi hỏi mức độ chắc chắn cao về mặt pháp lý và có khả năng đoán định để phát triển. Tuy nhiên, khi diễn ra xuyên biên giới, sự khác biệt giữa hệ thống pháp luật của các quốc gia thường để lại khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, dẫn đến việc không rõ cơ quan nào có thẩm quyền xét xử tranh chấp, luật nào được áp dụng, cách thức các quyết định của Tòa án được công nhận và thực thi và những cơ chế hợp tác nào có sẵn để vượt qua những thách thức về thủ tục hành chính hoặc tư pháp xuyên biên giới.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trò chuyện thân mật với Chánh án Tòa án tối cao Phi-líp-pin Alexander G. Gesmundo tại trụ sở Tòa án tối cao Phi-líp-pin trước khi diễn ra Hội nghị.
Nhiệm vụ của HCCH là giải quyết những câu hỏi nêu trên bằng việc cung cấp các giải pháp được quốc tế chấp nhận thông qua hoạt động xây dựng, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế - Công ước của HCCH mà các quốc gia có thể trở thành thành viên và các văn bản có tính chất hướng dẫn để các quốc gia tham khảo khi xây dựng các giải pháp lập pháp của riêng mình. Các Công ước và văn bản có tính chất hướng dẫn của HCCH quy định rõ ràng và định hướng cho các mối quan hệ xuyên biên giới trên ba lĩnh vực chính: Gia đình và bảo vệ trẻ em; Tố tụng dân sự và Hợp tác xuyên quốc gia; Thương mại quốc tế và tài chính quốc tế.
Trải qua 129 năm hoạt động, với sứ mệnh “thống nhất các quy tắc tiến bộ của Tư pháp quốc tế”, HCCH trở thành một diễn đàn được tôn trọng của chủ nghĩa đa phương hiệu quả, đưa các quốc gia lại với nhau để xây dựng các khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển quốc tế, giao dịch thương mại và giải quyết tranh chấp cho các cá nhân, gia đình và doanh nghiệp trên toàn cầu.
Từ năm 1893 đến nay, HCCH đã thông qua hơn 40 Công ước và Nghị định thư về Tư pháp quốc tế.
Năm nay, Hội nghị “Tuần lễ HCCH châu Á - Thái Bình Dương 2022” được nước Cộng hòa Phi-líp-pin (thành viên của HCCH) đăng cai tổ chức với chủ đề: “Thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới trong khu vực và hơn thế nữa”. Hội nghị được khai mạc vào ngày 18/10/2022 tại thủ đô Ma-ni-la, Phi-líp-pin. Các phiên họp của Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến để tạo cơ hội cho các đại biểu tham gia tìm hiểu thêm về cơ cấu tổ chức, hoạt động của HCCH và quan điểm của chuyên gia về nội dung cơ bản và việc thực thi một số Công ước quan trọng của HCCH.
Tham dự Hội nghị có ông Christophe Bernasconi Tổng Thư ký HCCH, ông Alexander G. Gesmundo Chánh án Tòa án tối cao Phi-líp-pin, ông Enrique A. Manalo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin.
Về phía các nước ASEAN, có ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam; Đoàn đại biểu Tòa án tối cao Cam-pu-chia, Lào, Mông Cổ và một số nước khác.
Các diễn giả của Hội nghị gồm các chuyên gia pháp lý cao cấp đến từ HCCH, các Bộ liên quan, Tòa án tối cao của Phi-líp-pin, Hoa Kỳ, Niu-di-lân, In-đô-nê-xi-a;Thẩm phán của Tòa án Xơ-un, Hàn Quốc, Tòa án phúc thẩm Liên bang và Gia đình của nước Ốt-xtrây-li-a, Tòa án cấp cao và Tòa phúc thẩm của nước Niu-di-lân cùng các giáo sư, giảng viên đại học luật, Học viện Tư pháp của Tòa án tối cao nước Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến chụp ảnh lưu niệm với Tổng Thư ký HCCH, Chánh án Tòa án tối cao Phi-líp-pin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin và một số đại biểu tại Phiên khai mạc của Hội nghị
Tại các phiên họp của Hội nghị, các diễn giả và đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề chính: Những lợi ích cơ bản của việc trở thành thành viên của HCCH; Nội dung cơ bản và kinh nghiệm thực thi một số Công ước quan trọng của HCCH về Tố tụng dân sự và Bảo vệ trẻ em quốc tế; Dự án về Thẩm quyền của Tòa án và Dự án về Kinh tế số của HCCH.
Trong các phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến trao đổi, thảo luận đều nhất trí cao đối với những đánh giá, phân tích về các lợi ích cơ bản, quan trọng mà các nước có được khi trở thành thành viên của HCCH. Các chuyên gia cũng cho rằng trong các nước ASEAN, việc Phi-líp-pin, Việt Nam, Xinh-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a đều là thành viên của HCCH, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của các nước này đối với vấn đề Tư pháp quốc tế cũng như vai trò ngày càng quan trọng của HCCH trong hợp tác quốc tế xuyên quốc gia trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại.
Đồng thời, tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận về nội dung cơ bản của các Công ước và 02 dự án của HCCH: Công ước 1961 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công của nước ngoài; Công ước 2005 về Thỏa thuận lựa chọn Tòa án; Công ước 2019 về Công nhận và cho thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài; Công ước 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Công ước 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Công ước 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế; Công ước 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế; Công ước 1996 về Thẩm quyền, Luật áp dụng, Công nhận, Thi hành và Hợp tác về trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em; Công ước 2007 về cấp dưỡng cho trẻ em; Bộ nguyên tắc 2015 về lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế; Dự án về Thẩm quyền của Tòa án và Dự án về Kinh tế số.
Tại các phiên họp, hầu hết các chuyên gia, đại biểu nhấn mạnh đây là các Công ước của HCCH được sử dụng rộng rãi trên thực tế, cung cấp giải pháp cho các câu hỏi liên quan đến quyền tài phán, luật áp dụng, công nhận và thực thi phán quyết của Tòa án, cũng như thiết lập cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia về tố tụng dân sự và bảo vệ trẻ em quốc tế.
Các chuyên gia, đại biểu cũng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về quá trình gia nhập một số Công ước, những thuận lợi và thách thức phải đối mặt trong quá trình thực thi Công ước, bao gồm: Công ước 1962 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công, Công ước 1965 về tống đạt giấy tờ, Công ước 1980 về bắt cóc trẻ em quốc tế, Công ước 1993 về con nuôi quốc tế.
Đối với Việt Nam, trước khi trở thành thành viên của HCCH, năm 2012 Việt Nam đã gia nhập Công ước 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Tiếp đó, từ khi trở thành thành viên chính thức của HCCH vào năm 2013 cho đến nay, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các hoạt động chủ yếu của HCCH. Đặc biệt vào năm 2016 và 2020, Việt Nam đã gia nhập thêm 02 Công ước của HCCH: Công ước 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, Công ước 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Như vậy, tổng cộng Việt Nam đã gia nhập 03 Công ước của HCCH điều chỉnh trực tiếp vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi và hợp tác quốc tế về tố tụng dân sự hoặc kinh doanh thương mại xuyên quốc gia.
Hiện nay, Tòa án Việt Nam đang tích cực thực hiện Công ước về tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ của HCCH để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại xuyên quốc gia cũng như thực thi các yêu cầu ủy thác về tố tụng dân sự của các Tòa án nước thành viên 02 Công ước này.
Trước khi diễn ra Hội nghị, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến đã gặp và có cuộc trò chuyện thân mật với Chánh án Tòa án tối cao Phi-líp-pin đồng thời cùng nhau trao đổi một số nội dung cùng quan tâm về HCCH, các Công ước của HCCH mà mỗi nước đang là thành viên cũng như một số thành tựu nổi bật của Tòa án mỗi nước về cải cách tư pháp và ứng phó với đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua.
Sau ba ngày với 10 phiên làm việc hiệu quả, Hội nghị “Tuần lễ HCCH châu Á – Thái Bình Dương 2022” đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Hội nghị đã ghi nhận có 450 đại biểu tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó có 380 Thẩm phán, 70 chuyên gia luật, luật sư…đến từ nước chủ nhà và các nước ASEAN và một số nước châu Á – Thái Bình Dương.
Trong phiên bế mạc Hội nghị, ông Christophe Bernasconi Tổng Thư ký HCCH đã đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của nước chủ nhà, các chuyên gia, đại biểu trong 10 phiên làm việc của Hội nghị là nhân tố quyết định đến thành công của Hội nghị. Hội nghị là một sự kiện quan trọng ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của các nước khi đã cử đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận về cơ chế gia nhập, lợi ích có được từ việc trở thành thành viên của HCCH hoặc các Công ước của HCCH.
Bài liên quan
-
Tòa án quân sự Quân khu 1 tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng Hội thẩm quân nhân
-
Hội nghị bàn giao công tác Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
-
Hội nghị chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
-
Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh án TANDCC tại Hà Nội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Bàn về trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian dối trong việc làm hồ sơ xin thị thực
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận