Đoàn công tác Trường Sa số 16 của Tòa án nhân dân tri ân gia đình Liệt sỹ hy sinh tại trận chiến Gạc Ma

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1946 - 27/7/2023), Đoàn công tác Trường Sa số 16 của Tòa án nhân dân đồng loạt tổ chức đi thăm, tri ân thân nhân 64 gia đình Liệt sỹ đã hy sinh tại trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Dịp 27/7 hàng năm đã trở thành truyền thống tốt đẹp của đất nước ta. Tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp đó, Đoàn công tác  Trường Sa của Tòa án nhân dân đã cử đồng chí Nguyễn Thị Hải Châu - Phó Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân, cùng một số các đồng chí trong Đoàn đi công tác Trường Sa đến tỉnh Thái Bình, nơi có 08 người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 thăm, tri ân nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sỹ.

Tham gia Đoàn còn có đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, đại diện Tòa án nhân dân các huyện: Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy và Phòng Lao động Thương binh xã hội các huyện đến thăm thân nhân các Liệt sỹ. Đoàn đã dành phút mặc niệm các Liệt sỹ và gặp gỡ trò chuyện với gia đình thân nhân các Liệt sỹ. Gặp gỡ Mẹ của Liệt sỹ Vũ Văn Thắng – Thượng úy, Thuyền phó Tàu HQ-604, và được nghe Mẹ kể về người con trai yêu quý của mình, được ngắm nhìn bức ảnh chân dung của Liệt sỹ - một món quà quý giá mà Cục Chính trị Hải quân vừa gửi tặng Mẹ trước đó hai ngày, chúng tôi cảm nhận niềm tiếc thương vô hạn, niềm tự hào của Mẹ về sự hy sinh vô cùng ý nghĩa của Anh. Những giọt nước mắt nhớ thương nghẹn ngào của người Mẹ, như nhắc nhở chúng ta hãy sống cho thật tốt, thật xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ.

Trong chuyến đi ý nghĩa này, Đoàn đã cùng lãnh đạo Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Bình dâng hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932).

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ra tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho yêu nước, hiếu học.

Từ năm 1925, khi còn đang học trường Thành Chung (Nam Định), đồng chí đã tham gia phong trào yêu nước. Đồng chí từng tham gia cách mạng tại nhiều địa danh trong cả nước. Đồng chí có đóng góp lớn trong sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929, đồng chí sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Tháng 2/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ.

Tháng 4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Vinh. Ngày 31/7/1932, đồng chí bị thực dân Pháp xử tử tại đề lao Hải Phòng.

 

Đoàn công tác dâng hương tại đền thờ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Trước anh linh lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, đoàn đại biểu của TANDTC và TAND hai cấp tỉnh Thái Bình đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Các ảnh dưới: Các đồng chí đại diện Đoàn công tác Tòa án nhân dân tại các tỉnh thành đã tổ chức đến thăm thân nhân các Liệt sỹ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.

KIM THOA