Đoàn viên TANDTC và Hành trình về “địa chỉ đỏ” năm 2019

Từ ngày 18 -21/72019, Đoàn Thanh niên TANDTC đã tổ chức chương trình về nguồn mang tên “Hành trình đi về địa chỉ đỏ năm 2019” đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, dành cho các cán bộ đoàn chủ chốt và một số đoàn viên thanh niên, sinh viên có thành tích xuất sắc.

Trong ba ngày, Đoàn đã thăm một số “địa chỉ đỏ” tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Tại Hà Tĩnh, đoàn đã thăm và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Ngã Ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, nơi đây ghi dấu sự hy sinh của 10 nữ Thanh niên xung phong ngày 24/7/1968.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, nên là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, cho nên quân đội Hoa Kỳ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Tiểu đội Thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Họ gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24, khi hy sinh tất cả họ đều còn rất trẻ, phần lớn chưa lấy chồng. Thắp hương trên phần mộ các liệt sĩ, các Đoàn viên trong đoàn đều rất xúc động.

Tại Quảng Bình, Đoàn công tác tới dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa – Đảo Yến, nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, thuộc thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo khoảng Ngang 6km về hướng Đông Nam.

Đoàn đã thăm Tượng đài Mẹ Suốt bên dòng sông Nhật Lệ. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, mẹ Suốt dũng cảm mặc bom đạn, nắng gió chèo thuyền chở bộ đội, hàng hóa, vũ khí từ bờ bắc sang bờ nam. Năm 1967 mẹ Suốt được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng đến năm 1968 mẹ đã ngã xuống trong một trận càn quét ác liệt của dàn máy bay Mỹ.

Tại Quảng Bình, Đoàn công tác có buổi làm việc với TAND tỉnh. Ông Lê Văn Minh, UV BTV Đảng ủy, Thẩm phán TANDTC đã trao đổi với cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các đoàn viên thanh niên của TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình. Ông Lê Văn Minh phát biểu: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TANDTC chọn Quảng Bình, Quảng Trị là địa chỉ đỏ nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ là hoạt động hết sức ý nghĩa, nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, trau dồi bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ TAND tối cao . Trong cuộc trường chinh chống Mỹ hơn 44 năm trước, mảnh đất Quảng Bình được gọi là “đất lửa” bởi sự ác liệt của chiến tranh, Quảng Bình là nơi có nhiều người con đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc”.

Đại diện lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Tuyển- Phó chánh án, Chủ tịch công đoàn, Đảng ủy viên phụ trách công tác Đoàn thanh niên trân trọng cám ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Đoàn Thanh niên Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn Quảng Bình là địa điểm để trau dồi, giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ TANDTC. Phó Chánh án đã trao đổi khái quát sơ lược về sự hình thành và phát triển, những thuận lợi cũng như khó khăn của Tòa án 2 cấp tỉnh Quảng Bình.

Tại buổi làm việc, anh Nguyễn Đức Thường, Bí thư Đoàn cơ quan đã khái quá sơ qua về cơ cấu, tổ chức của Đoàn Thanh niên cơ quan Tòa án nhân dân tối cao và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác đoàn gắn liền với công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Bí thư Đoàn Nguyễn Đức Thường chia sẻ: “Thông qua chương trình này, BCH Đoàn cơ quan mong muốn các đoàn viên thanh niên Tòa án nhân dân tối cao hiểu thêm về những giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, về những tấm gương anh dũng đã hi sinh vì Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ, từ đó biết tri ân, trân trọng những gì mình đang có và sau chương trình này, mỗi đoàn viên cần cụ thể hóa bằng hành động rèn luyện, tu dưỡng lý tưởng cách mạng, phấn đấu trong công tác chuyên môn để góp phần xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân”.

Nhân dịp này, thay mặt đoàn, anh Nguyễn Đức Thường, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn cơ quan trao tủ sách pháp luật cho Chi đoàn Thanh niên TAND tỉnh Quảng Bình.

Chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài Mẹ Suốt

Tại Quảng Trị, đoàn đã viếng Nghĩa trang Trường Sơn, là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ, trên tuyến đường Trường Sơn – còn đường gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh. Nơi đây có trên 10.000 phần mộ, được chia thành 10 khu vực theo địa phương: Hà Nội, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tiên… và một khu dành cho 68 liệt sĩ chưa rõ tên. Các phần mộ được xây kiên cố, có sơ đồ mộ chí, được 21 quản trang trông nom, giữ gìn chu đáo. Các thành viên trong đoàn đã chia nhau đi thắp hương lên những ngôi mộ được xếp thẳng tắp như một hàng quân trang nghiêm, tĩnh lặng.

Đoàn công tác đã tới dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sỹ từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hi sinh anh dũng trên chiến trường Quảng Trị và trên nước bạn Lào trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đoàn đã đến Thành cổ Quảng Trị, nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng của bộ đội ta, trong đó có nhiều người lính vốn là sinh viên đại học, với đối phương có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực từ pháo hạng nặng, pháo hạm và B-52 ném bom của Mỹ. Sau chiến dịch Thành Cổ “chiến dịch Xuân – Hè 1972” toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Thành cổ Quảng Trị như một biểu tượng cho sự hy sinh của bộ đội trong cuộc kháng chiến giải phóng đất nước.

Chụp ảnh lưu niệm ở Địa đạo Vịnh Mốc

Đoàn cũng đã đi thăm Địa đạo Vịnh Mốc ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. Hệ thống địa đạo tồn tại ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trong suốt những năm 1965-1972. Các thành viên trong đoàn đã tận mắt thấy địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, nhưng có thể bảo đảm cho hàng trăm con người ăn, ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi. Dọc hai bên đường hầm người ta xây dựng rất nhiều căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho ba đến bốn người ở. Trong lòng địa đạo có ba giếng nước, một hội trường (với sức chứa 50 người), bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại… Hai bên trục đường chính cách nhau từ ba đến năm mét lại khoét lõm sâu vào thành một hầm nhỏ, dùng làm nơi sinh hoạt của một gia đình. Ðịa đạo được cấu tạo thành ba tầng. Tầng một sâu cách mặt đất từ 12 đến 15 m, là nơi chiến đấu và trú ẩn tạm thời.

Địa đạo Vĩnh Mốc là một di tích ghi dấu sự kiên cường, vượt mọi khó khăn nguy hiểm để bám trụ của nhân dân địa phương, thế hệ trẻ hôm nay được tận mắt chứng kiến với sự ngưỡng mộ và tự hào.

Đoàn cũng đã đến thăm khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩntại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Nhà lưu niệm nằm trên một khuôn viên có diện tích 2.000 m2, nguyên trước đây là nhà vườn của cụ Lê Hiệp, thân sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Nhà làm bằng gỗ khang trang. Trải qua hai cuộc kháng chiến tàn khốc, ngôi nhà bị bom đạn địch đốt phá nhiều lần. Sau khi đất nước thống nhất, hòa bình, tháng 2 năm 1976, Huyện ủy, UBND huyện Triệu Hải và bà con địa phương đã xây dựng lại ngôi nhà. Cấu trúc của ngôi nhà theo dạng ba gian 2 chái, toàn bộ chiều dài 9 mét, rộng 4,5 mét, bao quanh nhà là bốn dãy chè tàu được cắt tỉa cẩn thận, phía trong khuôn viên trồng cây cảnh và cây ăn quả.

Từ dãy hàng rào phía trước ra 57 mét là bờ sông Thạch Hãn, cuối đường là bến nước Hậu Kiên, chính bến đò này đã gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn trong thủa thiếu thời cũng như giai đoạn hoạt động cách mạng đầu tiên của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tại Quảng Trị, đoàn đã đi thăm và tặng quà tri ân cho một số thân nhân các gia đình chính sách đang công tác tại Tòa án 02 cấp tỉnh Quảng Trị như gia đình chị Nguyễn Thị Hà – Phó Chánh án TAND tỉnh có bố là thương binh hiện nay đã già yếu; chị Nguyễn Thị Oanh – Chánh tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh có bố chồng là thương binh hiện nay đã 94 tuổi ; chị Lê Thị Hải – Phó Chánh án TAND huyện Vĩnh Linh là con liệt sỹ; anh Nguyễn Xuân Huyến – Chánh án TAND thành phố Đông Hà và anh Trần Văn Phương – Chánh án TAND huyện Hướng Hóa là con liệt sỹ.

Đây là hoạt động đầy ý nghĩa hướng tới Kỉ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 phát huy đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn sâu sắc của các đoàn viên thanh niên TANDTC với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập và hòa bình của Tổ quốc, đồng thời, nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, trau dồi bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ TANDTC.

LÊ THỊ TUYẾT