Đổi mới tổ chức Tòa án, cần quan tâm hơn đến Hội thẩm nhân dân
Mặc dù không thuộc bộ máy của TAND nhưng hoạt động xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm lại không thể không có Hội thẩm nhân dân. Vì vậy, quan tâm đến Hội thẩm nhân dân, từ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đến đãi ngộ là vấn đề rất cần thiết.
Cử tri Quảng Nam cho biết, mức bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, Hội thẩm nhân dân 90.000đ/ ngày hiện nay là thấp. Cử tri Bắc Kạn đề nghị nâng mức chi này.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ký hai Văn bản số 309 và 310/TANDTC-VP ngày 21/9/2021 trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Nam và Bắc Kạn.
Theo nội dung TANDTC trả lời vấn đề cử tri quan tâm:
Ngày 05/10/2012, Thủ tướng Chính phú ban hành Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự (Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Trải qua hơn 8 năm với 6 lần Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở nhưng mức chi bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự vẫn không thay đổi.
Ngày 21/5/2018, tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Ban Chấp hành Trưng ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, tại điểm 2 Mục II Nghị quyết quy định: “... Tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề... ”, đồng thời, tại điểm 4 Mục III Nghị quyết cũng nêu rõ: “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cản bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp... ”. Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu trên, TANDTC đã có nhiều văn bản đề nghị và làm việc nhiều lần với các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị tiến hành thủ tục sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và mức chi bồi dưỡng cho phù hợp với thực tiễn thi hành công vụ.
Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8476/VPCP-KTTH ngày 6/9/2019 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu rõ: “Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”. Như vậy, việc sửa đổi Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg nêu trên chưa được Thủ tướng Chính phủ xem xét tại thời điếm hiện tại.
Trong thời gian chờ Nhà nước ban hành quy định mới về chế độ tiền lương, chế độ bồi dưỡng, TANDTC vẫn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo các quy định về chế độ tiền lương, chế độ bồi dưỡng mới liên quan đến Tòa án, người tham gia phiên tòa, phiên họp và tổ chức lấy ý kiến góp ý trong hệ thống TAND. Ngay sau khi Nhà nước ban hành các quy định mới về chế độ tiền lương, chế độ bồi dưỡng, TANDTC sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg nêu trên cho phù họp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm tại TAND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận