Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra tại Hà Nội ngày 19/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ của ngành ngoại giao mà còn là của toàn bộ công tác đối ngoại cả nước. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng; trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao trọng tâm cho những năm tới; đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Vui mừng nhận thấy, trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Đến nhiệm kỳ khoá XIII, cụ thể là tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021, chúng ta đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Trong gần 3 năm qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức, ngành ngoại giao và đối ngoại cả nước ta đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua.

Trong đó, một trong những kết quả nổi bật, đó là đã tổ chức quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thông qua nhiều đề án đối ngoại quan trọng, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận cụ thể hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, lâu dài, như Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; các kết luận, chỉ thị về phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, hợp tác tiểu vùng Mekong, công tác ngoại giao kinh tế, công tác người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đối ngoại nhân dân...

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên được tổ chức đã quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã tích cực cụ thể hoá thành các đề án, chương trình, kế hoạch và giải pháp để triển khai toàn diện, đồng bộ và thống nhất công tác đối ngoại từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay.

Tổng Bí thư nêu rõ, đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. 

 

Quang cảnh hội nghị

Trong đó, thành công các chuyến thăm, điện đàm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhất là hơn 40 chuyến thăm của các lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; đồng thời nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam, đã vẽ lên một bức tranh rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao trên mặt trận đối ngoại trong 2 năm vừa qua và tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng tình, ủng hộ.

Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay". Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý 4 vừa qua), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý, tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. Bởi, trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua và rất nhiều việc phải làm. Tổng Bí thư đề nghị Hội nghị kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những kết quả, thành tựu kể trên để tiếp tục phát huy, làm tốt hơn; đồng thời, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng những hạn chế, yếu kém trong công tác đối ngoại thời gian qua để chủ động khắc phục.

Cơ bản tán thành với các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Báo cáo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Tổng Bí thư gợi mở và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm.

Trước hết, cần tiếp tục bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao; tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung những xu hướng mới và những vấn đề mới phát sinh để cụ thể hoá, xây dựng và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, đơn vị một cách đồng bộ, khoa học, bài bản, thống nhất, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt"!

Hai là, luôn luôn phải quan tâm kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn luôn luôn là giữ vững hoà bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển.

Tổng Bí thư nêu rõ, chúng ta đã xác định đúng đắn và rõ ràng vị trí, vai trò của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của chúng ta luôn luôn phù hợp với xu thế lớn đó của thời đại. Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta lúc này vẫn là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là những thuận lợi rất cơ bản để chúng ta có thể kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Ba là, luôn luôn phải kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai". Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Bốn là, luôn luôn phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng". Đường lối đối ngoại đúng đắn, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và sự triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.

Thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng cần tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp hơn; cơ chế phối hợp giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường...; giữa Trung ương và địa phương... cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, ngày càng đồng bộ và phù hợp hơn, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy sự năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả cao của hoạt động đối ngoại, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, tạo những thời cơ và điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đất nước.

Năm là, phải quan tâm, làm tốt hơn nữa việc kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện cả về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc; chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử; tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ.

Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ III (tháng 1/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ ngoại giao: "Cán bộ ngoại giao cần phải học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng; cần phải biết giữ bí mật; cần phải tiết kiệm đúng cách; cần phải chú ý đoàn kết nội bộ; cần cố gắng nắm bắt tình hình nước sở tại và tình hình quốc tế nhanh và chính xác". Tổng Bí thư nhấn mạnh, những lời dạy còn nguyên giá trị đó của Bác chính là định hướng xuyên suốt để các cán bộ làm công tác đối ngoại và ngoại giao phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: TL

BẢO THƯ