Đông Hưng, Thái Bình: Chính quyền “ngó lơ” bãi vật liệu hoạt động trái phép?

Ngang nhiên kinh doanh bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng và sản xuất bê tông khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, tự ý san lấp mặt bằng, vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều, gây ô nhiễm môi trường… là thực trạng diễn ra tại khu bãi vật liệu xây dựng tại xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình từ nhiều năm nay. Thế nhưng, chính quyền nơi đây lại không hề có biện pháp xử phạt nào để ngăn chặn, xử lý triệt để.

Bãi đê sông bị “xẻ thịt”

Thực trạng hoạt động kinh doanh và sản xuất vật liệu xây dựng tại bãi đê tả sông Trà Lý, xã Trọng Quan. Ảnh: Quang Minh.

Vừa qua, Tạp chí Tòa án nhân dân nhận được thông tin về tình trạng phần đất bãi ngoài đê tả sông Trà Lý thuộc địa bàn xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình bị một số đối tượng ngang nhiên chiếm dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, sản xuất cọc bê tông, dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng luật đất đai, luật đê điều.

Đáng nói, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền UBND xã Trọng Quan có dấu hiệu thiếu quyết liệt, để các sai phạm tiếp diễn kéo dài, gây ảnh hưởng tới chất lượng, cuộc sống người dân cũng như gây cản trở hành lang an toàn thoát lũ, nhịp độ dòng chảy...

Để xác thực thông tin trên, ngày 18/02/2023 phóng viên đã có mặt tại chân đê tả Trà Lý thuộc địa phận xã Trọng Quan và nghi nhận những thông tin phản ánh hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, chạy dọc bãi ngoài đê tả sông Trà Lý hướng đi xã Đông Phú là hàng loạt các điểm tập kết vật liệu xây dựng như cát, đá..với khối lượng lớn từ chân đê ra tới mép sông.

Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thuấn Thịnh có dấu hiệu hoạt động trái phép. Ảnh: Quang Minh.

Chia sẻ của người dân địa phương, tình trạng này đã diễn ra cả chục năm nay. Mỗi khi có gió lớn, cát bay gây cản trở tầm nhìn, máy móc, xe chở vật liệu ra vào bến bãi khiến mặt đường đê vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Ngoài ra, tại đây một số nhà điều hành cùng nhiều máy móc, thiết bị như máy múc, cầu trục...cũng được lắp đặt để phục vụ cho mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất, đúc cọc bê tông.

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, đất bãi ven sông Trà Lý thuộc địa phận xã Trọng Quan có diện tích khoảng 50.000 m2 thuộc hai loại đất sản xuất kinh doanh và đất nông nghiệp. Dẫu vậy cho đến nay, nhiều hộ kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng tại đây vẫn chưa hoàn tất đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý đúng theo quy định của pháp luật nhưng vẫn “ung dung” tồn tại là do đâu?

UBND xã Trong Quan nói do huyện chưa chỉ đạo?

Để rộng đường dư luận, ngày 01/03/2023 phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND xã Trọng Quan tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề này.

 UBND xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình: Ảnh: Quang Minh.

Theo như được chia sẻ, diện tích phần đất bãi ngoài đê tả Trà Lý thuộc địa bàn xã Trọng Quan quản lý trước kia là đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) giao cho các hộ gia đình sản xuất, sau đó hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng tự phát dần hình thành. Năm 2014, UBND huyện Đông Hưng có văn bản chỉ đạo UBND xã Trọng Quan gấp rút thu hồi những hợp đồng cho thuê đất đối với các hộ gia đình kinh doanh sản xuất ven đê (nếu có) vì xã không đủ thẩm quyền cho thuê và yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh này phải thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

“Hiện nay ở ngoài bãi đê ven sông Trà Lý tất cả có 07 hộ gia đình đang hoạt động tập kết, kinh doanh và sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên mới chỉ có 02 trong tổng số 07 hộ gia đình có hợp đồng thuê đất và các thủ tục liên quan được UBND huyện Đông Hưng cấp, các hộ còn lại đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt (tức chưa có hợp đồng thuê đất)”. Đồng chí Hoàng Hữu Lập cán bộ Địa chính xã Trọng Quan cho biết.

Về việc tại sao các hộ dân chưa đủ điều kiện kinh doanh sản xuất nhưng ngày đêm vẫn hoạt động, phía đại diện UBND xã Trọng Quan giải thích do quá trình xử lý các trường hợp vi phạm gặp khó khăn, hàng năm phía UBND xã Trọng Quan có kết hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm và có báo cáo với Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng cũng như UBND huyện Đông Hưng. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi phía UBND xã Trọng Quan có lập Báo cáo kiến nghị lên UBND huyện Đông Hưng để xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh tập kết trái phép tại bãi đê tả Trà Lý hay không thì câu trả lời nhận được lại là “không”.

Hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: Quang Minh.

“Về phía UBND huyện Đông Hưng cũng chưa có công văn chỉ đạo cấm sản xuất. Nếu UBND huyện Đông Hưng mà có công văn cấm các hộ gia đình này không cho buôn bán nữa thì chúng tôi cũng sẽ làm việc đó ngay”. Đồng chí Vũ Quang Phương Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Quan nhấn mạnh.

Về các hồ sơ có liên quan, đến nay phóng viên mới chỉ nhận được một số biên bản xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm về đê điều năm 2019 của xã Trọng Quan. Ngoài ra, các Biên bản xử phạt đã lập năm 2020, năm 2021 và năm 2022 cũng như hồ sơ pháp lý đối với 02 hộ gia đình được cấp phép hoạt động ngoài bãi đê Trà Lý phía UBND xã Trọng Quan vẫn chưa cung cấp.

Liệu câu trả lời của vị Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Quan có đang “đùn đẩy” trách nhiệm cho UBND huyện Đông Hưng?. UBND xã Trọng Quan đã thật sự làm hết trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đất đai, đê điều trên địa bàn hay chưa?, Việc lập biên bản, xử lý vi phạm hàng năm theo kiểu “cứ hẹn lại lên” phải chăng chỉ là thông lệ cho có rồi bỏ mặc các trường hợp tiếp diễn vi phạm?.

Việc sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây thất thoát một nguồn ngân sách lớn về thuế đối với nhà nước. Đề nghị UBND huyện Đông Hưng, UBND tỉnh Thái Bình vào cuộc xác minh thông tin, cũng như có biện pháp xử lý ngăn chặn kịp thời, cưỡng chế các trường hợp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình hoạt động, khôi phục lại hiện trạng đất, làm rõ trách nhiệm, sai phạm của những cá nhân/tập thể có liên quan (nếu có).

Luật Đê điều và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều quy định như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 7 Điều 7 Luật Đê điều:    Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.

Về xử lý vi phạm tại Điều 46 Luật đê điều quy định:

1. Người nào vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 8 luật Đất đai năm 2013 nêu rõ Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
Tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 còn nêu trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

QUANG MINH-PHƯƠNG THẢO