Đồng Tháp: Tháo dỡ tường rào, làm nhà trên đất hàng xóm?
Tạp chí Tòa án nhân dân nhận được đơn của bà Lê Thị Tốt ở ấp Tân Thanh, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Đồng Tháp phản ánh về vụ tranh chấp tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đến tài sản thế chấp khá hy hữu.
Tự ý chiếm đất?
Bà Lê Thị Tốt cho em trai là Lê Phát Huy (Chủ doanh nghiệp tư nhân Phát Huy) mượn hai sổ đỏ (GQSDĐ) của căn nhà số 5 ấp An Phú và căn nhà số 4 ấp Tân Phú, cùng thuộc xã An Nhơn, huyện Chơn Thành, Đồng Tháp để thế chấp cho ngân hàng BIDV chi nhánh Sa Đéc vay 2,5 tỷ đồng. Sau đó ông Huy không trả được nợ và dẫn đến Tòa án giải quyết bằng bản án có hiệu lực và Ngân hàng BIDV phát mãi tài sản.
Theo bản án số 08/KDTM-PT ngày 28/7/2017 của TAND tỉnh Đồng Tháp, bà Tốt phải bàn giao các tài sản gồm thửa đất số 195, 2530 và căn nhà số 33, 34 nằm trên hai thửa đất trên để Chi cục THADS huyện Châu Thành tiến hành kê biên, tổ chức đấu giá nhằm đảm bảo việc chi trả cho Ngân hàng theo hợp đồng tín dụng.
Bà Tốt nhiều lần gửi đơn đến BIDV đề nghị mua lại tài sản với giá gốc 2,5 tỷ nhưng phía BIDV yêu cầu phải trả cả gốc và lãi của ông Huy nên bà Tốt không đáp ứng được. Vì không đạt được thỏa thuận nên cơ quan thi hành án đã bán tài sản của bà Tốt.
Ngày 12/06/2019 bà Tốt cùng liên ngành thi hành án bàn giao tài sản, thống nhất ranh giới, các bên cùng chứng kiến (người giao – người nhận – nhân chứng – liên ngành 07 cơ quan ) cùng tham gia ký tên.
Riêng phần đất của ông Lê Phát Dũng giáp ranh với bà Nguyễn Thị Hằng, khi giao tài sản ông Dũng đã có ký ranh giới, ranh giới có rào chắn bằng khung thép và tole. Hiện trạng hàng rào đã có trước khi thẩm định tài sản của Tòa án, kê biên của thi hành án và cả lúc giao tài sản.
Bà Võ Thị Xuân Nguyệt là người đã mua tài sản là quyền sử dụng đất và ngôi nhà số 34 tại thửa đất 2530, tờ bản đồ số 2 thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp với số tiền là 633 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nhận được tài sản bàn giao là thửa đất và ngôi nhà số 34, ngày 4/4/2020 bà Nguyệt đã tự ý chiếm luôn cả phần đất của ông Lê Phát Dũng liền kề ở phía trước. Bà Nguyệt còn tự động tháo dỡ rào chắn, vách ngăn thửa đất để xây dựng kiên cố trên phần đất của ông Dũng.
Bà Lê Thị Tốt cho biết, trong những lúc tranh cãi, bà Nguyệt cho rằng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã giao cả phần đất trống này cho bà, nên bà Nguyệt có quyền sử dụng.
Bà Lê Thị Tốt
Phóng viên báo chí liên hệ với Chi cục thi hành án huyện Châu Thành để tìm hiểu vấn đề, ông Nguyễn Tấn Thái – Phó Chi cục, Chấp hành viên trực tiếp bàn giao tài sản cho bà Nguyệt khẳng định chỉ giao tài sản đúng theo bản án gồm: Quyền sử dụng thửa đất 2530 tờ bản đồ số 2, diện tích 282m2 và công trình xây dựng trên đất (Căn nhà số 34 do UBND huyện Châu Thành cấp ngày 23/11/1999) tọa lạc tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Ông Thái khẳng định: “Phía trước phần đất trống là Rạch Ba Khía, giáp QL 80 là đất do nhà nước quản lý, không thuộc vị trí cưỡng chế, kê biên, không thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục Thi hành án”.
Mặc dù vậy, gần 2 năm trôi qua, đến nay vụ tranh chấp vẫn chưa được giải quyết, gây mâu thuẫn gây gắt giữa hai bên.
Theo “Giấy tay mua bán đất” lập ngày 12/8/1992 tại An Nhơn, phần đất trống cạnh rạch Ba Khía, giáp QL 80 do ông Lê Phát Dũng sang nhượng từ ông Võ Văn Bổn với số tiền 600.000 đ. Thửa đất ngang 4m, dài 12 m, ghi rõ tứ cận là nhà ông Bảy Nhíp, bà Lê Thị Tốt, bà Nguyễn Thị Hải và rạch Ba Khía, trên đó có ngôi nhà, sau khi bán thì ông Bổn dỡ đi. Văn bản có chữ ký bên mua, bên bán và ba người làm chứng là Nguyễn Thị Chính, Võ Văn Hoàng và Đặng Trường Sinh.
Tuy nhiên, từ đó đến nay ông Lê Phát Dũng không hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng để được cấp sổ đỏ, nhưng cũng không có tranh chấp với người chuyển nhượng.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết
Để giải quyết tranh chấp, chúng tôi cho rằng hai bên đề nghị UBND ở địa phương giải quyết trên cơ sở pháp luật, có lý, có tình. Nếu chính quyền địa phương không hòa giải được thì ông Lê Phát Dũng, mà người đại diện là bà Lê Thị Tốt có thể khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án, đề nghị công nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã chuyển nhượng của ông Võ Văn Bổn và buộc người lấn chiếm trả lại phần đất đó.
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng nắm rõ quy định này và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng “giấy tay” vẫn còn diễn ra như trường hợp ông Lê Phát Dũng trên đây.
Điểm đ khoản 1 Điều 132 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu yêu cầu tuyên bố vô hiệu: “Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức”. Tuy nhiên, tránh trường hợp lợi dụng việc hợp đồng vi phạm về hình thức để yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, Điều 129 BLDS năm 2015 liệt kê các trường hợp hợp đồng vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức vẫn không bị vô hiệu.
Theo khoản 1 Điều 129 BLDS năm 2015, “Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”. Theo quy định này thì các hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản nhưng văn bản không đúng theo quy định của pháp luật thì vẫn có hiệu lực nếu một hoặc các bên thực hiện hai phần ba nghĩa vụ thì theo yêu cầu của một trong các bên, Tòa án công nhận giao dịch đó.
Khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015 còn quy định “Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.
Như vậy, nếu những căn cứ ông Lê Phát Dũng là đúng thì có căn cứ để Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng thửa đất của ông Võ Văn Bổn. Đó sẽ là căn cứ để giải quyết việc bà Võ Thị Xuân Nguyệt tự ý lấn chiếm phần đất đó.
Căn nhà bà Nguyệt trúng đấu giá
Bài liên quan
-
Một số ý kiến về việc giải quyết các vụ án tranh chấp có đối tượng là bất động sản theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
-
Đại tá Hà Văn Bắc được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp
-
Tranh chấp giữa bà A và ông B là tranh chấp hợp đồng đặt cọc
-
Đồng Tháp chuẩn bị Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận