Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng bổ sung một số đối tượng và trường hợp được miễn, giảm chi phí

Ngày 13/12 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Dự phiên họp có Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến; Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Duy Giảng; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Các cơ quan Ủy ban Trung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước cử cán bộ cấp vụ dự họp.

Phù hợp với cải cách tư pháp, cải cách chính sách tiền lương

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 được ban hành để cụ thể hóa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 nên một số quy định của Pháp lệnh này chưa đồng bộ, chưa thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành; một số quy định chưa chi tiết, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay .

Đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí cho người chứng kiến , người dịch thuật trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình

Đối với chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa thì pháp luật hiện hành chỉ quy định riêng cho đối tượng là luật sư, trợ giúp viên pháp lý  mà chưa có quy định cho bào chữa viên nhân dân. Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Mức chi cho Hội thẩm còn thấp, không khuyến khích được Hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử. Việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ còn chưa thống nhất; Một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định chưa được pháp luật điều chỉnh…

Do đó, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng là rất cần thiết.

Dự thảo Pháp lệnh gồm 92 điều, 13 chương. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, Dự thảo Pháp lệnh quy định các chi phí tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng hình sự và trong thủ tục xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15, Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15.

Về việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định, dự thảo Pháp lệnh về cơ bản kế thừa quy định về miễn, giảm chi phí giám định của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13, đồng thời bổ sung việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tương tự như đối với chi phí giám định; bổ sung một số đối tượng được miễn (người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng;…); sửa đổi trường hợp được giảm là người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp. Việc bổ sung các quy định này đã thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước, bảo đảm quyền khởi kiện của chủ thể tham gia tố tụng.

Về chi phí tố tụng cụ thể, dự thảo Pháp lệnh quy định chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí định giá tài sản, chi phí giám định, chi phí cho Hội thẩm, chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện do Tòa án chỉ định, chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến, chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật, chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài và chi phí tố tụng khác.

Nội dung dự thảo Pháp lệnh đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách chính sách tiền lương.

Bên cạnh đó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến báo cáo UBTVQH về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như về phụ cấp xét xử cho Hội thẩm, về chi phí thù lao cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia hoạt động tố tụng.

Nhất trí sự cần thiết ban hành Pháp lệnh

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định: Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của TANDTC, nhằm thực hiện quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Điều 370 Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) và tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) về chi phí tố tụng, góp phần quan trọng bảo đảm các điều kiện để hoạt động tố tụng được tiến hành kịp thời và hiệu quả.

Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh (Điều 1): Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của dự thảo Pháp lệnh, bao gồm các chi phí trong cả 3 lĩnh vực tố tụng theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC và Bộ luật TTHS.

Mặc dù BLTTHS không giao UBTVQH quy định về chi phí tố tụng như BLTTDS và LTTHC, nhưng khoản 4 Điều 135 BLTTHS và thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu phải có quy định cụ thể về các loại chi phí trong TTHS. Hiện nay, Pháp lệnh số 02 và Nghị định số 81 của Chính phủ (quy định chi tiết Pháp lệnh số 02) cũng đang quy định về một số chi phí trong cả 3 lĩnh vực tố tụng. Trong quá trình bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, UBTVQH đã nhất trí ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và UBTP, tán thành việc ban hành Pháp lệnh để quy định một số chi phí tố tụng được BLTTDS, LTTHC giao, đồng thời kế thừa phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh số 02 hiện hành (bao gồm cả chi phí trong TTHS); dự kiến chương trình đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5...

Có ý kiến khác cho rằng: Chỉ BLTTDS và LTTHC giao UBTVQH quy định về chi phí tố tụng; BLTTHS không giao trách nhiệm này cho UBTVQH. Do đó, đề nghị phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này chỉ quy định một số chi phí tố tụng trong lĩnh vực TTDS và TTHC, không quy định trong lĩnh vực TTHS.

Về các loại chi phí tố tụng (Điều 4): Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Pháp lệnh số 02 hiện hành chỉ quy định đối với 04 loại chi phí tố tụng gồm: Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch. 

Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh đã mở rộng, quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó, nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật, do đó, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp. Cụ thể, Ủy ban Tư pháp tán thành quy định về các loại chi phí sau đây:

Thứ nhất, các chi phí đã được xác định cụ thể tại Điều 169 của BLTTDS, Điều 370 của LTTHC và Điều 135 của BLTTHS, gồm: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; Chi phí giám định; Chi phí định giá tài sản; Chi phí cho người làm chứng; Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật; Chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa.

Thứ hai, một số chi phí khác theo quy định của luật hoặc pháp luật có liên quan, gồm: Chi phí cho Hội thẩm (căn cứ quy định tại Điều 88 Luật Tổ chức TAND); Chi phí tham gia phiên tòa cho người thực hiện giám định (căn cứ quy định tại Điều 44 Luật Giám định Tư pháp).

Thứ ba, một số chi phí có tính chất tương tự với những chi phí đã được BLTTHS, BLTTDS, LTTHC và luật khác quy định, gồm: Chi phí xem xét tại chỗ trong TTHS; Chi phí tham gia phiên tòa cho người thực hiện định giá tài sản; Chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định.

Ngoài các chi phí nêu trên, dự thảo Pháp lệnh còn quy định 04 loại chi phí, gồm: (1) Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; (2) Chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, chi phí xác minh tài liệu, chứng cứ; (3) Chi phí sao chụp tài liệu; (4) Chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng.

Đối với 04 loại chi phí này, Ủy ban Tư pháp có 02 loại ý kiến: Đa số ý kiến tán thành quy định 04 loại chi phí nêu trên do đây là các chi phí phát sinh trực tiếp, gắn liền với các nhiệm vụ tố tụng được các luật tố tụng giao (Ví dụ: khi thực hiện nhiệm vụ tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài thì phát sinh chi phí thuê dịch tài liệu tố tụng …). Thực tế, khối lượng công việc thuộc 04 nhiệm vụ này rất lớn, phát sinh nhiều chi phí, nếu không được xác định là chi phí tố tụng, mà phải bố trí vào kinh phí chi thường xuyên theo định mức sẽ rất khó khăn cho các cơ quan tố tụng. 

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù 04 loại chi phí nêu trên đều phát sinh trực tiếp từ những hoạt động đã được quy định trong luật tố tụng nhưng Luật không giao UBTVQH quy định các nội dung này. Do đó, để thực hiện đúng khoản 1 Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị cân nhắc không quy định về 04 loại chi phí này trong Pháp lệnh.

Nâng mức chi cao hơn quy định hiện hành

Về mức chi cụ thể với các loại chi phí thành phần: Ủy ban Tư pháp nhận thấy, thực tế hiện nay, trên cơ sở Pháp lệnh số 02 chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết thì các chế độ, tiêu chuẩn, định mức cụ thể của từng loại chi phí tố tụng đang được điều chỉnh, thực hiện theo nhiều Nghị định, Thông tư, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong từng lĩnh vực chuyên ngành. UBTP cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Pháp lệnh theo nguyên tắc áp dụng tại Điều 3.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, riêng về Danh mục chi phí thù lao và phụ cấp xét xử ban hành kèm theo Pháp lệnh: UBTP cơ bản tán thành với chủ trương sửa đổi, nâng mức chi cao hơn quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số mức thù lao cao hơn khá nhiều (thù lao cho người làm chứng nâng từ 50.000 đồng/1 ngày lên thành 200.000 đồng/1 ngày; phụ cấp xét xử của Hội thẩm nâng từ 90.000đ/1 ngày lên thành 900.000đ/1 ngày...). Đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải căn cứ sửa đổi các mức chi và tiếp tục cân nhắc, đề xuất mức chi phù hợp. Đề nghị Chính phủ có ý kiến đối với Danh mục này.

Về việc nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng: Trong hoạt động TTDS và TTHC, UBTP nhất trí với dự thảo Pháp lệnh quy định dẫn chiếu việc nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng, trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí và việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng theo quy định tương ứng của Bộ luật TTDS, Luật TTHC.

Trong hoạt động TTHS, đối với chi phí định giá tài và chi phí giám định, dự thảo Pháp lệnh quy định: Cơ quan tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, ra quyết định trưng cầu giám định chịu trách nhiệm chi trả chi phí. Quy định này bảo đảm thực hiện đúng khoản 1 Điều 136 BLTTHS; tuy nhiên, lại chưa thật sự thống nhất với Luật Giám định tư pháp, các văn bản pháp luật hiện hành về định giá tài sản trong TTHS. UBTP đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Có thể cân nhắc quy định dẫn chiếu theo hướng: về trách nhiệm nộp tiền tạm ứng, thủ tục nộp tiền tạm ứng và trách nhiệm chi trả chi phí định giá tài sản, chi phí giám định trong tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá và giám định.

 

 

 

 

 

MINH KHÔI