Dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân

Dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân đã được TANDTC xây dựng và đang được lấy ý kiến rộng rãi. Bài viết sau đây giới thiệu sự cần thiết và những nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh[1].

1. Sự cần thiết xây dựng dự thảo Pháp lệnh

Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với nhiều nội dung mới đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc các trường hợp khi (a) người nghiện ma tuý không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma tuý tự nguyện, (b) người nghiện ma tuý trong thời gian cai nghiện ma tuý tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý, (c) người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Theo quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Với lý do trên thì việc ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một yêu cầu cấp thiết.

2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Pháp lệnh

Việc soạn thảo dự thảo Pháp lệnh dựa trên những quan điểm chỉ đạo sau đây:

- Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng cũng như thể chế hóa những chủ trương mới của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII;

- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Pháp lệnh trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh;

- Tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành, áp dụng pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thực tiễn;

- Bảo đảm tính tương thích của các quy định pháp luật về xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là một số công ước quốc tế về quyền con người.

3. Bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh

Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 chương, 46 điều; cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung (gồm có 6 điều, từ Điều 1 đến Điều 6)

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; và trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chương II. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (gồm có 18 điều, từ Điều 7 đến Điều 24)

Chương này quy định thời hạn xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; những trường hợp phải từ chối, thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp; thông báo về việc thụ lý; kiểm tra hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bị đề nghị; yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ; đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thành phần phiên họp; quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp; tham gia phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; biên bản phiên họp; nội dung quyết định của Tòa án; việc gửi quyết định của Tòa án; và quản lý hồ sơ về việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

  Chương III. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại (gồm có 8 điều, từ Điều 25 đến Điều 32)

Chương này được chia làm 02 mục:

  - Mục 1. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (từ Điều 25 đến Điều 28): quy định trường hợp được hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có quyền đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; nhận, thụ lý đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hủy bỏ quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

  - Mục 2. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại (từ Điều 29 đến Điều 32): quy định trường hợp được tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại; người có quyền đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại; nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại; hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại.

  Chương IV. Khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (gồm có 13 điều, từ Điều 33 đến Điều 45)

Chương này được chia làm 02 mục:

- Mục 1. Khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị các quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” (từ Điều 33 đến Điều 40): quy định các quyết định của Tòa án có thể bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; người có quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án; thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án; thủ tục khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án; thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án; trình tự tiến hành phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án; thẩm quyền của Thẩm phán giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; nội dung và hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

- Mục 2. Khiếu nại, giải quyết khiếu nại hành vi của người có thẩm quyền của Toà án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (từ Điều 41 đến Điều 45): quy định hành vi có thể bị khiếu nại trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại; quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại; thời hạn khiếu nại; thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại.

Chương V. Điều khoản thi hành (gồm có 1 điều: Điều 46) quy định về hiệu lực thi hành của Pháp lệnh.

  4. Những vấn đề của dự thảo Pháp lệnh cần xin ý kiến

  4.1. Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Pháp lệnh này chỉ nên quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân theo đúng quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy đã quy định.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Pháp lệnh này ngoài việc quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân, thì cần phải quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại như quy định trong Dự thảo để bảo đảm áp dụng kịp thời, thống nhất, tránh việc tiếp tục phải ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết.

  4.2. Về thời hiệu áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (điểm b khoản 1 Điều 12)

  Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định thời hiệu áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Về bản chất đây là biện pháp hạn chế quyền công dân, nhất là đối với người dưới 18 tuổi, nếu hết thời hiệu kể từ ngày vi phạm mà chưa bị đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thì không được áp dụng biện pháp này.

  Quan điểm thứ hai cho rằng, không quy định thời hiệu vì biện pháp này không phải là biện pháp xử lý hành chính, cần coi việc nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là “bệnh” phải được chữa trị, cắt cơn nghiện. Do đó, đến thời điểm bị đề nghị cai nghiện bắt buộc mà người đó vẫn còn trong tình trạng nghiện ma túy và đủ căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

  4.3. Về hiệu lực thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (điểm a khoản 2 Điều 22)

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định thời hạn có hiệu lực thi hành của quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sau khi hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Quan điểm thứ hai cho rằng, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực ngay sau khi được ban hành, đây là biện pháp có tính đặc thù, người nghiện ma túy cần được đưa đi cai nghiện ngay, mặc dù có thể bị kháng nghị. Quy định như vậy, bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng khi điều trị cho người bị nghiện ma túy./.

 

Một sinh hoạt tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: Hoài An


[1] Bài viết này được tổng hợp từ nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, Dự thảo 2: Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân, https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND201066, truy cập ngày 14/02/2022.

THS. TẠ ĐÌNH TUYÊN