Đưa người đang cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy vào cơ sở giáo dục bắt buộc?
Học viên đang tập trung cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, có hành vi đập phá tài sản của cơ sở, bỏ trốn, la lớn tiếng kéo dài tập trung đồng người ... thì có đủ điều kiện đưa vào cơ sở giáo bắt buộc hay không?
Thực tế hiện nay, một số ít trường hợp học viên đang tập trung cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, học viên có hành vi vi phạm như đập phá tài sản của cơ sở để bỏ trốn, la lớn tiếng kéo dài tập trung đồng người, cùng với đó khi bị ngăn cản đánh người chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự đã đặt ra vấn đề các học viên có hành vi nêu trên lần đầu thì có đủ điều kiện đưa vào cơ sở giáo bắt buộc hay không? Hay chỉ là vi phạm nội quy tại cơ sở cai nghiện ma túy mà học viên trong thời gian đang chấp hành quyết định.
Quy định pháp luật
Khoản 3 Điều 118 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
“…3. Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng có hành vi vi phạm trên cơ sở hồ sơ hiện có và biên bản về hành vi vi phạm mới gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thủ tục xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng này được thực hiện theo quy định của Luật này”.
Điều 60 Nghị định số116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, quy định:
1.Trong thời gian đang chấp hành quyết định, người cai nghiện có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở…
Khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc bao gồm:
a) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và không có nơi cư trú ổn định;
b) Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Khoản 6 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm.”
Nhận thức, vận dụng áp dụng pháp luật khác nhau
Quan điểm thứ nhất: Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có hành vi vi phạm về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; gây rối trật tự công cộng; trộm cắp tài sản, đánh bạc; lừa đảo; đua xe trái phép; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm, là thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục. Nghĩa là, học viên đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc lần đầu có hành vi đập phá tài sản, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; la lớn tiếng kéo dài; bỏ trốn ra khỏi cơ sở cai nghiện; quá trình cố ý trốn ra ngoài bị ngăn chặn thì học viên đánh người ngăn cản mình được coi là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác… Tất cả một trong các hành vi đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Quan điểm thứ hai: Khoản 3 Điều 118 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dẫn chiếu đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Nghĩa là, các đối tượng này sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc khi và chỉ khi:
Thứ nhất, người từ đủ 18 tuổi trở lên (và không có nơi cư trú ổn định) đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm (đó là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm). Như vậy, trong trường hợp này đối tượng nào có đến 03 lần vi phạm trong thời hạn 06 tháng về hành vi như thực tế nêu như gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, thì sẽ bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Thứ hai, người từ đủ 18 tuổi trở lên (trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn[1]) thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm (đó là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm;). Từ câu chữ quy định suy luận, trong trường hợp này đối tượng nào trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ cần có hành vi như thực tế nêu như gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng lần đầu, thì sẽ bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả, tuy nhiên qua thảo luận một số đồng nghiệp trên thực tế công tác không thể đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc khi các đối tượng đang cai nghiện bắt buộc lần đầu có hành vi vi phạm xảy ra như thực tế đã nêu, tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp.
Học viên học nghề cơ khí tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I. Ảnh: Hà Hiền
[1] Thực tiễn, thế nào được coi là trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn lại là quan điểm, khi một số đối tượng thuộc trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được xem xét áp dụng đã, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà còn vi phạm do tiếp tục sử dụng ma túy nên bị đưa vào cơ sở cai nghiện, nay lại vận dụng là trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để đưa vào cơ sở giáo dục thì tình tiết nhân thân bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bị vận dụng 2 lần, xem ra chưa được phù hợp nguyên tắc luật chung “bảo đảm công bằng”, đã vận dụng (áp dụng) rồi không được áp dụng thêm nữa.
Bài liên quan
-
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
-
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đồng Nai
-
Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa và xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân các cấp giai đoạn 1
-
Một số điểm mới cơ bản của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận