Dùng súng trêu đùa thành bắn chết bạn, A phạm tội “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng”.
Nghiên cứu bài viết “Dùng súng trêu đùa thành bắn chết bạn, tội gì?” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử số đăng ngày 23/6/2020 tôi cho rằng, hành vi của A phạm tội “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng”.
Bài viết nêu hai quan điểm: Một là, dùng súng trêu đùa thành bắn chết bạn phạm tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 Điều 128 BLHS; Hai là, dùng súng trêu đùa thành bắn chết bạn phạm tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo điểm c, khoản 2 Điều 304 BLHS.
Nghiên cứu bài viết, cá nhân tôi cho rằng, hành vi của A phạm tội “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng” theo điểm c khoản 2 Điều 412 BLHS, bởi các lí do sau:
Phân tích nội dung vụ án, thấy rằng: A là chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác, A được giao súng không có đạn để thực hiện nhiệm vụ, trường hợp này là được giao súng hợp pháp. Việc A không kiểm tra, không “khám súng” theo quy định mà vẫn thực hiện động tác “kéo cò súng để lên đạn” rồi “mở khoá an toàn”, chĩa súng về phía B, bóp cò là sai quy định về sử dụng vũ khí quân dụng. Việc A và B chỉ trêu đùa nhau, diễn như phim hành động để quay video nhưng không ngờ trong súng có đạn dẫn đến hậu quả B chết (hậu quả nghiêm trọng) cho thấy, A hoàn toàn không mong muốn đối với cái chết của B.
Từ những phân tích trên, cho thấy: Trong trường hợp này, khách thể của tội phạm chính là xâm phạm quyền sống của B. Lỗi của A là lỗi vô ý với cái chết của B. A không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả làm B chết mặc dù phải thấy trước vũ khí là nguồn nguy hiểm cao, không được phép chĩa súng vào người khác, khi giao súng phải kiểm tra súng, khám súng, không được dùng súng để chơi đùa. Hành vi của A hoàn toàn thỏa mãn cấu thành của tội “Vô ý làm chết người. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm ở đây là quân nhân (chủ thể đặc biệt), khách thể của tội phạm ngoài vi phạm quyền sống của con người còn vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng. Vì vậy, không thể xử phạt A về tội “Vô ý làm chết người”, mà phải xử phạt ở tội phạm quy định riêng.
A cũng không phạm tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo điểm c, khoản 2 Điều 304 BLHS. Bởi vì, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng là hành vi khai thác tính năng của chúng mà không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan có thẩm quyền. Việc sử dụng trái phép vũ khí quân dụng là hành vi cố ý. A được giao súng để thực hiện nhiệm vụ trực gác, việc giao súng này hoàn toàn hợp pháp. A không có ý định bắn súng, A thực hiện kéo cò, lên đạn, mở khóa an toàn nhằm vào B bóp cò nhằm mục đích trêu đùa để quay video. A được giao súng không có đạn, A nghĩ là súng sẽ không nổ. Việc khai thác tính năng của súng đối với A hoàn toàn vô ý. Đây không phải là hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Hành vi của A hoàn toàn thỏa mãn cấu thành tội “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng” theo điểm c khoản 2 Điều 412 BLHS: Về khách thể: A đã vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, xâm phạm đến tính mạng của người khác; Về hành vi: A được giao vũ khí nhưng sử dụng không đúng mục đích, A đã bắn súng, phát huy tính năng, tác dụng của súng không đúng quy định dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (làm chết một người); Về chủ thể: A là quân được trang bị vũ khí quân dụng; Về lỗi: A không thấy trước hành vi vi phạm quy định về sử dụng súng của mình có thể gây ra hậu quả làm chết người mặc dù A phải thấy trước được hậu quả đó. Vì vậy, cần phải xét xử A về tội “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng” theo điểm c khoản 2 Điều 412 BLHS”.
Trên đây là một số quan điểm của tôi về định tội danh, rất mong được độc giả quan tâm trao đổi./.
Chiến sĩ mới Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 luyện tập bắn súng AK bài 1. Ảnh: Nguyễn Anh Dũng/ Báo QĐND
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận