Dùng thủ đoạn “qua mặt” cán bộ Thuế và Hải quan chiếm đoạt hơn 34 tỷ đồng
TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử bị cáo Hoàng Thị Hậu nhờ em chồng mở công ty mượn hàng trôi nổi của tiểu thương qua mặt cán bộ Thuế và Hải quan các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… mở tờ khai tại Hải quan để lập hồ sơ hoàn thuế, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà nước.
Ngày 18-19/1, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Thị Hậu, 50 tuổi, trú huyện Hương Sơn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Mua bán trái phép hóa đơn, theo Điều 139 và 203 BLHS 1999. Ba đồng phạm của Hậu gồm Trần Thị Sâm, 33 tuổi, trú TP Vinh, Nghệ An bị truy tố tội Mua bán trái phép hóa đơn; Lê Khánh Hào, 46 tuổi; Dương Thị Mai Hoa, 35 tuổi, cùng trú huyện Hương Sơn, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2011, Hoàng Thị Hậu lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hào Hùng, đóng tại khối 10, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, vốn điều lệ hơn 10 tỷ đồng, với các ngành nghề kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu thực phẩm và vật liệu xây dựng. Do đang làm giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân khác trên địa bàn nên Hậu nhờ Hào (em trai chồng) đứng tên giám đốc của Công ty Hào Hùng, thuê Hoa làm kế toán trả một tháng 3 triệu đồng. Hậu đứng sau điều hành mọi hoạt động kinh doanh mua bán.
Quá trình kinh doanh, Hậu lên kế hoạch chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Biết các tiểu thương ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) thường mua hàng vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc đưa qua nước ngoài bán kiếm lời, Hậu mượn hàng, hứa đưa sang Lào miễn phí và được đồng ý.
Dẫn giải bị cáo Hoàng Thị Hậu đến phiên tòa
Tiếp đó, Hậu móc nối với Sâm và một phụ nữ trú tại Bắc Ninh mua hóa đơn giá trị gia tăng của nhiều công ty trong nước để hợp thức hàng hóa đầu vào. Để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, Hậu cấu kết chia lợi nhuận với Công ty xuất nhập khẩu NP và Công ty thương mại xuất nhập khẩu vận tải Lào Việt có trụ sở ở Lào. Giám đốc của hai công ty này đã đóng dấu vào các tập giấy trắng chưa ghi nội dung và ký các thủ tục chuyển tiền ký khống tại ngân hàng ở Lào để làm thủ tục thanh toán tiền với công ty Hào Hùng, phù hợp với hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
Hậu chỉ đạo Hào và Hoa ký giấy ủy quyền, hợp đồng mua bán hàng hóa, đưa tiền sang Lào nộp vào tài khoản của các công ty tại đây nhằm hợp thức việc mượn hàng của các tiểu thương Nghệ An. Khi có đầy đủ giấy tờ, Hậu mở tờ khai hải quan tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), La Lay (Quảng Trị), Nậm Cắn (Nghệ An), lập hồ sơ đề nghị Cục Thuế Hà Tĩnh cho hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cáo trạng xác định quá trình kiểm tra hàng hóa thông quan, các cán bộ hải quan và đoàn kiểm tra của Cục thuế Hà Tĩnh không phát hiện được thủ đoạn của Hậu và đồng phạm nên đồng ý xét duyệt cho hoàn thuế.
Từ tháng 7/2013 đến tháng 5/2015, bà Hậu sử dụng 498 tờ khai xuất khẩu hàng hóa sang Lào qua các cửa khẩu trên và mua trái phép 432 hóa đơn giá trị gia tăng để lập khống 9 bộ sồ sơ hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng, đề nghị Cục Thuế Hà Tĩnh hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm đoạt hơn 34 tỷ đồng.
Tháng 8/2019, Hoàng Thị Hậu bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an Hà Tĩnh) khởi tố, bắt giam sau thời gian dài theo dõi, điều tra. Từ lời khai của Hậu, cảnh sát bắt, khởi tố thêm Hào, Hoa và Sâm.
Tại phiên toà, bị cáo Hậu khai quá trình kinh doanh tự nghĩ ra cách chiếm đoạt tiền thuế chứ "không có ai hướng dẫn". Mỗi đợt hoàn thuế thành công, Hậu chi cho người bán hóa đơn, người có hàng và người mua hàng 3% giá trị, trích 1% phí chuyển tiền giao dịch.
Hào khi được nhờ làm Giám đốc Công ty Hào Hùng thì đồng ý giúp đỡ, chứ chưa được chia bất cứ lợi lộc gì, không biết những lần ký giấy tờ của mình là vi phạm pháp luật. "Tôi chẳng nhận lương thưởng trong thời gian làm giám đốc, nhận lời giúp chị dâu trên góc độ tình cảm", bị cáo Hào nói.
Hàng chục cán bộ Hải quan thuộc các Chi cục Hải quan Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị được tòa triệu tập đều khai quá trình tiếp nhận và kiểm tra hàng chục bộ hồ sơ của Công ty Hào Hùng thấy phù hợp với quy định của pháp luật. Hàng hóa chủ yếu là vật liệu xây dựng, thuộc diện phân luồng đỏ.
"Chúng tôi thực hiện đầy đủ theo quy trình, đúng chức trách và nhiệm vụ của công chức hải quan", ông Nguyễn Anh Hùng, cán bộ Cục Hải quan Hà Tĩnh, nói.
Đại diện Cục thuế Hà Tĩnh nói "không sai phạm". Quá trình kiểm tra, đối chiếu hồ sơ của Công ty Hào Hùng thấy "không có nghi ngờ" gì nên cho hoàn thuế.
Đại diện VKSND Hà Tĩnh cho rằng sai phạm của 4 bị cáo Hậu, Hào, Hoa và Sâm là thấy rõ, cần xử nghiêm răn đe. Về mặt quản lý nhà nước, cơ quan điều tra đã hai lần gửi văn bản ra Bộ Tài chính đề nghị làm rõ xem "trách nhiệm của cán bộ thuế Hà Tĩnh trong trường hợp này là đúng hay chưa", song chưa nhận được phúc đáp. Đối với những người liên quan khác, nhà chức trách tiếp tục điều tra, khi xác định được sai phạm sẽ tách riêng xử lý sau.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Hậu khóc, nói bản thân làm sai, xin chịu mọi trách nhiệm. "Mong tòa giảm nhẹ cho Hào và Hoa, vì hai người em chỉ làm theo chỉ đạo của tôi, không được hưởng lợi lộc gì trong việc này", bị cáo nói.
Các bị cáo Hào, Hoa và Sâm cũng trình bày không hiểu biết pháp luật, muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời.
Tòa dự kiến tuyên án lúc 14g ngày 25/1.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận