Dừng xây dựng, triển khai Đề án "Thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, hướng đến năm 2030"

Ngày 09/02/2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông ký ban hành Công văn số 307/UBND-TNMT về việc dừng xây dựng, triển khai Đề án "Thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, hướng đến năm 2030".

Cụ thể, sau khi UBND Thành phố nhận được các văn bản: số 5399/STNMT-CCBVMT ngày 27/7/2022 và số 7292/STNMT-CCBVMT ngày 03/10/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất dừng triển khai thực hiện Đề án “Thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý CTNH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra đối với công tác thu gom, xử lý CTNH phát sinh trên địa bàn Thành phố.

Ủy ban nhân dân Thành phố đồng ý dừng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". 

UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung:

Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, báo cáo UBND Thành phố việc đề xuất điều chỉnh Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống thu gom, vận chuyển, các trạm trung chuyển, các khu xử lý chất thải rắn (nguy hại và không nguy hại) trên địa bàn Thành phố, đảm bảo toàn bộ chất thải rắn phát sinh được thu gom, xử lý theo công nghệ hiện đại và loại bỏ việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp.

Xây dựng Đề án “Phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố” theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường (Điều 75) về việc phân loại CTR sinh hoạt (khoản 7 Điều 79), sau khi có hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường (hiện đang trong quá trình soạn thảo) theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường. Hoàn thiện, trình UBND Thành phố xem xét, ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thành phố (khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường) để triển khai thực hiện nhằm khắc phục tình trạng để lẫn CTNH và chất thải sinh hoạt thông thường, đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra đối với công tác phân loại, thu gom, xử lý CTNH phát sinh trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong việc quản lý chất thải rắn của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố định kỳ hàng năm, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý CTNH, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện và kịp thời đề xuất UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức truyền thông và tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc phân loại, quản lý CTNH ngay từ nguồn thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Ảnh: Bãi tập kết rác thải khu vực Đìa Cống thuộc thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (ảnh: Trang Anh)

PHONG CẢNH