Gặp gỡ Cộng tác viên năm 2019

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Tạp chí Tòa án nhân dân tổ chức Hội nghị công tác viên năm 2019 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

1.Với bề dày truyền thống hơn 60 năm, Tạp chí Tòa án nhân dân có đội ngũ cộng tác viên các thế hệ rất đông đảo. Hiện nay Tạp chí in xuất bản mỗi tháng 2 kỳ và Tạp chí điện tử cập nhật thường xuyên, liên tục nên đội ngũ cộng tác viên cũng mở rộng hơn trước đây. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện, mỗi hội nghị cộng tác viên cũng chỉ có mặt một số cộng tác viên, dù có đông cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với tất các các tác giả thường xuyên gửi bài cho Tạp chí. Hội nghị Công tác viên năm 2019, đúng dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, như một lời chúc mừng tốt đẹp và lời cảm ơn chân thành của Tạp chí Tòa án nhân dân gửi đến tất cả quý cộng tác viên trong cả nước, dù có mặt hay không có mặt tại Hội nghị.

TBT Trần Quốc Việt phát biểu ý kiến.

Tại hội nghị, Tạp chí đã chia sẻ với các cộng tác viên kết quả công tác của đơn vị trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, Tạp chí in và Tạp chí điện tử luôn có những cải tiến, đổi mới trong việc xây dựng các chuyên mục, chuyên trang bám sát các vấn đề nóng của đời sống pháp luật, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống TANDTC.

Tạp chí in với các chuyên mục: “Diễn đàn cải cách tư pháp”, “Xây dựng hệ thống TAND”, “Thông tin hoạt động Tòa án”… đã phản ánh được những hoạt động chủ yếu của hệ thống TAND, Tòa án quân sự trong triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, chuyên mục “Trao đổi ý kiến” của Tạp chí TAND thường xuyên đăng các tình huống pháp lý, các vụ việc nảy sinh trong thực tiễn xét xử việc trao đổi ý kiến sôi nổi, tích cực. Những ý kiến đó là sự trao đổi kinh nghiệm quý báu nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong áp dụng pháp luật của TAND các cấp một cách thiết thực.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng

Tạp chí Tòa án điện tử có các chuyên mục: Thời sự, Nghiên cứu – Xây dựng pháp luật, Án lệ, Xét xử – Bình luận án, Nhân vật và sự kiện, Pháp luật thế giới, Công dân và pháp luật, Kinh tế, Văn hóa… với trọng tâm là các vấn đề pháp luật đáng quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án, trong thực tiễn đời sống kinh tế xã hội khiến Tạp chí Tòa án phong phú hơn, đa dạng hơn, thu hút thêm nhiều bạn đọc và lan tỏa rộng rãi hơn.

2. Cộng tác viên lâu năm bậc nhất tham dự Hội nghị là nguyên Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng chia sẻ những kỷ niệm gắn bó của ông với Tạp chí từ năm 1976 đến nay, ông cho rằng mấy chục năm qua Tạp chí Tòa án đối với những người công tác tại Tòa án là rất quý giá, bổ ích và thiết thực, qua đó năng lực, trình độ của anh em được nâng lên rất nhiều. Muốn làm tốt thì phải say nghề, say nghề thì phải đọc, trong đó Tạp chí là một kênh quan trọng. Cho đến nay, ông vẫn là một cộng tác viên thường xuyên có bài đăng trên Tạp chí… Với kinh nghiệm và tâm huyết, ông Tưởng Duy Lượng góp ý: Tạp chí khi biên tập nên tôn trọng quan điểm khoa học của từng tác giả, nhất là những tác giả có cá tính, có quan điểm mới để kích thích tư duy, gợi mở các vấn đề mới cho bạn đọc cùng quan tâm nghiên cứu.

Thẩm phán TANDTC Chu Xuân Minh cũng ủng hộ ý kiến của ông Tưởng Duy Lượng, có các ý kiến nhận thức khác nhau là điều bình thường, Tạp chí phải là diễn đàn để các ý kiến có trách nhiệm được trao đổi vì có trao đổi mới đi đến nhận thức thống nhất, hoặc phát hiện những vấn đề cần sửa đổi hay hướng dẫn.

Theo Thẩm phán Chu Xuân Minh, đặc thù của ngành Tòa án khác các cơ quan công quyền khác ở chỗ, các cơ quan khác chủ yếu áp dụng phát luật hiện hành, nhưng Tòa án khi giải quyết các vụ án phải áp dụng cả những văn bản đã hết hiệu lực thi hành, tùy theo nội dung vụ án. Do đó, Tạp chí cần có nhiều hình thức bài, phản ánh chủ yếu về những vấn đề của Tòa án, những vướng mắc trong công tác xét xử rất đa dạng trong cả nước. Tạp chí điện tử rất có lợi thế về tính nhanh nhạy, kịp thời, cần phát huy thế mạnh đó.

Một trong những “cây đa, cây đề” trong ngành Tòa án là nguyên Thẩm phán TANDTC Nguyễn Quang Lộc cho đến nay vẫn tiếp tục viết bài cho Tạp chí và ông rất tự hào về Tạp chí Tòa án nhân dân ông đã gắn bó, từ tư cách bạn đọc đến tư cách tác giả trong suốt cuộc đời hoạt động trong ngành Tòa án của mình. Ông cũng mong rằng, Tạp chí tiếp tục gìn giữ và nâng cao uy tín của mình.

Thẩm phán TANDTC Chu Xuân Minh

Ông vui mừng vì có thêm Tạp chí điện tử, một kênh thông tin có sức lan tỏa rất lớn. Bên cạnh những bài về nghiệp vụ, bài nhiều kỳ về Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương của tác giả Nguyễn Quang Lộc đăng trên Tạp chí điện tử đã thu hút lượng lớn bạn đọc trong và ngoài ngành. Với những câu chuyện cụ thể, sống động, qua ngòi bút của tác giả hình ảnh Chánh án Trịnh Hồng Dương uyên bác về pháp luật, liêm chính, đơn sơ trong sinh hoạt hiện lên trong tâm trí bạn đọc một nhân cách lớn, đáng kính biết bao.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình bày tỏ, ông rất chăm đọc Tạp chí Tòa án, và thường xuyên nhắc nhở anh em đọc và viết bài gửi đăng Tạp chí. Bởi lẽ, nhiều bài viết đã làm rõ những vấn đề còn có vướng mắc trong thực tiễn, có nhận thức khác nhau, nên phục vụ rất thiết thực cho công tác xét xử. Tuy nhiên, vì uy tín của Tạp chí rất lớn như vậy, nên dù Tạp chí tôn trọng quan điểm của tác giả nhưng cũng cần cân nhắc những bài có quan điểm ấu trĩ, lệch lạc về một vụ án cụ thể để tránh những đánh giá sai đó lan tỏa ra ngoài xã hội.

Chánh án TANDCC tại Hà Nội Phạm Văn Hà

PGS. TS Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, vui mừng vì được dự Hội nghị Cộng tác viên đúng dịp này, vừa tròn 20 năm kể từ bài cộng tác đầu tiên, khi đó tác giả là sinh viên được đăng trên Tạp chí tháng 6/1999. Đây là một tạp chí uy tín có lớn trong khối pháp luật. Là một người gắn bó thường xuyên với Tạp chí, PGS Việt góp ý một số vấn đề để Tạp chí ngày càng hay hơn, bổ ích, thiết thức hơn. Đó là những vấn đề về nội dung, nên bám sát các hoạt động của hệ thống Tòa án vì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm như quyền tư pháp, cải cách tư pháp sau 2020, các vấn đề tố tụng, kinh nghiệm quốc tế…

Thẩm phán Phạm Văn Hà, Chánh án TANNCC tại Hà Nội chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của ông đối với Tạp chí. Những cuốn tạp chí Tòa án luôn luôn được ông đọc kỹ, đánh dấu chỗ cần quan tâm, ghi tên bài quan tâm ra bìa để tiện đọc lại… được ông lưu giữ cẩn thận. Khi chuyển công tác ra Hà Nội, ông đã cho đóng góp tất cả số Tạp chí đó mang ra đơn vị mới, dù nhiều thứ khác phải bỏ lại.

Ông Hà cho rằng, bên cạnh những bài về các vấn đề lớn, bạn đọc rất cần những bài của các tác giả là Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký các Tòa án viết về những vấn đề thực tế họ đang gặp phải để được nghiên cứu, trao đổi rộng rãi. Đó là nội dung rất hữu ích.

Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Hồ Đình Trung

Thẩm phán Hồ Đình Trung, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An, cảm ơn Tạp chí đã tổ chức Hội nghị tại Cửa Lò, nhiều nắng và gió Lào. Ông mong rằng Tạp chí có nhiều bài góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật để giúp cho các Thẩm phán giải quyết tác tác xét xử được tốt hơn, trong đó các công văn giải đáp của TANDTC, các kết luận rút kin nghiệm của cac TANDCC là những nội dung nên đăng trên Tạp chí.

Ông Lê Phúc Hỷ, nguyên Phó TBT phụ trách Tạp chí bày tỏ mối quan tâm về quy hoạch báo chí hiện nay, và mong rằng Tạp chí có kế hoạch phù hợp để tạp chí ổn định và tiếp tục phát triển.

PGS.TS Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án, một cộng tác viên lâu năm cũng chia sẻ về khó khăn với báo chí nói chung hiện nay và cho rằng Tạp chí phải bảo đảm tính học thuật cao, là uy tín tích lũy nhiều năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay cũng nên hài hòa giữa tính học thuật và làm kinh tế, để Tạp chí phát triển tốt hơn. TS Miên cũng có góp ý nhỏ là về nội dung Tạp chí nên cân đối các lĩnh vực, dù hinh sự và dân sự là chủ yếu nhưng cũng cần nhiều bài về các lĩnh vực khác cũng rất thiết thực, đáng quan tâm như hành chính, kinh tế, lao động…

PGS.TS Trịnh Tiến Việt

3. Tổng biên tập Trần Quốc Việt thay mặt Tạp chí Tòa án nhân dân cảm ơn những ý kiến đánh giá và góp ý thiết thực của các cộng tác viên. Tạp chí sẽ tổng hợp lại để tiếp thu, sao cho Tạp chí ngày càng đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cũng như theo kịp sự phát triển của báo chí hiện đại. Tạp chí cũng đề nghị công tác viên trong cả nước nói chung và các cộng tác viên tham dự Hội nghị nói riêng tiếp tục viết bài cho Tạp chí.

Nội dung bài Tạp chí mong muốn nhận được là những bài phản ánh thực tiễn áp dụng pháp luật, đóng góp ý kiến, trao đổi về việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính…; Trao đổi các vấn đề vướng mắc trong giải quyết các loại vụ án kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, đất đai, hôn nhân gia đình, mại dâm, ma túy, xâm phạm trật tự an toàn giao thông, tội phạm về môi trường và các loại vụ án khác…; Những bài viết phục vụ cho việc xây dựng, tuyển chọn và áp dụng án lệ; Những bài viết liên quan đến việc góp ý xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật nói chung và các dự thảo luật (sửa đổi) nói riêng theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 như: Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự… và các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Bên cạnh đó là những bài phản ánh về các vấn đề còn vướng mắc có liên quan đến công tác thi đua – khen thưởng, tổng kết việc thi hành các quy định về bình xét thi đua, các danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán mẫu mực… trên cơ sở đó, đề xuất những nội dung có thể sửa đổi, bổ sung quy định, quy chế để suy tôn danh hiệu, hình thức khen thưởng công bằng, chính xác và có ý nghĩa; Những nhân vật điển hình, có thành tích tốt trong công tác xét xử…

Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp, sau Hội nghị các cộng tác viên và Tập thể Tạp chí Tòa án nhân dân đã có những buổi giao lưu văn nghệ rất thân tình, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa cộng tác viên với tạp chí.

Ảnh: Hùng Lan

THÁI VŨ