Đề nghị Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho Toà án cũng như các cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả
Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường, nhiều vấn đề xung quanh chất lượng xét xử, chỉ tiêu, tinh giản biên chế, chế độ đãi ngộ và cơ sở vật chất của hệ thống Tòa án được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Đề nghị Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho Toà án cũng như các cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả
Xét xử là công việc đặc thù
Đối với công tác của ngành Tòa án, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP Hồ Chí Minh) nhận thấy từ khi giao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, cả hệ thống chính trị đã chung tay hỗ trợ rất nhiều cho Tòa án thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, tự thân hệ thống Tòa án cũng đã nỗ lực rất nhiều để càng ngày càng đủ tầm, đủ sức thực hiện quyền thiêng liêng cao cả này. Để cho Tòa án cũng như các cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần phòng, chống tội phạm, đại biểu phản ánh và kiến nghị bốn vấn đề sau:
Một, về quy định chỉ tiêu hoàn thành do Quốc hội quy định cho các cơ quan tư pháp, đối với các Tòa án quy định các loại án phải đạt trên mức tối thiểu mới được xem xét hoàn thành nhiệm vụ, ví dụ như dân sự phải đạt trên 80%, về số lượng thì không thể dựa vào tỷ lệ phần trăm công việc đã hoàn thành. Xét xử là công việc đặc thù riêng, cần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không thể cứ có làm việc là tạo ra sản phẩm. Theo quy định của pháp luật muốn đưa một vụ án ra xét xử đã đủ điều kiện thì phải phụ thuộc vào việc thu thập chứng cứ từ các cơ quan khác cũng như người cung cấp. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 49 cũng như Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp thì Tòa án cần mở rộng tranh tụng để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
Chính việc quy định nêu trên đã gây áp lực cho Tòa án, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giải quyết vụ án. Dư luận đều cảm nhận rằng những ngày cuối thời điểm chốt thi đua, toà án thường trì hoãn thụ lý vụ án. Như vậy không phải chạy theo thành tích mà xác định Tòa án không muốn quá trình công tác bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay lại quy định án tạm đình chỉ không được tính vào chỉ tiêu thi đua, trong khi luật quy định Tòa án tạm đình chỉ khi phải đợi kết quả trả lời của các cơ quan khác. Từ đó các Tòa án có số lượng án thụ lý lớn, phức tạp, đương sự có ở nước ngoài nhiều, không thể nào hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi các quan hệ tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp, nhiều loại tội phạm mới quy mô và có tổ chức. Tòa án phải làm việc cật lực, để kịp thời đưa các vụ lớn ra xét xử, dư luận quan tâm, giải quyết các tranh chấp, góp phần ổn định trật tự trị an xã hội, đáp ứng yêu cầu phục vụ chính trị địa phương. Chính vì vậy, đại biểu “ xin đề nghị Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao có cơ chế quy định mới, khoa học, tiến bộ để các tiêu chuẩn chỉ tiêu công tác sát với thực chất, phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của từng cơ quan tư pháp để thi đua mang đúng ý nghĩa tích cực của nó, tránh để tồn tại những tình trạng đối phó hoặc Tòa án luôn trong tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ”.
Vấn đề thứ hai, về biên chế Tòa án, đại biểu đồng tình các ý kiến đã nêu việc giảm biên chế là “không nên áp dụng đồng bộ cho tất cả các đơn vị trong ngành tư pháp và đánh giá cao việc Tòa án nhân dân tối cao đã có kế hoạch để sắp xếp lại các Tòa án địa phương”. Đại biểu cho biết: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm được gần đủ 10% theo quy định, tuy nhiên các loại án tăng hàng năm đều tăng. Mỗi thẩm phán quận phải giải quyết mỗi tháng trên 10 vụ án, biên chế giảm nhưng vẫn phải bổ nhiệm thẩm phán dẫn đến thiếu hụt thư ký trầm trọng. Hiện nay, thư ký Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh phải giúp việc cho 3 thẩm phán. Các phiên họp đưa người đi cai nghiện, thẩm phán này phải làm thư ký thẩm phán kia khi không là chủ tọa. Tòa án không xin tăng biên chế nhưng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên biên chế được phân bổ tại Thành phố Hồ Chí Minh và chủ động điều động thẩm phán trung cấp, sơ cấp thuộc mình quản lý.
Vấn đề thứ ba, về cơ chế bảo vệ công chức của Tòa án cũng như những người tiến hành tố tụng. Các tranh chấp, khởi kiện tại Tòa án, các đương sự đều có quyền và nghĩa vụ đối lập nhau. Việc Toà án chấp nhận quyền lợi của bất cứ bên nào thì cũng bị xem là có tiêu cực, đa số bên không được Tòa án chấp nhận yêu cầu hay buộc phải có nghĩa vụ thường phản ứng rất gay gắt, tìm cách lăng mạ, bôi nhọ thẩm phán với nhiều hình thức. Còn có trường hợp đương sự đuổi đánh kiểm sát viên, thẩm phán ngay tại phiên tòa. Đại biểu “đề nghị Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao có cơ chế, biện pháp ngăn ngừa để không còn tình trạng nêu trên xảy ra, ví dụ như có cảnh sát tư pháp trực tại Toà án”.
Đại biểu Phạm Hồng Phong
Vấn đề thứ tư, chế độ đãi ngộ tiền lương hiện không phù hợp. Vẫn biết ngân sách nhà nước cũng đang rất khó khăn, tuy nhiên với mức lương hiện nay thì không đủ để trang trải. Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận rất nhiều đơn xin nghỉ việc của thẩm phán và thư ký do quá tải trách nhiệm và áp lực công việc tòa. Tuy nhiên Tòa án Thành phố chỉ cho thư ký nghỉ việc còn thẩm phán thì chỉ cho nghỉ trong trường hợp bệnh nặng, còn các trường hợp khác thì động viên và giải quyết cho nghỉ lần lượt vì cũng không có kinh phí đủ để trả thôi việc một lần. Những người này thường làm việc một cách cầm chừng, gây ảnh hưởng không tốt đến công việc chung của Tòa án.
Đại biểu cũng phát biểu trước Quốc hội là “tuần vừa rồi có một Chánh án quận xin nghỉ việc và đây là lần thứ hai Chánh án này xin nghỉ việc. Tình trạng này tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội là áp lực quá lớn thì thẩm phán cũng đã xin nghỉ việc rất nhiều”.
Do đó, đại biểu kết luận “đề nghị Quốc hội quan tâm, có biện pháp khắc phục tình trạng nêu trên, tạo điều kiện tốt nhất cho Toà án cũng như các cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả. Làm được điều này cũng góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội”.
Cần giao cho Tòa án chủ động và chịu trách nhiệm về việc kháng nghị
Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) phát biểu cho biết: Năm 2019 hệ thống Tòa án đã thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh hết sức khó khăn. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề nhưng cơ bản các chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt. Đặc biệt là không có trường hợp nào kết án oan sai, để đạt được kết quả trên thì toàn hệ thống Tòa án nhân dân đã thực hiện 14 giải pháp đột phá của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề ra. Ngoài ra, còn tìm nhiều giải pháp khắc phục mang tính căn cơ, lâu dài như xây dựng dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án là ngoài tố tụng trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Tuy nhiên, còn một chỉ tiêu không đạt theo Nghị quyết 37 của Quốc hội là giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ đạt 51%, chỉ tiêu giao là 60. Theo tôi, do nguyên nhân khách quan, án thụ lý năm 2019 tăng 69.141 vụ, tăng 12,4%. Đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 2.003 đơn. Trong khi đó bình quân mỗi thẩm phán phải giải quyết 9 đến 10 vụ, có những nơi gần 20 vụ trên tháng trên một thẩm phán, trong khi đó chỉ tiêu giao chỉ 5 đến 6 vụ trên tháng. Trong khi biên chế phải giảm theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đến năm 2021 là 10%. Hiện nay Tòa án nhân dân đã thực hiện 8,8%, bằng 1.336 biên chế.
Liên quan đến chỉ tiêu giao cho Tòa án, đại biểu nhận thấy đối với Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo nghị quyết giao tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%, án dân sự trên 78%, án hành chính đạt trên 60%, chỉ tiêu giao theo dự thảo của nghị quyết khó có thể đạt được. Dự thảo nghị quyết chỉ căn cứ vào tỷ lệ xét xử của ba năm gần đây để giao chỉ tiêu là chưa xem xét toàn diện và thấu tình đạt lý.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cho rằng: Theo quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án được tổ chức theo hai cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, theo đó, giám đốc thẩm và tái thẩm không được coi là một cấp xét xử, do đó bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật từ khi tuyên án. Theo Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định “bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh”, do đó nếu Quốc hội giao Tòa án xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính bằng nghị quyết về công tác xét xử trong các lĩnh vực nêu trên thì cần phải cân nhắc giao chỉ tiêu về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm vì mâu thuẫn về các cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý nêu trên. Vấn đề này đại biểu đề nghị cần giao cho Tòa án chủ động và chịu trách nhiệm về việc kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm mà không nên giao chỉ tiêu về công tác này. Tóm lại, hoạt động của Tòa án trong công tác xét xử phải lấy việc đảm bảo công lý, công bằng xã hội là mục tiêu hoạt động, đó chính là bản chất của quyền lực tư pháp, quyền lực tư pháp được thực thi chính là điểm dừng của việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội và việc xử lý các vi phạm pháp luật và tội phạm.
51 Thẩm phán xin thôi việc trong 10 tháng
Đại biểu Đào Tú Hoa (TP Hà Nội) cho biết: Năm 2019 Toà án tổ chức giải quyết xét xử 500.361/625.979 vụ việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 80%, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội. Cùng với việc hoàn thành các nhiệm vụ công tác khác thuộc thẩm quyền là kết quả Tòa án dân các cấp đã thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp đổi mới quyết liệt với chủ đề hành động là “trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, trong đó có những giải pháp thể hiện sự chủ động, sáng tạo để nâng cao chất lượng công tác, chất lượng cán bộ, công chức đã được nêu tại báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Đại biểu Đào Tú Hoa
Một trong những giải pháp là tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ bằng hình thức trực tuyến. Định kỳ vào ngày thứ Hai tuần cuối cùng hàng tháng tập huấn theo các chuyên đề được tổ chức tại điểm cầu trung tâm là Tòa án nhân dân tối cao, kết nối với gần 800 điểm cầu và hơn 10.000 thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Tòa án trên cả nước. Giảng viên là các chuyên gia, giáo sư trong nước và quốc tế, là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp hướng dẫn, áp dụng pháp luật trao đổi nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc trong thực tiễn xét xử, phương pháp được thay đổi từ thuyết trình sang phương pháp tích cực là đối thoại, từ truyền đạt sang trang bị kỹ năng giải quyết công việc, người tham dự không còn thụ động mà phải tập trung tư duy và tham gia quá trình trao đổi, đối thoại, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, thống nhất áp dụng pháp luật, rút kinh nghiệm ngay những sai sót. Đó là những bài học quý báu giúp Thẩm phán, công chức đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác giải quyết xét xử.
Thực tiễn xét xử cho thấy, số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tăng hằng năm, trong khi đó, số lượng biên chế 15.237 người được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ từ năm 2012. Tại thời điểm đó, Tòa án các cấp chỉ phải giải quyết hơn 303.848 vụ việc 1 năm, đến nay, số lượng vụ việc phải giải quyết tăng gấp đôi so với thời điểm được giao biên chế. Theo diễn biến số lượng các loại vụ việc sẽ tiếp tục tăng, đồng thời thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2021 phải thực hiện tinh giản tối thiểu 10% đội ngũ cán bộ. Đến nay, Tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện tinh giản được 1.336 người, bằng 8,8% và còn phải tiếp tục giảm. Theo định mức xét xử để tính định biên từ 4 đến 5 vụ 1 thẩm phán 1 tháng. Nhưng thực tế mỗi Thẩm phán phải giải quyết từ 9 đến 10 vụ/tháng, có nhiều Tòa án mỗi thẩm phán phải giải quyết hơn 10 vụ 1 tháng. Hơn nữa, có rất nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Có nhiều vụ án phải nghiên cứu hồ sơ, tổ chức xét xử vài ngàn hồ sơ, tài liệu cân nặng hàng tạ với hàng nghìn bút lục cùng với số lượng người tham gia tố tụng trong vụ án lên đến hàng trăm, hàng nghìn người. Như vậy, mặc dù thẩm quyền được mở rộng và số lượng các loại vụ việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, yêu cầu chất lượng phải nâng cao hơn nữa nhưng biên chế phải giảm như nêu trên đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức viên chức Tòa án nhân dân đã gắng quá sức rồi nhưng vẫn phải không ngừng cố gắng. Do đó, đại biểu Đào Tú Hoa “ tha thiết đề nghị có sự cân nhắc thấu đáo về chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành Tòa án nhân dân. Trước mắt, đề nghị Quốc hội cân nhắc việc giao chỉ tiêu xét xử được đề cập tại Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội kỳ họp này”.
Đại biểu cũng cho biết, có “những thẩm phán không chịu được áp lực quá lớn, công việc quá nhiều, chế độ đãi ngộ quá thấp đã xin thôi việc. Trong 10 tháng gần đây đã có 51 thẩm phán xin thôi việc”. Nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao và quyết liệt của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, có biết bao thẩm phán, cán bộ Tòa án nhiệt huyết ngày đêm miệt mài thầm lặng gồng mình vượt qua khó khăn, phấn đấu vì công lý như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân các cấp năm 2019. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân đã đoàn kết một lòng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước. Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng của các thế hệ cán bộ, thẩm phán đã làm nên truyền thống tốt đẹp của ngành Tòa án luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và trân trọng.
Cơ sở vật chất còn hạn chế
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) phát biểu về cơ sở vật chất của Tòa án, cho biết: Hiện tại hầu hết trụ sở của các Tòa án được đầu tư xây dựng từ thời Bộ Tư pháp quản lý. Ví dụ, tại tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị Tòa án cấp huyện, từ năm 2003 đến nay chỉ có 2 đơn vị Tòa án cấp huyện mới thành lập được xây dựng trụ sở, còn 13 đơn vị cũng có từ thời Bộ Tư pháp. Thời Bộ Tư pháp bấy giờ xây dựng chỉ với điều kiện 5-7 người làm việc. Hiện tại một loạt các trụ sở không đủ phòng làm việc cho cán bộ Tòa án, chưa nói gì đến việc bố trí hội trường xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp hoặc hội trường xét xử thân thiện. Có những tòa phải cơi nới hành lang, che chắn lại để làm phòng làm việc. Nhìn sang trụ sở của kho bạc, trụ sở của thuế, trụ sở của bảo hiểm thì cán bộ Tòa án thực sự thấy chạnh lòng. “Chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh một cái giỏ thật đẹp nhưng hom giỏ đã bị rách. Tôi đề nghị Quốc hội cũng phải nghiên cứu, xem xét chỗ này, Chính phủ cũng nên cân nhắc để tiếp tục đầu tư kinh phí để các Tòa án, đặc biệt là Tòa án cấp huyện cải tạo hoặc xây dựng trụ sở mới thì mới có thể thực hiện được theo tinh thần cải cách tư pháp. Đó là các hội trường xét xử, chỗ làm việc của cán bộ” – đại biểu trăn trở.
Về đề án về cấp xe cho Toà án cấp huyện, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét bố trí kinh phí để Tòa án nhân dân tối cao bố trí xe chuyên dùng cho các Tòa án. Hiện tại đi xét xử hoặc đi làm việc toàn bộ phải thuê mướn hết.
Về án hành chính ban hành chính tỷ lệ giải quyết nó rất thấp. Nhưng qua thực tế đi khảo sát ở các tỉnh cũng như thực tế xét xử, giải quyết hàng ngày ở các đơn vị ngoài nguyên nhân các đại biểu đã nêu, còn có một nguyên nhân quan trọng nữa, đó chính là sự quan tâm của cấp ủy, đặc biệt là sự hợp tác của các cơ quan bị khiếu kiện hành chính. Ví dụ, như Ủy ban hoặc Chủ tịch Ủy ban, những đơn vị nào Chủ tịch hoặc Ủy ban quan tâm đến lĩnh vực này, cử người phù hợp theo quy định của pháp luật để tham gia tố tụng thì những đơn vị đó giải quyết tương đối nhanh và sự phối hợp của các cơ quan chức năng của Ủy ban nhân dân trong việc cung cấp các chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án nếu nhanh thì chúng ta mới giải quyết được. Bởi vì, thực tế hiện tại tòa yêu cầu cung cấp nhưng các đơn vị chuyên môn làm và thực hiện theo chế độ một cửa yêu cầu Tòa phải xếp hàng bốc số và nộp tiền thì mới cung cấp nên việc này cũng ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án hành chính.
Cuối cùng đó là chỉ tiêu giải quyết các loại án mà dự thảo nghị quyết đã nêu, tđại biểu cũng đề nghị không nên đưa vào trong Nghị quyết vì nó không thể hiện được tính khoa học, tính xác thực của việc giao chỉ tiêu này. Việc này nên giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện kiểm nhân sát tối cao căn cứ vào tình hình thực tiễn của ngành để rồi giao cho các tòa án thực hiện, như vậy sẽ tốt hơn và chính xác hơn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận