Gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sau khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm, việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sau khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án đang có nhiều quan điểm khác nhau, cần có sự hướng dẫn thống nhất của TANDTC để áp dụng đúng quy định pháp luật.

Khoản 1 Điều 203 BLTTDS quy định như sau:

 1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

 a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

 b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định này, cụ thể có 03 quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: Có thể nhiều hơn một lần gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với một vụ án dân sự sơ thẩm. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bao gồm cả thời hạn gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

 Quan điểm thứ hai: Chỉ được một lần gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với một vụ án dân sự sơ thẩm. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, không được tiếp tục gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

  Quan điểm thứ ba: Cần phân biệt thành hai trường hợp:

 - Đối với trường hợp “do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”: Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử không phụ thuộc vào việc có bao nhiêu lần tạm đình chỉ trong quá trình giải quyết của một vụ án dân sự sơ thẩm. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bao gồm cả thời hạn gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Bởi vì, sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan là nguyên nhân khách quan, tác động từ bên ngoài đối với quá trình giải quyết một vụ án dân sự sơ thẩm. Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng không thể “làm chủ” được trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

 - Đối với trường hợp “vụ án có tính chất phức tạp”: Đây là nhận định mang thiên hướng chủ quan hơn của Tòa án, của những người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và khi đã nhận định “vụ án có tính chất phức tạp” thì đây sẽ là vụ án có tính chất phức tạp và có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần đối với lý do này. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, lúc này vụ án không thuộc trường hợp được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử với lý do “vụ án có tính chất phức tạp” nữa, vì không thể cùng một vụ án dân sự sơ thẩm, cùng một lý do“vụ án có tính chất phức tạp” mà gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử hơn một lần, kéo dài thời gian giải quyết vụ án một cách không cần thiết, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong vụ án.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ ba, rất mong nhận được trao đổi, đóng góp cùng quý bạn đọc. Trong thời gian tới, rất mong Tòa án nhân dân tối cao sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để Tòa án các cấp áp dụng đúng pháp luật./.

         

TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử vụ án dân sự – Ảnh: Cẩm Linh/ VKSND QN

 

 

 

TRƯƠNG THỊ DIỄM MY (Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông)