Giá trị Bản Tuyên ngôn Độc lập và nỗ lực vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Cách đây 76 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Bản Tuyên ngôn bất hủ chứa đựng những giá trị thời đại to lớn, đánh dấu cuộc hồi sinh vĩ đại của toàn dân tộc sau gần 100 năm lầm than, nô lệ.

Giá trị lịch sử và âm hưởng của Bản Tuyên ngôn Độc lập 

Trước năm 1945, Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới. Khi đó thế giới chỉ biết đến Việt Nam là xứ Đông Dương thuộc Pháp. Cho đến khi có bản Tuyên ngôn độc lập, đất nước ta đã trải qua 87 năm lầm than, khổ cực dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. 

Trong giai đoạn này, những vị vua yêu nước như Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân bị đàn áp, lưu đày, triều đình phong kiến còn lại hầu hết chỉ là bù nhìn, phản động. Các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh đòi độc lập, quyền tự chủ cho đất nước đều bị dìm trong bể máu. Người dân một cổ hai tròng, sống đời nô lệ, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen, bị bần cùng hoá đến mức không còn đường sống. Thực dân Pháp bòn rút tài nguyên, khoáng sản của đất nước, chúng chia nước ta làm 3 miền để dễ bề cai trị. Về văn hoá, thực dân Pháp đã thi hành chính sách đầu độc, ngu dân đồng thời truyền bá văn hoá và giáo dục của Pháp để phục vụ cho chính sách thuộc địa của mình. Mục đích của những chính sách đó là nhằm nô dịch tinh thần quần chúng, biến quần chúng thành những đám đông tự ti, khiếp nhược trước sức mạnh của văn minh đại Pháp, mất tin tưởng vào khả năng và tiền đồ của dân tộc, cắt đứt với mọi truyền thống tốt đẹp của đất nước, phục vụ trung thành cho quyền lợi của đế quốc.

Trong bối cảnh đó, dân tộc Việt Nam rất cần một vị lãnh tụ xứng tầm, hiểu rõ bản chất của chế độ thực dân, phong kiến và tình hình đất nước, có đường lối cách mạng đúng đắn, huy động được sức mạnh toàn dân tộc và sức mạnh của thời đại, kêu gọi được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới để giải phóng dân tộc. Vào thời điểm cam go nhất của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lịch sử lựa chọn, Người đi đến quyết định táo bạo, đúng đắn khi tràn đầy ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, trên một tàu buôn của Pháp, Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình ra nước ngoài. Từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Tất Thành đã đi đến các nước Pháp, Mỹ, Anh và rất nhiều thuộc địa của chủ nghĩa thực dân ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình vào cuộc sống của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa ra sức học tập, nâng cao vốn hiểu biết và tìm mọi cách để hoạt động cách mạng. Người nghiên cứu, nghiền ngẫm về các cuộc cách mạng trên thế giới, tìm con đường cho nhân dân Việt Nam đi tới độc lập, tự do, hạnh phúc. 

Đảng Cộng sản Việt Nam được Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 3/2/1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 đã thành công đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14/8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Từ ngày 14 đến 18/8, Tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An. Sáng ngày 19/8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mít-tinh. Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng tỏa đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Bản tuyên ngôn bất hủ khẳng định giá trị, ý nghĩa to lớn của cuộc hồi sinh toàn dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chế độ thực dân, thoát khỏi xiềng xích nô lệ đưa ngọn cờ độc lập, tự do tung bay trên bầu trời Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định Việt Nam là một đất nước đã có chủ quyền; khẳng định truyền thống anh hùng và ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; biểu thị khát khao tự do, quyết tâm và sức mạnh Việt Nam: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(1).

Lịch sử đất nước Việt Nam là quá trình đấu tranh và gìn giữ độc lập dân tộc, bởi vậy, Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là lời thề lịch sử, là tiếng vọng của non sông nhắc nhở thế hệ mai sau tiếp tục truyền thống cha ông phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có vị thế trên trường quốc tế. 

Thế giới đương đại đang có những chuyển biến khó lường, phức tạp với thời cơ và thách thức đan xen, vừa mang đến cho các quốc gia những thời cơ và vận hội to lớn, vừa đặt ra những nguy cơ, thách thức, đe dọa trên nhiều phương diện cả về kinh tế - chính trị - văn hoá… Có thể nêu ra một số hiện tượng, xu hướng nổi bật trong thời gian qua: Trung tâm kinh tế toàn cầu chuyển dịch mạnh về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nước Anh ra khỏi Khối Liên minh Châu Âu (gọi tắt là Brexit), chiến lược của các nước lớn trong thời kỳ mới, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, xu hướng cường quyền, cực đoan trỗi dậy thúc đẩy hình thành trật tự thế giới mới với nhiều xu hướng phức tạp; đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu, chiến lược Vắc-xin của các nước, sự phụ thuộc lẫn nhau trong đại dịch, những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… 

Đất nước ta đã có được độc lập, tự do nhưng mục tiêu phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong mỏi vẫn là một câu hỏi lớn. Việc bình tĩnh suy xét, đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, thời cơ, thách thức của đất nước, đặt ra các mục tiêu khả thi, đưa ra các giải pháp hữu hiệu với tầm nhìn xa trông rộng là điều rất cần thiết trong thời điểm hiện nay; huy động sức mạnh toàn dân tộc đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp với nhiều chiến lược tầm quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tương ứng với các mốc sự kiện 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2030) và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-2045). Cùng với chiến lược quốc gia tổng thể với nhiều chủ đề lớn theo các mốc thời gian trên, các “chiến lược bộ phận” như chiến lược phát triển kinh tế biển, chiến lược năng lượng quốc gia, chiến lược hội nhập quốc tế... cũng được xác định với mong muốn đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, bài học từ các quốc gia đã phát triển thịnh vượng đó là luôn đứng vững trên đôi chân của mình, huy động sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước, tận dụng những cơ hội trong quá trình vận hành của hệ thống kinh tế chính trị thế giới - đây là những kinh nghiệm quý để Việt Nam vận dụng, học hỏi trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ lớn của mình. Để phấn đấu xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường chúng ta cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trên thực tế, bài học nhãn tiền trong lịch sử là sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô, nguyên nhân cơ bản là do những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết là trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Khi Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã không tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng, thoái hoá biến chất của đội ngũ cán bộ chủ chốt...là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ này. 

Bảo vệ Đảng, duy trì sức mạnh lãnh đạo của Đảng là điều kiện để đảm bảo ổn định chính trị. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và cụ thể là công tác kiểm tra của Đảng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tính nguyên tắc của Đảng bảo đảm cho Cương lĩnh chính trị, các nghị quyết, chỉ thị...của Đảng đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả, mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, uy tín, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng, gây hỗn loạn về chính trị, tư tưởng; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng, phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. 

Thứ ba, giữ vững và phát huy tính ưu việt, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy văn hoá, giá trị con người Việt Nam. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng vì một Việt Nam phát triển hùng cường; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hoá, con người Việt Nam, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nhất là tiếp thu những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thổi bùng khát vọng của toàn dân tộc, sự trỗi dậy của cả quốc gia về tâm thức, về trí tuệ, về ý chí vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trên cơ sở tinh thần dân tộc, giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do và làm cho mọi người dân Việt Nam thấu rõ trách nhiệm: Bổn phận - Danh dự - Đất nước, thúc đẩy những giá trị tự hào thiêng liêng của dân tộc trong mỗi người dân Việt. 

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” - đã và đang là mô hình quản trị, cơ chế vận hành hợp lý, khoa học của đất nước ta. Song, cần xây dựng tầm nhìn quốc gia, chiến lược quốc gia trong thế giới đương đại trên cơ sở nhìn nhận, phân tích xu hướng kinh tế - chính trị, sự cân bằng quyền lực và cấu trúc, cách thức vận hành của hệ thống quản trị toàn cầu. Từ đó tìm ra hướng đi xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có vị thế trên trường quốc tế./.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình- Ảnh: Tư liệu

 

 

 

------------------

 (1). Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.3

MẠNH TIẾN