Giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án theo thủ tục rút gọn

Theo thủ tục thông thường, thời hạn giải quyết một vụ án có thể được kéo dài từ 04 đến 08 tháng. Vì vậy, về chủ quan, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không nhất thiết phải xác định loại vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng để giải quyết nhanh hơn, cho nên nhiều vụ án bị kéo dài là điều không tránh khỏi. Do đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được bổ sung thủ tục rút gọn đã đáp ứng được nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, qua nghiên cứu những quy định mới về thủ tục rút gọn, tác giả nhận thấy còn có những hạn chế nhất định.

1. Khái quát về thủ tục rút gọn

1.1. Khái niệm thủ tục rút gọn

Bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng thủ tục tố tụng rút gọn để áp dụng xử lý những vi phạm pháp luật nhỏ, giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện có giá trị thấp, những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng các vi phạm hoặc các tranh chấp phát sinh trong xã hội mà vẫn bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, giảm nhẹ đáng kể chi phí tố tụng, thời gian, công sức của các đương sự cho việc tham gia tố tụng tại Tòa án, đồng thời có tác dụng kịp thời ngăn chặn hạn chế những tác động tiêu cực của việc đó góp phần ổn định xã hội.

Học hỏi kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới đã áp dụng thủ tục rút gọn vào việc giải quyết tranh chấp dân sự đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật như1: Ở Nhật Bản, Tòa án đơn giản có thẩm quyền giải quyết những vụ án liên quan đến yêu cầu có số tiền kiện không vượt quá 1,4 triệu Yên. Luật nước này công nhận các quy định đặc biệt nhằm đơn giản hóa thủ tục khởi kiện, xét xử như việc khởi kiện có thể thực hiện bằng miệng, đương sự không cần phải chuẩn bị văn bản mà chỉ cần có mặt vào ngày tranh luận miệng để nêu ý kiến là đủ. Tòa án khi thấy phù hợp có quyền yêu cầu nộp văn bản thay cho việc hỏi người làm chứng, đương sự hoặc người giám định, không phụ thuộc vào việc các đương sự có phản đối hay không. Ở Trung Quốc, đặc điểm của thủ tục rút gọn tại nước này là hai bên đương sự có thể đồng thời đến Tòa án đề nghị giải quyết tranh chấp. Tùy từng trường hợp, Tòa án có thể xét xử ngay hoặc định một ngày khác; đồng thời, Tòa án có thể thông báo miệng cho các đương sự về nội dung khởi kiện.

Hiện nay, trong tố tụng dân sự ở nước ta, thủ tục rút gọn được hiểu là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật[2]. Trong tố tụng hành chính thủ tục rút gọn được hiểu là thủ tục giải quyết vụ án hành chính khi có các điều kiện theo quy định của pháp luật  nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết vụ án hành chính thông thường nhưng vẫn bảo đảm giải quyết đúng pháp luật[3]. Với những quy định trên, ta có thể hiểu khái quát về thủ tục rút gọn trong tố tụng như sau: Thủ tục rút gọn là một thủ tục đặc biệt được áp dụng đối với những vụ việc rõ ràng, đơn giản nhằm giải quyết nhanh chóng vụ việc nhưng vẫn đúng theo quy định của pháp luật[4].

1.2. Đặc điểm thủ tục rút gọn

Dưới góc độ là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng, thủ tục rút gọn có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, rút ngắn về thời gian tố tụng. Đặc trưng của thủ tục này là thời hạn tiến hành tố tụng có sự rút ngắn so với thủ tục thông thường. Trong thủ tục thông thường, nhà làm luật quy định thời hạn tố tụng tối đa để tiến hành các hoạt động tố tụng ở những giai đoạn tố tụng nhất định nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án chính xác, kịp thời, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đối với một số vụ án nhất định, có thể cho phép giải quyết nhanh hơn so với thời hạn thông thường, nếu áp dụng thời hạn chung để giải quyết thì có thể gây ra sự lãng phí về thời gian, tiền bạc, công sức của các bên tranh chấp và cơ quan tiến hành tố tụng. Với những vụ án đó, pháp luật quy định một thời gian tố tụng ngắn hơn thời hạn thông thường, yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng xử lý vụ án nhanh chóng nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Thứ hai, giản lược về thủ tục tố tụng. Thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với một số vụ án nhất định, do có sự rút ngắn về thời gian so với thủ tục thông thường nên để phù hợp với khoảng thời gian rút ngắn đó, pháp luật cho phép người tiến hành tố tụng không phải thực hiện một số hoạt động tố tụng nhất định và vì vậy lược bớt được một số thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Thứ ba, thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với một số vụ án nhất định. Ở pháp luật tố tụng hình sự, các thủ tục rút gọn chỉ ở những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng,… Hiện nay, BLTTDS Việt Nam cũng quy định thủ tục rút gọn có thể áp dụng cho những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng.

2. Thực trạng của pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn

* Về điều kiện giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn

Theo quy định tại Điều 317 BLTTDS năm 2015, vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện: Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ làm căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ. Các đương sự đều có nơi cư trú, trụ sở rõ ràng, không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về xử lý tài sản.

Nhận thức thế nào là vụ án “có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng”? Có thể hiểu là các tình tiết rõ ràng để Tòa án dễ xác định được sự thật khách quan, thuận lợi trong kiểm tra tính hợp pháp việc khởi kiện của đương sự, điển hình giữa nguyên đơn và bị đơn có hợp đồng tín dụng cụ thể, rõ ràng, các khoản vay được giải ngân, nên bị đơn khó có thể chối cãi trách nhiệm các khoản nợ của mình đối với nguyên đơn. Tuy nhiên, nếu như bị đơn chỉ đồng ý trả khoản tiền là nợ gốc, nhưng không đồng ý thanh toán lãi quá hạn vì cho rằng nguyên đơn đã tính lãi quá cao, tình tiết này có hai ý kiến khác nhau:

Ý kiến thứ nhất, do bị đơn đã phản đối một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nên không thỏa mãn điều kiện đương sự thừa nhận nghĩa vụ để Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn.

Ý kiến thứ hai, vẫn áp dụng được thủ tục rút gọn, vì bị đơn thừa nhận nghĩa vụ trả phần nợ gốc và khoản tiền lãi cho nguyên đơn, bị đơn chỉ không chấp nhận nguyên đơn tính lãi suất quá cao chứ không phải chối bỏ nghĩa vụ trả nợ của mình đối với nguyên đơn. Do vậy, việc còn lại là xác định lãi suất cho phù hợp theo quy định của pháp luật.

Xác định thế nào việc “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”?

“Đương sự”, theo quy định của BLTTDS năm 2015, được xác định gồm cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, trong quan hệ tranh chấp, bên có nghĩa vụ đã thừa nhận nghĩa vụ của mình đối với bên yêu cầu và không đưa ra bất kì phản đối nào so với yêu cầu khởi kiện, sự thừa nhận đó không trái với đạo đức xã hội cũng như không vi phạm điều cấm của pháp luật thì Tòa án xem đó là trường hợp đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ. Cụ thể như nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán khoản nợ vay quá hạn thì phải có sự thừa nhận nghĩa vụ của bị đơn về khoản nợ đó, nếu khoản nợ đó có người thứ ba bảo lãnh thì người bảo lãnh với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan chấp nhận thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

* Những hạn chế khi giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn

Về thời điểm xác định áp dụng thủ tục rút gọn, điểm b khoản 3 Điều 191 BLTTDS năm 2015 quy định, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thể quyết định tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn khi đủ điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015.

Hạn chế đặt ra khi thụ lý hồ sơ vụ án, thẩm phán có phải thông báo cho đương sự biết Tòa án sẽ giải quyết vụ kiện theo thủ tục rút gọn không? Theo quy định tại khoản 1 Điều 318 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và đương sự có quyền khiếu nại quyết định đó.

Một vấn đề nữa được đặt ra là trường hợp Thẩm phán đã quyết định thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn, nhưng sau đó không nhận được sự phản hồi (trả lời bằng văn bản) về nghĩa vụ của các đương sự khác đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thì vụ án đó có tiếp tục giải quyết theo thủ tục rút gọn không? Vì nếu không có sự phản hồi kịp thời của đương sự xem như chưa đủ các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn và nếu như đủ căn cứ xác định được đương sự trong vụ án đã nhận được thông báo của Tòa án về việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn, nhưng vì lý do khách quan họ không thực hiện được việc trả lời. Như vậy, khi chưa có cơ sở xác định họ đã thừa nhận nghĩa vụ của mình theo yêu cầu của nguyên đơn nêu trong đơn khởi kiện, thì vụ án phải được chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Ngược lại, các đương sự không có văn bản trả lời nhưng lỗi không thuộc về họ như không nhận được giấy báo hoặc có nhận được nhưng quá thời hạn quy định (do ghi sai địa chỉ, không đúng tên người nhận, do phát hành văn bản chậm…) thì sẽ giải quyết như thế nào cho hợp lý, để không làm mất đi tính khả thi của thủ tục rút gọn quy định trong BLTTDS năm 2015 và đây cũng là căn cứ xác định trách nhiệm của Thẩm phán, Thư ký, người tống đạt?

 Hạn chế về việc chuyển vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường, theo quy định tại khoản 3 Điều 317 và khoản 4 Điều 323 BLTTDS năm 2015 mới chỉ quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu có tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường, cụ thể là các đương sự không thống nhất nội dung vụ án. Do đó, cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp.

Riêng đối với yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, điểm c khoản 3 Điều 317 BLTTDS năm 2015 quy định bắt buộc phải chuyển sang thủ tục tố tụng thông thường, còn có những hạn chế nhất định vì pháp luật không quy định một cách cụ thể trong trường hợp nào khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì vụ án phải chuyển sang giải quyết thông thường, trường hợp nào áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn giữ nguyên quyết định giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Mặc dù đây là những quy định mới trong tố tụng dân sự nên khi vận dụng sẽ phát sinh những hạn chế nhất định nhưng phải khẳng định rằng thủ tục rút gọn được quy định trong BLTTDS năm 2015 là bước tiến mới của chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, phù hợp yêu cầu đòi hỏi của xã hội, có ý nghĩa pháp lý sâu sắc trong tình hình hiện nay. Thủ tục rút gọn sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án đơn giản, rõ ràng góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng vụ án kéo dài.

Một trường hợp giải quyết án chứng minh cụ thể là[5]: Vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng A và bà HTTL - chủ doanh nghiệp tư nhân HV có vay vốn tại Ngân hàng A. Ngân hàng khởi kiện đòi bà HTTL tổng số tiền nợ gốc là 706.800.000 đồng theo 02 hợp đồng tín dụng như sau: Hợp đồng tín dụng số 12/HĐTD ngày 10/02/2009 vay số tiền 1.500.000.000 đồng, hạn vay 01 năm, lãi suất tại thời điểm cho vay 10,5%/năm, mục đích vay để thu mua chế biến thủy sản. Để bảo đảm cho số tiền vay trên bà HTTL, ông LMP, ông LVD, ông LHV có ký các Hợp đồng thế chấp số 12E/BĐTV và Hợp đồng thế chấp số 12D/BĐTV, Hợp đồng thế chấp số 12C/BĐTV cùng ngày 10/2/2009 gồm các tài sản là các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hợp đồng tín dụng số 21/HĐTD ngày 05/10/2010 vay số tiền 130.000.000 đồng, hạn vay 01 năm, lãi suất tại thời điểm cho vay 14,5 %/năm, mục đích vay để thu mua chế biến thủy sản. Để đảm bảo cho khoản vay này, bà HTTL và ông LHV có thế chấp cho Ngân hàng A 01 Giấy đăng ký xe ôtô biển số 84L-32… loại xe đông lạnh do Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh A cấp ngày 29/01/2008 cho ông LHV theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 21/BĐTV ngày 05/10/2010.

Ngày 28/3/2016, đại diện Ngân hàng A có đơn xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với hợp đồng tín dụng số 12/HĐTD ngày 10/02/2009 và rút lại yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 12C/BĐTV; Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 12D/BĐTV và hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất 12E/BĐTV cùng ngày 10/02/2009. Ngân hàng A yêu cầu bà L phải trả số tiền vay còn lại là 118.800.000 đồng và phần lãi tính đến ngày 23/5/2016 là 149.836.184 đồng, tổng cộng gốc và lãi là 268.636.184 đồng. Nếu bà L không thực hiện nghĩa vụ thì yêu cầu được xử lý tài sản thế chấp còn lại là chiếc xe ôtô biển số 84L-32… và yêu cầu bà L tiếp tục trả lãi trên số nợ gốc chưa trả với lãi suất nợ quá hạn cho đến khi tất toán các khoản nợ trên cho Ngân hàng.

Bị đơn HTTL thừa nhận có đứng tên đại diện Doanh nghiệp Tư nhân HV ký kết Hợp đồng tín dụng số 12/HĐTD ngày 10/02/2009 và Hợp đồng tín dụng số 21/HĐTD ngày 05/10/2010 với lãi suất và số tiền vay, mục đích vay đúng như ngân hàng đã yêu cầu. Bà thừa nhận có nợ ngân hàng tổng số tiền gốc là 706.800.000 đồng, về phần lãi thì bà không rõ yêu cầu Tòa án giải quyết theo pháp luật. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông LHV trình bày: ông cũng thừa nhận nợ như trong hợp đồng vay nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp của vợ chồng ông chưa có tiền trả nợ cho ngân hàng. Như vậy, đối với vụ án này, các bên đã thừa nhận nghĩa vụ và tài liệu chứng cứ đã được cung cấp đầy đủ, rõ ràng nên có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.

3. Đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn

Kể từ ngày 01/7/2016, khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, hình thức và nội dung đơn khởi kiện được áp dụng theo quy định tại Điều 189 BLTTDS năm 2015, các văn bản biểu mẫu tố tụng thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn. Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 191 BLTTDS năm 2015 và việc trả lại đơn khởi kiện phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2015, nếu vi phạm thời hạn xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án sẽ làm mất đi tất cả các ý nghĩa của quy định thời hạn chuẩn bị xét xử nói chung và mục đích, ý nghĩa của một thủ tục tố tụng đơn giản, gọn nhẹ nói riêng. Những nỗ lực làm đơn giản, ngắn gọn của quá trình tố tụng sẽ không có ý nghĩa nếu như không xử lý được sự trì hoãn của giai đoạn tiền tố tụng này.

Đối với những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn, Tòa án không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vì tính chất của những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn là đơn giản, rõ ràng, các đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ và Tòa án không cần phải thu thập tài liệu chứng cứ. Sau khi lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 và Điều 204 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, do duy nhất một thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định. Như vậy, thời hạn đưa vụ án dân sự ra xét xử theo thủ tục rút gọn đã rút ngắn lại so với thủ tục thông thường là 15 ngày. Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn phải gửi ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp nghiên cứu. Trường hợp Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015 theo thủ tục rút gọn, Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện Kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện Kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án. Như vậy, có thể nhận thấy, đây là bước tiến mới giúp rút ngắn và hạn chế thời gian nghiên cứu hồ sơ cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác, tiết kiệm thời gian tham gia tố tụng. Cụ thể, trong khi thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường là 04 tháng, nếu vụ án có tính chất phức tạp thì Chánh án có quyền gia hạn thêm 02 tháng là 06 tháng, còn đối với giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn thì thời hạn chỉ còn 40 ngày và trong thủ tục rút gọn không có quy định gia hạn giải quyết vụ án.

Tham khảo một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, thời hạn giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn là không quá 03 tháng; Hàn Quốc là 2,5 tháng so với thủ tục thông thường là 06 tháng. Thời gian trung bình giải quyết xong một vụ kiện có giá trị nhỏ ở Anh là 31 tuần. Đặc biệt, có một số nước khi áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết đối với việc ra lệnh thanh toán, thủ tục này được rút ngắn có khi chỉ vài tuần kể từ thời điểm thụ lý yêu cầu như các nước Nga, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Thời gian giải quyết vụ việc nhỏ tại Hoa Kì là từ 02 đến 03 tháng kể từ ngày nguyên đơn nộp đơn kiện[6].

Theo quy định tại khoản 2 Điều 316 BLTTDS năm 2015 về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn, những nội dung không quy định trong phần thủ tục rút gọn thì được áp dụng những quy định khác của bộ luật này để giải quyết. Đây cũng là một hướng mở tạo sự linh hoạt trong giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Có thể khẳng định rằng trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự được áp dụng theo thủ tục rút gọn là quy định mới mang tính chất tiến bộ của BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, nội dung các quy định này có những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến quá trình tiến hành tố tụng cần làm rõ để việc vận dụng pháp luật không phải gặp trở ngại do nhận thức, cụ thể gồm:

Sau khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn theo Điều 318 BLTTDS năm 2015, thời hạn gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn cho đương sự và viện kiểm sát là trong ngày liền kề của ngày ra quyết định, vì nếu quy định gửi ngay trong ngày ra quyết định mà lý do khách quan nào đó Tòa án không gửi được thì sẽ vi phạm thủ tục tố tụng.

Vấn đề về khiếu nại của đương sự đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền và thực hiện quyền khiếu nại của mình, có thể thể hiện ý kiến khiếu nại bằng văn bản hoặc bằng lời nói, trong nội dung đơn khiếu nại phải thể hiện được ý kiến của bản thân đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn của Tòa án, chứng cứ chứng minh cho việc khiếu nại của mình, đưa ra những chứng cứ làm phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; yêu cầu đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới tham gia tố tụng; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; đưa ra chứng cứ chứng minh có phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015[7].

Vấn đề về thẩm quyền kiến nghị của Viện Kiểm sát đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 319 BLTTDS năm 2015, luật chưa quy định rõ thẩm quyền kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát hay Kiểm sát viên. Điều này có thể xác định việc kiến nghị đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử thuộc thẩm quyền của Kiểm sát viên được phân công phụ trách vụ án có quyền ban hành văn bản kiến nghị về việc không thống nhất với quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn của Tòa án, điều đó cũng thể hiện được sự tương đồng về thẩm quyền giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên.

 Về việc giữ nguyên quyết định xét xử theo thủ tục rút gọn, qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng sau khi quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường vì có tình tiết mới nhưng việc xuất hiện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đương nhiên làm cho vụ án phải được giải quyết theo thủ tục thông thường, nếu như các đương sự trong quan hệ tranh chấp đó vẫn thừa nhận nghĩa vụ đối với người có quyền lợi liên quan hoặc người có nghĩa vụ liên quan thừa nhận nghĩa vụ đối với các đương sự trong vụ án đó và các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 vẫn thỏa mãn. Tương tự, việc phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập cũng không đương nhiên làm cho vụ án phải chuyển sang giải quyết theo tố tụng thông thường, nếu như các nghĩa vụ theo yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thừa nhận và các tiêu chí khác tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 vẫn được đáp ứng đối với yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập, không đương nhiên dẫn đến hệ quả vụ án phải chuyển sang giải quyết theo tố tụng thông thường, Thẩm phán vẫn tiến hành giải quyết theo thủ tục rút gọn như ban đầu, chỉ cần thu hồi quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường, khôi phục lại quyết định xét xử theo thủ tục rút gọn, có như vậy mới tạo được sự linh hoạt trong giải quyết vụ án.

Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn giữ nguyên thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án, trên thực tế áp dụng biện pháp pháp khẩn cấp tạm thời không làm phát sinh thêm tính phức tạp đối với vụ án tranh chấp mà chỉ là một biện pháp bảo toàn tài sản tranh chấp được quy định tại Điều 111 BLTTDS năm 2015 là:

“Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”[8].

Như vậy, Tòa án hoàn toàn có thể ra một trong các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 114 BLTTDS năm 2015 trước khi có bản án, quyết định chính thức của Tòa án theo thủ tục rút gọn mà không cần thiết phải chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường vì nội dung của sự việc vẫn đơn giản, rõ ràng.

Đối với đơn khởi kiện và văn bản trả lời đơn kiện của đương sự, được quy định tại Điều 98 và Điều 190, 196 BLTTDS năm 2015, cần xác định đơn khởi kiện và văn bản trả lời đơn khởi kiện của đương sự cũng được coi là bản khai của đương sự để có thể thống nhất áp dụng nhằm gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

4. Kết luận

Nếu có tranh chấp xảy ra và được giải quyết tại Tòa án thì rõ ràng các bên đương sự đều mong muốn phía Tòa án giải quyết nhanh các tranh chấp đó để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của họ. Vì nếu vụ án giải quyết bị kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích chính đáng của đương sự và việc đi lại nhiều lần mất thời gian, tiền của và công sức, bên cạnh đó số lượng vụ án do Tòa án thụ lý giải quyết bị tồn đọng, kéo dài. Để khắc phục tình trạng trên, nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn trong tiến trình cải cách tư pháp, thủ tục rút gọn được bổ sung trong BLTTDS năm 2015 như một giải pháp tích cực để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các bên tranh chấp có một quy trình tố tụng nhanh nhất mà vẫn đảm bảo đúng pháp luật. Tuy nhiên, do đây là một quy định mới được ghi nhận trong BLTTDS nên quá trình áp dụng pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong bài viết này tác giả phân tích những mặt tích cực và mặt hạn chế của các công trình nghiên cứu khoa học trước đây đồng thời nêu lên thực trạng của việc áp dụng pháp luật để thấy được những thuận lợi và bất cập, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với thực tiễn trong giải quyết các tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án một cách có hiệu quả.

TRỊNH HỮU BÌNH (Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh)

Tài liệu tham khảo

1. Trịnh Hữu Bình, Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án theo thủ tục rút gọn, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Trà Vinh, 2016.

2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

3. Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

4. Đặng Thanh Hoa, Một số vấn đề về thủ tục rút gọn qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 9, số 10 năm, 2016.

5. Trần Anh Tuấn, Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự theo định hướng cải cách tư pháp, Đại học Luật Hà Nội, năm 2010.

6. Trần Anh Tuấn, Về việc xác định phạm vi những vụ kiện được giải quyết theo thủ tục TTDS rút gọn, Tạp chí Luật học, số 02, năm 2002.

7. Trần Đức Mai. Vấn đề thủ tục rút gọn trong TTDS ở nước ta. Tạp chí Tòa án. Năm 1998, số 05.

8. Trần Huy Liệu, Bàn về thủ tục rút gọn trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp nhằm góp phần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tạp chí Luật học, số 05, năm 2001.

9. Tòa án nhân dân tối cao, Một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng BLTTDS, năm 1996.

10. Trương Hòa Bình, Vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử và thành lập Tòa án giản lược trong hệ thống Tòa án nhân dân,  http://www.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/56071985/56494212?p_page_id=56071985&p_cateid=56077102&item_id=56660064&article_details=1, truy cập ngày 18/5/2017.

11. Phạm Thị Hồng Đào, Thủ tục rút gọn theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1986, truy cập ngày 18/5/2017.

12. Nguyễn Thị Minh, Thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?p_page_id=27677461&pers_id=28346379&folder_id=&item_id=155677031&p_details=1,  truy cập ngày 18/5/2017.


1 Hoàng Yến, Thủ tục rút gọn tại một số nước, http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID+766>, truy cập ngày 07/9/2017.

[2] Khoản 1 Điều 316 BLTTDS năm 2015.

[3] Khoản 1 Điều 245 Luật Tố tụng hành chính 2015.

[4] Trịnh Hữu Bình, Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án theo thủ tục rút gọn, Luận văn Thạc sĩ Trường Đại học Trà Vinh, 2016.

[5] Theo Bản án số 01/2016/KDTM-ST ngày 23/5/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh T.

[6] Civil cases. Open justice, The truth about civil cases, http://open.justice.gov.uk/courts/civil-cases/, truy cập ngày 07/9/2017.

[7] Điểm c khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 quy định: “Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản”.

[8] Khoản 1, 2 Điều 111 BLTTDS năm 2015.

Phiên tòa sơ thẩm rút kinh nghiệm vụ án dân sự về “Tranh chấp quyền sử dụng đất” tại TAND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Thanh Tùng.