Giải quyết tranh chấp đòi bồi thường chi phí đào tạo

Để phù hợp với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa chung hiện nay, Việt Nam đã và đang có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài, trong số đó dự án được ưu tiên đầu tư không thể không nói đến là dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ…) ở nước ngoài. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tác giả muốn bàn luận đến việc sau khi có được những tấm bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ… có giá trị, họ có thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết với Nhà nước trước khi đi du học không? Nếu họ không trở về Việt Nam làm việc hoặc có trở về Việt Nam làm việc nhưng làm việc chưa đủ thời gian theo hợp đồng đã ký kết mà đã bỏ việc thì trách nhiệm của họ thế nào? Khi xảy ra tranh chấp, áp dụng quy định pháp luật nào để giải quyết?...

Một vụ án cụ thể

Thời gian gần đây, số vụ án tranh chấp về lĩnh vực này đưa ra Tòa án giải quyết tăng đáng kể, có những địa phương thụ lý vài chục vụ án trong cùng một thời điểm và có thể trong tương lai các vụ án về loại việc này sẽ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, thực tiễn khi xem xét giải quyết các vụ việc này, còn có nhiều quan điểm khác nhau. Sau đây là vụ án điển hình tác giả xin đưa ra để bình luận.                              

Chị Hà Thanh A được Ủy ban nhân dân thành phố ĐN (sau đây viết tắt là UBND ĐN) phê duyệt tham gia “Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước cho học sinh Trường trung học phổ thông chuyên LQĐ” (nay là Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao) ngành học sư phạm tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học ĐN, khóa học 2004-2008.

Ngày 15-11-2004, giữa chị A và Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố ĐN (sau đây viết tắt là Trung tâm ĐN) đã ký kết Hợp đồng số 14/HĐ, với nội dung: Chị A đi học đại học ở Anh 4 năm không phải đóng học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí 9.600.000 đồng/năm. Sau khi tốt nghiệp chị A phải làm việc tại thành phố ĐN trong thời gian 07 năm trở lên và chấp hành sự phân công công tác của tổ chức. Chị A cùng với đại diện gia đình (ông Hà Phước N là bố đẻ của chị A) liên đới chịu trách nhiệm bồi thường gấp 05 lần toàn bộ kinh phí do thành phố ĐN hỗ trợ nếu không thực hiện đúng hợp đồng. Thực tế, chị A và ông N đã nhận tiền đào tạo là 38.400.000 đồng.

Sau khi chị A tốt nghiệp bậc đại học, ngày 06-10-2008 Sở Ngoại vụ thành phố ĐN (Sở Ngoại vụ ĐN) đã ban hành Quyết định số 2385/QĐ về việc bố trí chị A công tác tại Sở Ngoại vụ ĐN, ngạch chuyên viên, kể từ ngày 13/10/2008.

Ngày 15-10-2008, giữa chị A và Sở ngoại vụ ĐN đã ký kết Hợp đồng lao động, với thời hạn 03 năm.

Ngày 16-8-2010, UBND ĐN ban hành Quyết định 6103/QĐ về việc cử chị A đi học thạc sỹ chuyên ngành phát triển Đông Nam Á và kinh tế toàn cầu tại Đại học Biristol, Vương Quốc Anh, thời gian học 01 năm theo Đề án “Đào tạo 100 Thạc sĩ, Tiến sĩ của thành phố ĐN tại các cơ sở nước ngoài” bằng ngân sách nhà nước (nay là Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao).

Ngày 10-9-2010, giữa chị A và Trung tâm ĐN đã ký kết Hợp đồng số 36/HĐ, với nội dung: Sau khi tốt nghiệp chị A phải làm việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố ĐN theo quy định ít nhất là 07 năm. Chị A sẽ chịu trách nhiệm bồi thường gấp 05 lần toàn bộ chi phí đào tạo đã được cấp nếu không thực hiện đúng cam kết, không chấp hành sự phân công, bố trí công tác. Thực tế, chị A đã nhận số tiền đào tạo là 692.052.212 đồng.

Tháng 11/2011, chị A hoàn thành chương trình thạc sĩ và trở về công tác tại Phòng lãnh sự – Việt kiều, thuộc Sở Ngoại vụ ĐN.

Ngày 15-11-2011, giữa Sở Ngoại vụ ĐN và chị A đã ký kết Hợp đồng lao động có thời hạn 03 năm.

Ngày 04/12/2012, chị A có nguyện vọng được tiếp tục học tiến sĩ tại Đại học Biristol, Vương Quốc Anh với đề tài luận án tiến sỹ là nghiên cứu chuyên sâu “tác động của Trung Quốc về mặt chính trị và kinh tế đối với các nước Đông Nam Á” dưới sự hướng dẫn và tài trợ kinh phí bởi giáo sư YC.

Ngày 28/12/2012, Thường trực Ban chỉ đạo đề án có Công văn số 2014/CV/TCTU thông báo Ban chỉ đạo đề án chưa xem xét cho chị A tiếp tục học Tiến sĩ trong thời điểm hiện nay.

Ngày 17/01/2013, Trung tâm ĐN nhận được Công văn số 95/SNV-VP của Sở Ngoại vụ ĐN thông báo về việc chị A không chấp hành ý kiến Thường trực Ban chỉ đạo đề án và tự ý nghỉ việc để đi học. Sở Ngoại vụ ĐN đã 03 lần phát hành văn bản yêu cầu chị A trở lại làm việc tại cơ quan. Tuy nhiên, chị A vẫn không có phản hồi và không trở về cơ quan công tác.

Căn cứ Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật có liên quan, ngày 27/4/2013, Sở Ngoại vụ ĐN đã ra Quyết định thi hành kỷ luật lao động đối với chị A với hình thức sa thải và chấm dứt hợp đồng lao động với chị A kể từ ngày 02/5/2013. Đồng thời, yêu cầu chị A và gia đình liên đới chịu trách nhiệm bồi thường gấp 05 lần toàn bộ kinh phí đào tạo (lý do: Chị A tự ý nghỉ việc, tự ý đi nước ngoài khi chưa có quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm những quy định của đề án, không thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết). Số tiền chị A và ông N đã nhận từ ngân sách thành phố khi tham gia đề án: Bậc đại học là 38.400.000đ, Bậc thạc sĩ là 692.052.212 đồng nên chị A và ông N phải liên đới bồi thường gấp 05 lần kinh phí đã cấp là 3.661.261.060đ. Tuy nhiên, theo chủ trương thì điều chỉnh mức phạt gấp 02 lần là 1.464.504.424 đồng. Nay đã quá thời hạn yêu cầu bồi thường nhưng chị A và ông N vẫn chưa bồi thường.

Do đó, UBND ĐN có đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố ĐN yêu cầu chị A và ông N liên đới bồi thường số tiền là 1.464.504.424 đồng (bồi thường gấp 02 lần chi phí đào tạo).

Quan điểm giải quyết vụ án

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về giải quyết vụ án.

Quan điểm thứ nhất:

Căn cứ vào Hợp đồng lao động ký kết ngày 15/10/2008 và Hợp đồng lao động ký kết ngày 15-11-2011 giữa Sở Ngoại vụ ĐN và chị A, với thời hạn 03 năm và Quyết định 714/QĐ ngày 03-5-2013 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị A, có cơ sở xác định chị A là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn, chị A không phải là công chức nên thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động.

Áp dụng quy định tại Điều 43 và Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2012 đối với vụ án này thì: Chị A phải hoàn trả toàn bộ chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài) cho người sử dụng lao động. Có nghĩa là, chị A phải bồi thường cho UBND ĐN số tiền là : 38.400.000 đ + 692.052.212 đ = 730.452.212 đ.

Như vậy, thỏa thuận về việc bồi thường gấp 05 lần chi phí đào tạo là trái pháp luật, không phù hợp với quy định của Bộ luật lao động 2012 nên việc UBND ĐN yêu cầu chị A phải bồi thường gấp 02 lần chi phí đào tạo là cũng không đúng (mà chỉ có cơ sở chấp nhận chị A phải bồi thường cho UBND ĐN 730.452.212 đ).

Quan điểm thứ hai:

Tại Thông tư số 75/2000/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 20-7-2000 của Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Tài chính quy định: Đối tượng điều chỉnh của Thông tư là cán bộ, công chức, học sinh đại học và sau đại học được cử đi học từ năm 1999-2000 trở đi và các đối tượng khác được cử đi học nghề, thực tập sinh.

Trường hợp của chị A là “học sinh đại học” được cử đi học năm 2004-2008 và là “công chức” được cử đi học năm 2010-2011 nên thuộc đối tượng áp dụng Thông tư 75 nêu trên.

Tại tiểu mục 5.2 mục 5 phần I Thông tư 75 quy định: mức bồi hoàn 100% tổng chi phí đào tạo, trường hợp được xem xét giảm thì mức giảm tối đa là 50% số tiền phải bồi hoàn. Áp dụng trong vụ án này thì: Chị A phải bồi thường cho UBND ĐN mức cao nhất là toàn bộ chi phí đào tạo: 38.400.000 đ + 692.052.212 = 730.452.212 đ (và có thể được xét giảm tối đa 1/2).

Như vậy, việc thỏa thuận chị A bồi thường gấp 05 lần chi phí đào tạo (nếu vi phạm) là không phù hợp với quy định của Thông tư 75 nêu trên. Không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của UBND ĐN đòi chị A bồi thường gấp 02 lần chi phí đào tạo; chỉ có cơ sở chấp nhận chị A phải bồi thường cho UBND ĐN 730.452.212 đ (có thể xét giảm tối đa ½).

Quan điểm thứ ba:

Hợp đồng giữa chị A với UBND ĐN có thỏa thuận về bồi thường chi phí đào tạo gấp 05 lần (nếu chị A vi phạm) là thỏa thuận dân sự tự nguyện, không trái pháp luật. Thực tế, chị A đã thừa nhận có vi phạm hợp đồng nên việc UBND ĐN chỉ yêu cầu chị A bồi thường gấp 02 lần số tiền đã nhận (ít hơn so với thỏa thuận 03 lần) là đã có lợi cho chị A, phù hợp với quy định tại Điều 283, 308, 389 và 422 Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của UBND ĐN: Buộc chị A phải bồi thường 1.464.504.424 đ (gấp 02 lần chi phí đào tạo).

Quan điểm thứ tư:

Đối với Hợp đồng số 14/HĐ ngày 15-11-2004 (đào tại Đại học): Căn cứ Hợp đồng thì bên ký kết cho đi đào tạo là đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo và Trường trung học phổ thông LQĐ còn bên được đào tạo tham gia ký kết là chị A và ông N (bố  chị A). Thời điểm này, chị A chỉ là học sinh, ông N ký với tư cách là người bảo lãnh, nên xác định đây là thỏa thuận dân sự. Hai bên thỏa thuận trách nhiệm bồi thường gấp 05 lần kinh phí đào tạo, nếu sau khi tốt nghiệp đại học chị A không về làm việc tại ĐN. Tuy nhiên, sau khi ra trường chị A đã về công tác tại Sở Ngoại vụ ĐN nên trong trường hợp này chị A không vi phạm Hợp đồng đào tạo. Do đó, chị A không phải chịu phạt đối với Hợp đồng này.

Đối với Hợp đồng số 36/HĐ ngày 10-9-2010 (đào tạo Thạc sĩ): Căn cứ Quyết định số 2385/QĐ ngày 06/10/2008 của Sở Ngoại vụ ĐN (về việc tiếp nhận và bố trí công tác đối với chị A ngạch chuyên viên và hưởng 100% lương bậc 1); Quyết định số 6103/QĐ ngày 16/8/2010 của UBND thành phố ĐN (về việc cử cán bộ đi học Thạc sĩ ở nước ngoài); Quyết định số 1887 ngày 01/11/2011 (về việc tiếp nhận chị A – chuyên viên về làm việc tại Phòng Lãnh sự -Việt kiều, sau khi chị A học xong thạc sĩ) và Điều 1 Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 2003; Điều 4 Luật công chức năm 2010, có cơ sở xác định chị A đi học với tư cách là cán bộ, công chức. Vì vậy, Hợp đồng 36/HĐ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ quy định về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức.

Áp dụng quy định tại Điều 13 Nghị định 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ trong trường hợp này thì: Chị A chỉ phải làm việc tại Sở Ngoại vụ ĐN tối đa là 3 lần số năm đào tạo (tức là 03 năm), nên nội dung ký kết chị A phải làm việc ít nhất 7 năm (sau khi tốt nghiệp) là sai. Đồng thời, cũng theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 13 của Nghị định này thì chị A chỉ phải chịu bồi thường đối với số năm mà mình chưa công tác theo quy định là: 36 tháng – 14 tháng = 22 tháng (vì sau khi học xong thạc sỹ, chị A đã làm việc tại Sở Ngoại vụ ĐN 14 tháng).

Như vậy, chị A phải bồi thường UBND ĐN số tiền là: 22 tháng/36 tháng x 692.052.212 đồng = 422.920.976 đồng. Không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của UBND ĐN đòi chị A bồi thường 1.464.504.424 đ (gấp 02 lần chi phí đào tạo).

Đồng tình với quan điểm thứ ba

Theo tác giả thì quan điểm thứ ba là đúng, bởi lẽ : Theo nguyên tắc chung của các Bộ luật dân sự qua các thời kỳ thì: “Thỏa thuận” được ưu tiên áp dụng, trừ trường hợp “thỏa thuận” vô hiệu, nếu thỏa thuận vô hiệu thì mới áp dụng quy định của pháp luật. Áp dụng nguyên tắc này trong vụ án, thấy:

Hợp đồng số 14/HĐ ngày 15/11/2004 được điều chỉnh theo Bộ luật dân sự năm 1995, nên nội dung thỏa thuận phạt gấp 05 lần chi phí đào tạo là trái với quy định tại Điều 378 Bộ luật dân sự năm 1995 (phạt vi phạm hợp đồng không quá 5%). Tuy nhiên, năm 2008 chị A mới về công tác tại ĐN và theo Hợp đồng thì chị A phải làm việc ít nhất là 7 năm. Thời điểm này (năm 2008), Bộ luật dân sự năm 2005 đã có hiệu lực pháp luật; Hợp đồng số 14/HĐ là hợp đồng đang thi hành. Tại Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định không hạn chế về mức phạt vi phạm hợp đồng. Do vậy, thỏa thuận của Hợp đồng số 14/HĐ phù hợp với Bộ luật dân sự năm 2005 và trở thành thỏa thuận hợp pháp.

Hợp đồng số 36/HĐ ký ngày 10/9/2010 là thời kỳ thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 nên thỏa thuận về mức phạt là phù hợp với quy định tại Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2005 và được xác định là hợp pháp.

Thời điểm vi phạm hợp đồng là năm 2013, đối với Hợp đồng 14/HĐ và Hợp đồng 36/HĐ là thời kỳ thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, thỏa thuận phạt 05 lần được xác định là hợp pháp nên phải được ưu tiên áp dụng (không phải xem xét các quy định khác). Do đó, UBND ĐN yêu cầu chị A bồi thường gấp 02 lần chi phí đào tạo (nhẹ hơn mức thỏa thuận) là không trái pháp luật, có cơ sở chấp nhận.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả. Trong thực tiễn, việc vận dụng pháp luật để giải quyết vụ án nêu trên, cũng như các vụ án tương tự là vấn đề gây ra nhiều tranh luận và còn có nhiều quan điểm khác nhau. Để đi đến thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các bạn.

 

 

 

 

 

LÝ VƯƠNG THẢO ( Trường Đại học Luật Hà Nội)