
Giải quyết tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty tại Tòa án và một số kiến nghị
Bài viết này tác giả phân tích những quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty tại Tòa án và việc áp dụng những quy định này vào trong thực tiễn đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện vấn đề này.
Đặt vấn đề
Xã hội ngày càng phát triển thì những tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty ngày càng nhiều, đây là một nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển. Pháp luật về giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty đã được quy trong BLTTDS 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Tuy nhiên, pháp luật về giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty, tại Tòa án Việt Nam còn có những bất cập, vướng mắc, chưa có tính hệ thống và còn đôi chỗ thiếu hoặc thừa dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng. Căn cứ vào nội dung điều chỉnh pháp luật, tác giả phân tích các nội dung trên một cách hệ thống.
1. Nội dung quy định pháp luật hiện hành
1.1 Nguyên tắc cơ bản
Thứ nhất, nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp
Trong pháp luật tố tụng, quyền tự định đoạt của đương sự biểu hiện ở khả năng khi tham gia tố tụng, các đương sự tự do định đoạt nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 5 BLTTDS 2015, theo đó “1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó; 2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”. Quyền định đoạt của đương sự được thể hiện qua nội dung của một số quyền khác trong quá trình giải quyết vụ án nư: Quyền thay đổi yêu cầu, bổ sung yêu cầu hoặc rút các yêu cầu khởi kiện của mình; các đương sự cũng có quyền hòa giải, thương lượng với nhau nhằm giải quyết vụ án; và quyền đưa ra chứng cứ và chứng minh để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, ngoài ra đương sự cũng có quyền kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm nếu cho rằng bản án giải quyết không đúng quy định pháp luật và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, các bên tham gia trong quá trình giải quyết tranh chấp bình đẳng trước pháp luật
Theo quy định tại Điều 8 BLTTDS 2015 quy định: “1. Trong tố tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án; 2. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự”. Khi các chủ thể tham gia quan hệ sản xuất kinh doanh đều được pháp luật tôn trọng và đều có quyền bình đẳng như nhau. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho các đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tố tụng.
Thứ ba, các bên tranh chấp có quyền hòa giải với nhau về việc giải quyết vụ án
Về nguyên tắc hòa giải tại Tòa án theo pháp luật Việt Nam được xem là thủ tục bắt buộc khi Tòa án thụ lý vụ án tại Điều 10 BLTTDS năm 2015 của Việt Nam quy định Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Tòa án có trách nhiệm hòa giải hầu hết các vụ án dân sự, trừ những vụ án không được hòa giải và những vụ án không hòa giải được vụ án được hoặc những vụ án thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn.
Pháp luật thực định hiện nay của Việt Nam cũng đã có những quy định về nguyên tắc của hòa giải tranh chấp thương mại cả ngoài tố tụng lẫn trong tố tụng.
Thứ tư, nguyên tắc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời
Nguyên tắc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời được thể hiện trong một số quy định của pháp luật. Chẳng hạn, trong tố tụng kinh doanh thương mại quy định thời gian tố tụng ngắn hơn so với các tố tụng dân sự khác; các quy định rút ngắn thời hiệu, thời hạn; trong quá trình giải quyết vụ án, tòa không cần thực hiện việc chứng minh và thu thập chứng cứ; hạn chế việc giao vụ án cho tòa cấp dưới xét xử lại; hạn chế thấp nhất việc quay vòng vụ án để xét xử lại nhiều lần… Việc quy định như vậy nhằm rút ngắn thời gian cho việc giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ thể, phù hợp với tính chất của hoạt động kinh doanh.
Thứ năm, nguyên tắc xét xử công khai
Điều 103, Hiến pháp 2013 có ghi rõ “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”. Trong kinh doanh, thương mại, bí mật kinh doanh có thể là những phát minh, sáng chế… có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các chủ thể. Những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là những điều không thể tiết lộ, không thể chia sẻ cho tất cả các doanh nghiệp khác biết; nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp bị phá sản. Do đó, các cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu Tòa án xét xử kín để cho các bí mật kinh doanh được đảm bảo[1].
1.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty
Thẩm quyền của Tòa án về giải quyết tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty được quy định tại khoản 4 điều 30 BLTTDS 2015: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty” và được giải quyết theo thủ tục chung về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.
Quy định về những tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án trong BLTTDS 2015 đã có sửa đổi quan trọng so với BLTTDS 2004. Trước đây, Điều 29 BLTTDS 2004, sửa đổi 2011 quy định việc xác định quan hệ tranh chấp nào là tranh chấp kinh doanh thương mại. Theo đó, khi có một trong các loại tranh chấp quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 4 của Điều 29 thì tranh chấp đó thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong đó, quy định tại khoản 4 Điều 29 là quy định mở. Chỉ khi có một văn bản quy phạm pháp luật xác định quan hệ đó là tranh chấp kinh doanh thương mại thì Tòa án vận dụng khoản 4 Điều 29 để thụ lý, giải quyết. Quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 29 BLTTDS 2004 sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa Kinh tế TAND cấp tỉnh, còn khoản 1 sẽ thuộc quy định của TAND cấp huyện.
Bên cạnh đó, để xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án trong các tranh chấp về kinh doanh, thương mại, trước hết Toà án phải xác định tranh chấp phải thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống TAND hay thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại. Cơ sở để phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại của Toà án và trọng tài là thoả thuận trọng tài giữa các bên, nếu các bên đương sự đã có thỏa thuận trọng tài hợp lệ thì việc giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Căn cứ để phân định thẩm quyền theo cấp xét xử đối với các tranh chấp về kinh doanh, thương mại phụ thuộc vào tính chất của tranh chấp và đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần thiết phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự quán của Việt nam hoặc cho toà án nước ngoài. Theo đó, chỉ những tranh chấp cụ thể quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 30 BLTTDS 2015 thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Đây là những tranh chấp diễn ra phổ biến trên thực tế và tính phức tạp không cao. Tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty đối chiếu theo Điều 30 BLTTDS 2015, TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét xử cấp sơ thẩm.
Căn cứ để phân định thẩm quyền theo lãnh thổ tuân theo nguyên tắc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ được quy định tại khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 và thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn theo quy định tại khoản 1 điều 40 BLTTDS 2015. Việc xác định này cũng giống như trong các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình và lao động. Các nguyên tắc cơ bản xác định thẩm quyền theo lãnh thổ bao gồm: (i) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức; (ii) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức; (iii) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.
Tuy nhiên, sau khi thụ lý tranh chấp kinh doanh, thương mại, nếu phát hiện việc giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của mình, thì Tòa án đã thụ lý phải ra quyết định chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết, trong đó cần nêu rõ lý do chuyển hồ sơ vụ án, đồng thời phải thông báo ngay cho nguyên đơn biết. Trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền thì những Tòa án có tranh chấp đó phải báo cáo ngay lên Tòa án cấp trên trực tiếp để Tòa án đó quyết định việc giao cho Tòa án nào giải quyết tranh chấp.
1.3. Trình tự giải quyết tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty tại Tòa án
Thứ nhất, nộp đơn khởi kiện
Công ty hoặc thành viên công ty cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, hình thức, nội dung đơn khởi kiện tuân theo quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015
Thứ hai, về thủ tục thụ lý vụ án
Sau khi nộp đơn khởi, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây: (i) Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết; (ii) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác; (iii) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nếu đơn khởi kiện đảm bảo đúng, đầy đủ nội dung Tòa án tiến hành thụ lý vụ án và gửi Thông báo thụ lý vụ án cho các bên tranh chấp biết việc thụ lý vụ án đồng thời có ý kiến gửi cho Tòa án.
Thứ ba, về giao nộp chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ
Điều 94 BLTTDS 2015 quy định khá rõ chứng cứ được thu thập từ các nguồn: “Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luật giám định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực; các nguồn khác mà pháp luật quy định”. Như vậy, cùng với việc nộp đơn khởi kiện thì nguyên đơn phải cung cấp tài liệu chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và bị đơn nếu phản đối yêu cầu của nguyên đơn thì cũng phải cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối của mình.
Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu như tài liệu, chứng cứ các đương sự không thể cung cấp được thì có thể yêu cầu Tòa án thu thập theo quy định pháp luật.
Thứ tư, về hòa giải vụ án tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty
Khoản 1 Điều 205 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”. Cũng giống như BLTTDS năm 2004, BLTTDS năm 2015 không liệt kê những vụ việc phải tiến hành hòa giải mà quy định theo phương pháp loại trừ. Theo đó, phạm vi hòa giải vụ án kinh doanh thương mại rất rộng, đó là những tranh chấp được quy định tại các Điều 30 BLTTDS năm 2015, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của BLTTDS năm 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Trên cơ sở lời trình bày của các bên, Thẩm phán lập biên bản hòa giải xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu đương sự trình bày bổ sung những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất. Biên bản hòa giải phải có đầy đủ chữ ký của những người tham gia phiên họp.
Khi các bên đương sự đã tìm được tiếng nói chung và thống nhất được phương pháp giải quyết vụ án kinh doanh thương mại trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, không vi phạm điều cấm của luật cũng như đạo đức xã hội thì khi đó, căn cứ Điều 213 BLTTDS năm 2015, (Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự) quyết định này sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Thứ năm, thủ tục xét xử
Theo điểm b khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015, đối với các vụ án kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 30 BLTTDS 2015 là những vụ án phát sinh từ các quan hệ rất nhạy cảm, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời. Vì vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án này là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng đối với vụ án kinh doanh, thương mại. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Theo Điều 222 BLTTDS 2015, phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 BLTTDS 2015. Trong một số trường hợp được quy định tại BLTTDS 2015 thì có thể hoãn phiên tòa, nhưng thời hạn hoãn phiên tòa không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm bao gồm: Chuẩn bị khai mạc phiên tòa; thủ tục bắt đầu phiên tòa; thủ tục hỏi tại phiên tòa; thủ tục tranh luận tại phiên tòa; nghị án và tuyên án.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về giải quyết tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty
2.1.Khi phân định thẩm quyền cho các Tòa chuyên trách thuộc TAND cấp tỉnh, điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP lại xác định, bên cạnh nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS, Tòa Kinh tế lại có thẩm quyền giải quyết “các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”.
Chính sự hướng dẫn không rõ ràng này mà trong thực tiễn việc vận dụng quy định của pháp luật để xác định thẩm quyền của Tòa án có những quan điểm khác nhau. Ví dụ như trước đây theo quy định tại điểm l, khoản 1 Điều 29 BLTTDS 2004, mua bán cổ phiếu thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Tuy nhiên, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó; tức là có hai dạng cổ phiếu đã niêm yết và chưa niêm yết. Vậy đối với cổ phiếu chưa niêm yết có thể xác định tranh chấp giữa người mua cổ phiếu với công ty là tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty và xác định thẩm quyền theo khoản 3 Điều 29 là TAND cấp tỉnh hay vẫn xác định là tranh chấp về mua bán cổ phiếu thuộc điểm l khoản 1 Điều 29 và thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện? Vấn đề này hiện trên thực tế vẫn có quan điểm khác nhau giữa các Tòa và cần sự hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC để giải quyết triệt để.
BLTTDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ các tranh chấp về kinh doanh thương mại phù hợp với Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp..., phân biệt giữa tranh chấp thương mại với tranh chấp dân sự. Tại khoản 4 điều 30 BLTTDS 2015 quy định: “Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”. Quy định này đã mở rộng thẩm quyền của Tòa Kinh tế so với quy định tại BLTTDS 2004 là chỉ những tranh chấp khác về kinh doanh thương mại mà pháp luật quy định là Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay trong thực tiễn xét xử có những khó khăn vướng mắc sau:
Ví dụ: Trong vụ án công ty khởi kiện thành viên công ty, công ty đã chuyển cho ông B một số tiền ông B là giám đốc chi nhánh của công ty, sau đó phát sinh tranh chấp công ty yêu cầu ông B phải trả lại cho ông công ty số tiền trên hiện nay vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau:
Ý kiến nhất cho rằng, tranh chấp là “tranh chấp công ty với thành viên công ty, đòi tài sản” nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh. Bởi vì, số tiền mà công ty chuyển cho ông B là nhằm phục vụ hoạt động của công ty nói chung. Cho nên, căn cứ vào khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 và điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015, tranh chấp này thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.
Ý kiến thứ hai cho rằng, yêu cầu kiện của công ty liên quan đến hoạt động nội bộ của công ty nên không phải là “tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty” mà là “tranh chấp dân sự đòi tài sản” nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện không phải Tòa án cấp tỉnh do nguyên đơn có đơn chọn Tòa án cấp huyện nơi cư trú của bị đơn giải quyết theo quy định tại theo khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015.
Theo ví dụ cùng với các ý kiến nêu trên, tác giả cho rằng quan điểm thứ nhất là phù hợp với quy định của pháp luật. Cho nên, căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 và điểm b khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 thì đây là tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.[2]
2.2.BLTTDS 2015 cũng đã quy định rõ tại khoản 1 Điều 31: “Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp” thuộc những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án để giải quyết vướng mắc liên quan đến xác định yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của ĐHĐCĐ và HĐTV là vụ án kinh doanh thương mại hay yêu cầu kinh doanh thương mại.
2.3.Liên quan đến thẩm quyền theo lãnh thổ, trên thực tế có vướng mắc phát sinh trong việc xác định thẩm quyền đối với tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty như sau: Khi công ty khởi kiện thành viên công ty thì sẽ khởi kiện tại Tòa án nơi thành viên công ty cư trú hay Tòa án nơi đặt trụ sở vì bị đơn chính là thành viên công ty, tranh chấp phát sinh liên quan trong quá trình hoạt động của công ty theo điểm a, khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 do đó cũng cần hướng dẫn cụ thể của Hội đồng thẩm phán TANDTC về trường hợp này.
3. Một số kiến nghị
3.1.Qua ví dụ nêu trên có thể thấy vấn đề xác định là tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty liên quan đến hoạt động của công ty vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau dó đó tác giả kiến nghị TANDTC nên ban hành văn bản hướng dẫn trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty liên quan đến hoạt động của công ty căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 và điểm b khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 thì đây là tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.
3.2.TANDTC nên ban hành văn bản hướng dẫn quy định tại khoản 1 Điều 31: “Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án để giải quyết vướng mắc liên quan đến xác định yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của ĐHĐCĐ và HĐTV là vụ án kinh doanh thương mại do có tranh chấp xảy ra nên đây phải xác định là trường hợp vụ án kinh doanh thương mại chứ không phải là việc dân sự.
3.3.Tác giả kiến nghị TANDTC ban hành văn bản hướng dẫn trong trường hợp xác định thẩm quyền đối với tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty khi công ty khởi kiện thành viên công ty thì sẽ khởi kiện tại Tòa án nơi thành viên công ty cư trú như vậy sẽ phù hợp với thẩm quyền nơi cư trú của bị đơn hơn.
Kết luận
Pháp luật về giải quyết tranh chấp giữa giữa công ty với các thành viên trong công ty tại Tòa án hiện nay có nhiều bất cập do đó khi hoàn thiện vấn đề này thì vụ án sẽ được giải quyết nhanh chống và hiệu quả hơn.
TAND quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng xét xử vụ án tranh chấp lao động, đòi nợ lương... Ảnh: PV
[1] Nguyễn Văn Chương (2017), Thực tiễn giải quyết tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty tại Tòa kinh tế- Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội, tr.23.
[2] Bài viết “Tranh chấp kinh doanh thương mại và việc xác định thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp kinh doanh thương mại” được đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường đại học Kiểm sát Hà Nội https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/117/479 truy cập ngày 14/5/2021.
Bài liên quan
-
Huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả
-
Xử lý phần dân sự trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” – vướng mắc giữa lý luận và thực tiễn áp dụng
-
Cần rút kinh nghiệm trong giải quyết một vụ án tham ô tài sản
-
Giới thiệu những nội dung mới và giải đáp vướng mắc liên quan đến Luật Tư pháp người chưa thành niên
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận