Giải quyết tranh chấp Hợp đồng lao động giữa người lao động và ngân hàng
Đối với hầu hết các ngân hàng, khoản tiền cho vay chiếm quá nửa tổng giá trị tài sản của ngân hàng và tạo ra nguồn thu chính cho ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro trong hoạt động của ngân hàng lại có xu hướng tập trung vào các khoản cho vay…
Các khoản cho vay khó đòi của Ngân hang chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, đó là do một số lãnh đạo, cán bộ ngân hàng quản lý yếu kém hoặc vì lợi ích cá nhân đã cho vay không tuân thủ nguyên tắc tín dụng, chính sách cho vay không hợp lý…
Trong phạm vi bài viết tác giả xin được bàn luận về tranh chấp hợp đồng lao động giữa một bên là người lao động và một bên là ngân hàng. Phần lớn các loại tranh chấp này xảy ra sau khi ngân hàng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động cho vay và phát hiện ra sai phạm của người lao động. Trong trường hợp này, người lao động thường sẽ xin nghỉ việc. Khi đó, ngân hàng sẽ giải quyết thế nào? Người lao động có được quyền nghỉ việc không? Nếu người lao động tự ý nghỉ việc thì quyền lợi, nghĩa vụ của ngân hàng và người lao động được giải quyết như thế nào? Sau đây là ví dụ cụ thể:
Ngày 12-01-2015, Ngân hàng thương mại cổ phần ĐNA (sau đây viết tắt là Ngân hàng ĐNA) có Quyết định số 27/QĐ về việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Lê Tuấn K làm Giám đốc Chi nhánh AG thuộc Ngân hàng ĐNA kể từ ngày 15-01-2011, thời gian thử thách 2 tháng.
Ngày 15-01-2011, giữa ông K và Ngân hàng ĐNA đã ký kết hợp đồng lao động số 191/2011/HĐLĐ-ĐNA, công việc của ông K là Giám đốc Chi nhánh AG, mức lương cơ bản 7.500.000đồng/tháng, thời hạn 01 năm kể từ ngày 15-01-2015 đến ngày 14-01-2016.
Ngày 15-3-2015, Ngân hàng ĐNA có Quyết định số 312/QĐ về việc tiếp nhận làm việc chính thức đối với ông K. Hàng tháng, lương thực lĩnh của ông K là 30.000.000 đồng/tháng.
Ngày 22-10-2015, Ngân hàng ĐNA có Biên bản kiểm tra Chi nhánh AG, nội dung: Chi nhánh AG có nhiều sai sót. Sau đó, ông K có ký “Giấy cam kết”, với nội dung: Ông chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm trong quá trình làm việc tại Ngân hàng ĐNA.
Ngày 08-12-2015, ông K có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngày 10-12-2015, ông K có Biên bản bàn giao công việc và tài sản cho Chi nhánh AG.
Ông K trình bày: Sau khi bàn giao xong công việc, ông đã gửi nhiều thư mail và ngày 15-02-2016, 27-4-2016 ông có văn bản yêu cầu Ngân hàng ĐNA thanh toán tiền lương thực tế ông đã làm trong tháng 12-2015; chốt Sổ bảo hiểm; thanh toán trợ cấp (nếu có) và làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông theo quy định của pháp luật.
Ngày 04-5-2016, Ngân hàng ĐNA có thư mời yêu cầu ông K có mặt tại Văn phòng Chi nhánh vào ngày 07-6-2016 để trao đổi giải quyết việc chấm dứt hợp đồng lao động và đề nghị ông K chuẩn bị các tài liệu văn bản có liên quan để giải trình và chứng minh việc đã khắc phục các công việc còn tồn đọng trong thời gian ông làm việc.
Ngày 07-6-2016, Ngân hàng ĐNA có Biên bản họp (ông K có mặt), nội dung: Ngân hàng ĐNA đề nghị ông K khắc phục những thiếu sót về hồ sơ tín dụng cho vay trong thời gian ông K làm Giám đốc Chi nhánh AG; ông K đề nghị Ngân hàng thanh lý hợp đồng và trả sổ bảo hiểm cho ông.
Ngày 05-7-2016, ông K có đơn khởi kiện ra Tòa án. Nội dung đơn khởi kiện và đơn trình bày trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, ông K yêu cầu Ngân hàng ĐNA ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông, chốt Sổ bảo hiểm và trả Sổ bảo hiểm cho ông; đồng thời, Ngân hàng ĐNA phải bồi thường cho ông vì đã chậm ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và thu nhập chính đáng của ông từ ngày 01-12-2015 đến ngày 10-11-2016 (11 tháng 10 ngày) với số tiền là: 30.000.000 đồng/tháng x 11 tháng 10 ngày = 340.000.000 đồng. Ông K có xuất trình 3 thư mời làm việc của Doanh nghiệp khác đối với ông.
Ngân hàng ĐNA trình bày: Qua các kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ, Ngân hàng ĐNA đã phát hiện trong quá trình ông K đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chi nhánh AG đã có những sai phạm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, quy trình của Ngân hàng ĐNA, gây ra các thiệt hại hoặc có nguy cơ phát sinh thiệt hại cho Ngân hàng ĐNA mà đến nay vẫn chưa khắc phục, giải quyết được hoàn toàn. Theo phiếu xác nhận bàn giao thôi việc ngày 10-12-2016, Ngân hàng ĐNA đã yêu cầu ông K tiếp tục chịu trách nhiệm đối với các sai phạm cá nhân đã nêu trong Biên bản kiểm tra, kiểm soát nội bộ; vì vậy Ngân hàng ĐNA chưa giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông K. Ngân hàng ĐNA đang cân nhắc hậu quả, mức độ thiệt hại để yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ những sai phạm của ông K. Ngân hàng ĐNA đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động, hoàn trả sổ bảo hiểm cho ông K và ông K sẽ được thanh toán đầy đủ tiền lương và phụ cấp (nếu có) cho đến hết ngày 14-01-2016, với điều kiện ông K đồng ý rút đơn khởi kiện và có cam kết bằng văn bản với Ngân hàng ĐNA sẽ chịu trách nhiệm cá nhân trong thời gian làm Giám đốc Chi nhánh AG; cụ thể là: Hợp đồng lao động giữa ông K và Ngân hàng ĐNA hết hạn ngày 14-1-2016 nên Ngân hàng ĐNA chỉ chấp nhận thanh toán cho ông K tiền lương trước khi thôi việc 41.140.043đồng, tiền phép năm 10.961.538 đồng, tổng cộng: 52.101.581 đồng, trừ 914.693 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, còn: 51.186.888 đồng. Ngân hàng ĐNA không chấp nhận yêu cầu của ông K, vì: Ông K có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động ngày 08-12-2015, ông K bàn giao công việc và tự ý nghỉ việc từ ngày 10-12-2015 trong khi Ngân hàng ĐNA chưa có ý kiến gì về đơn xin nghỉ việc của ông K nên ông K đã vi phạm hợp đồng.
Ngày 19-7-2016, Ngân hàng ĐNA có Biên bản họp với ông K về việc giải quyết những vấn đề liên quan đến các khoản cho vay không đúng mục đích, vượt thẩm quyền quy định trong thời gian ông K làm Giám đốc Chi nhánh; ông K có ý kiến ông đã giải trình hoàn tất trong thời gian ông còn đương nhiệm, đề nghị Ngân hàng ĐNA trả lời về đơn xin nghỉ việc của ông. Sau đó, ông K đã nhận Sổ bảo hiểm.
Ngày 10-01-2017, Ngân hàng ĐNA xuất trình tại Tòa án Quyết định số 092/2017/QĐ-TGĐ (bản photo, có đóng dấu treo của Ngân hàng) về việc thanh lý hợp đồng lao động đối với ông K kể từ ngày 10-01-2017 (Quyết định chưa phát hành, nếu ông K rút đơn khởi kiện Ngân hàng ĐNA mới phát hành Quyết định), với nội dung: Ông K được thanh toán tiền lương và các khoản phụ cấp khác đến hết ngày 14-01-2016 theo Bảng tổng hợp công tháng 01-2016, được tham gia và thực hiện các nghĩa vụ BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 12-2015.
Có nhiều quan điểm về hướng giải quyết vụ án:
Quan điểm thứ nhất, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông K nhưng buộc Ngân hàng ĐNA phải thanh toán tiền lương từ 01-12-2015 đến ngày 10-11-2016 cho ông K, bởi lẽ:
Ngày 10-01-2017, Ngân hàng ĐNA ra Quyết định số 092/2017/QĐ-TGĐ về việc thanh lý hợp đồng lao động đối với ông K kể từ ngày 10-01-2017. Tuy Quyết định này là bản phô tô nhưng phía trên Quyết định có có đóng dấu mộc đỏ của Ngân hàng ĐNA và là tài liệu do Ngân hàng ĐNA cung cấp nên cần căn cứ vào chứng cứ này để xem xét, giải quyết vụ án.
Tại mục 6.4.1 Điều 3 của Quyết định số 413/2007/QĐ ngày 21-9-2007 của Ngân hàng ĐNA quy định: Trách nhiệm của Trưởng các đơn vị trực tiếp sử dụng lao động về thời gian phê duyệt đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động là 05 ngày. Thực tế, ngày 08-12-2015 ông K có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động gửi Ngân hàng ĐNA. Tuy nhiên, Ngân hàng ĐNA đã không phê duyệt đơn của ông K trong vòng 05 ngày theo Quyết định nêu trên, mà mãi đến ngày 10-01-2017 (sau hơn 01 năm), Ngân hàng ĐNA mới ra Quyết định số 092/2017/QĐ-TGĐ về việc thanh lý hợp đồng lao động với ông K. Trong khoảng thời gian này, ông K có 03 thư mời làm việc của Doanh nghiệp khác nhưng do chưa có Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Ngân hàng ĐNA nên ông chưa đi làm ở nơi khác được. Như vậy, Quyết định số 092/2017/QĐ-TGĐ ngày 10-01-2017 của Ngân hàng ĐNA đã vi phạm thời gian chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông K, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông K xin việc làm ở nơi khác. Do đó, từ ngày 10-12-2015 đến ngày 10-01-2017 (13 tháng 10 ngày) ông K vẫn còn là người lao động của Ngân hàng ĐNA và ông K được quyền hưởng tiền lương mà ông K chưa được hưởng. Cụ thể là:
Thời gian từ ngày 01-12-2015 đến ngày 10-12-2015 = 10 ngày là tiền lương thực tế ông K được hưởng với chức vụ Giám đốc Chi nhánh AG là 10.000.000 đồng.
Thời gian từ ngày 10-12-2015 đến ngày 10-01-2017 (13 tháng), ông K không trực tiếp tham gia quản lý kinh doanh nên cần xác định mức lương ghi trong hợp đồng lao động 7.500.000 đồng/tháng làm căn cứ tính tiền bồi thường cho ông K, số tiền lương ông K được hưởng 13 tháng là 97.500.000 đồng (không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông K đòi Ngân hàng ĐNA thanh toán 30.000.000 đồng/tháng).
Như vậy, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông K đòi Ngân hàng ĐNA phải trả cho ông tiền lương 340.000.000 đồng; nhưng có cơ sở buộc Ngân hàng ĐNA phải thanh toán tiền lương 13 tháng 10 ngày cho ông K là: 10.000.000 đồng + 97.500.000 đồng = 107.500.000 đồng.
Quan điểm thứ hai không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông K đòi Ngân hàng ĐNA phải bồi thường cho ông tiền lương từ ngày 01-12-2015 đến ngày 10-11-2016:
Ngày 08-12-2015, ông K có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động; ngày 10-12-2015, ông K bàn giao công việc và nghỉ việc từ 10-12-2015. Trong khi đó, ngày 14-01-2016 mới hết hạn Hợp đồng lao động giữa ông K và Ngân hàng ĐNA. Như vậy, ông K tự ý nghỉ việc khi chưa hết hạn hợp đồng lao động và chưa được sự đồng ý của Ngân hàng ĐNA nên phải xác định đây là trường hợp ông K đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông K đòi Ngân hàng ĐNA phải bồi thường cho ông tiền lương từ ngày 01-12-2015 đến ngày 10-11-2016. Trường hợp này chỉ ghi nhận sự tự nguyện của Ngân hàng ĐNA thanh toán cho ông K tiền lương trước khi thôi việc 41.140.043 đồng, tiền phép năm 10.961.538 đồng, tổng cộng: 52.101.581 đồng, trừ 914.693 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, còn: 51.186.888 đồng.
Bởi vì, ngày 15-01-2015, giữa Ngân hàng ĐNA và ông K có ký kết Hợp đồng lao động, công việc của ông K là Giám đốc Chi nhánh AG, hợp đồng có thời hạn kể từ ngày 15-01-2015 đến ngày 14-01-2016. Ngày 08-12-2015 (chưa hết hạn hợp đồng), ông K đã có Đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động. Ông K cho rằng: Khi ông nộp Đơn xin nghỉ việc, Ngân hàng ĐNA yêu cầu ông nghỉ việc luôn, vì vậy ngày 10-12-2015 ông đã bàn giao công việc và tài sản cho Ngân hàng ĐNA. Còn Ngân hàng ĐNA cho rằng: Do ông K có nhiều sai phạm trong thời gian làm việc tại Ngân hàng ĐNA nên Ngân hàng ĐNA chưa giải quyết Đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động của ông K; ngày 10-12-2015 ông K tự ý nghỉ việc là vi phạm pháp luật lao động. Xét lời trình bày này của các bên, thấy:
Theo quy định tại Quyết định 423/2011/QĐ ngày 21-9-2011 của Ngân hàng ĐNA về thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động thì: Đối với trường hợp người lao động có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động, sau khi có phê duyệt của người sử dụng lao động, người lao động mới được bàn giao công việc.
Tuy nhiên, tại Đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động ngày 08-12-2015 của ông K, thể hiện: “Vì hoàn cảnh gia đình không thể tiếp tục công tác nên xin chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn (tối đa ngày 10-12-2015)”, không có ý kiến, phê duyệt của người sử dụng lao động. Có nghĩa là: Khi viết đơn xin nghỉ việc ông K đã tự xác định ngày nghỉ việc của ông tối đa là ngày 10-12-2015 (không phụ thuộc vào việc phê duyệt của người sử dụng lao động).
Tại “Biên bản kiểm quỹ để bàn giao”, “Danh sách tài sản cố định”, “Danh sách công cụ dung”, “Số dư tài khoản thanh toán cá nhân – doanh nghiệp”, “Bảng kê chi tiết số dư sổ tiết kiệm”, “Sao kê tín dụng” và “Tài sản đảm bảo”, thể hiện: Ông K (với tư cách Giám đốc Chi nhánh AG) đã bàn giao công việc cho ông Phan Thế Đ (cũng với tư cách là Giám đốc Chi nhánh AG, chứ không phải là với tư cách đại diện Ngân hàng ĐNA) và 1 số thành viên khác. Đồng thời, tại “Phiếu xác nhận bàn giao thôi việc” ngày 10-12-2015, thể hiện: Ông K làm thủ tục bàn giao công việc với chị Nguyễn Thị B và chị Trần Thị M là cán bộ Chi nhánh AG. Các văn bản bàn giao này đều không có ý kiến của “Cấp quản lý trực tiếp”, “Phòng Pháp chế Hội sở” và “Phòng Kiểm tra, Kiểm soát nội bộ Hội sở” theo mẫu “Phiếu xác nhận bàn giao thôi việc” của Ngân hàng ĐNA quy định. Như vậy, ông K bàn giao công việc không đúng thủ tục theo quy định của Ngân hàng ĐNA.
Thực tế, ông K nghỉ việc kể từ ngày 10-12-2015, nay ông K không đưa ra được chứng cứ chứng minh Ngân hàng ĐNA đồng ý cho ông nghỉ việc vào ngày 10-12-2015.
Do đó, có cơ sở xác định ông K đã tự ý nghỉ việc trước khi hợp đồng lao động hết hạn mà không có lý do theo Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012 và cũng chưa được sự đồng ý, phê duyệt của Ngân hàng ĐNA; có nghĩa là ông K đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Trong khi đó, pháp luật lao động không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Chính vì vậy, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông K về việc buộc Ngân hàng ĐNA phải bồi thường thiệt hại cho ông do Ngân hàng ĐNA không ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông làm ảnh hưởng đến cơ hội xin việc và thu nhập của ông.
Tại Điều 1 Quyết định số 213/2012/QĐ-HĐQT ngày 31-3-2012 về việc sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm 6, 7, 8 và 10 của Quyết định 413/2011/QĐ-HĐQT ngày 21-9-2011 của Ngân hàng về việc ban hành Quy định về thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động quy định:
“a. Bổ sung mục điểm 6.4.1, cụ thể như sau:
a,…
– Đối với trường hợp cán bộ tín dụng/người liên quan trực tiếp đến khoản vay tín dụng có đơn xin nghỉ việc thì Trưởng các đơn vị có trách nhiệm rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ liên quan do cán bộ này quản lý và yêu cầu cán bộ này thực hiện việc giải trình, đề xuất các biện pháp giải quyết các khoản nợ quá hạn/nợ xấu (nếu có) theo quy định tại điểm 7 của Quy định này trước khi ghi ý kiến đề xuất giải quyết chuyển sang Phòng Nhân sự/P.HCNS. Thời gian quy định tối đa trong trường hợp này là 10 ngày
…
- Bổ sung điểm 7 của Quyết định 423/2007/ QĐ-HĐQT, cụ thể:…
– Trường hợp CBNV xin chấm dứt/thanh lý hợp đồng lao động có liên quan đến hoạt động nghiệp vụ để xảy ra rủi ro làm tổn thất về tài sản, ảnh hưởng hoặc đe dọa ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng hoạt động của Ngân hàng, đặc biệt là trường hợp cán bộ Tín dụng quản lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu,… có thể được Ngân hàng chấp thuận nguyên tắc cho nghỉ việc khi thực hiện tốt các công việc sau:
+ Giải trình cụ thể/chi tiết về các khoản nợ xấu/quá hạn, đánh giá về nguyên nhân dẫn đến nợ xấu/nợ quá hạn;
+ Đề xuất các biện pháp và lộ trình giải quyết/thu hồi các khoản nợ này;
+ Ký cam kết về trách nhiệm cá nhân trong việc giải quyết các khoản nợ xấu/nợ quá hạn sau khi có kết luận của đại diện các Phòng tái thẩm định và quản lý rủi ro, Bộ phận xử lý nợ, Ban GĐ/Ban TGĐ về biện pháp và lộ trình giải quyết khoản nợ xấu/nợ quá hạn.
+ Bàn giao toàn bộ các hồ sơ tín dụng hiện đang quản lý trong thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày gửi đơn xin chấm dứt/thanh lý HĐLĐ.
+ Tích cực, hợp tác thực hiện các biện pháp đã được các Phòng ban quy định tại tiểu mục d điểm 6.4.1 để giải quyết dứt điểm các khoản nợ xấu theo đúng thời hạn ghi trong bản cam kết.
- Trường hợp kết thúc thời hạn này, người cam kết không xử lý xong các khoản nợ xấu hoặc thực hiện biện pháp xử lý nợ không hiệu quả thì Seabank sẽ không chấp thuận cho nghỉ việc.
Áp dụng trong trường hợp này thì: Khi có Đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động, ông K phải thực hiện việc giải trình, đề xuất các biện pháp giải quyết các khoản nợ quá hạn/nợ xấu (nếu có) theo quy định tại điểm 7 của Quy định nêu trên và Ngân hàng ĐNA sẽ chỉ đồng ý cho ông K nghỉ việc trong trường hợp ông K thực hiện tốt 05 điều kiện: Giải trình; đề xuất biện pháp giải quyết; ký cam kết; bàn giao công việc và tích cực, hợp tác thực hiện cam kết (“giải trình” chỉ là 01 trong 05 điều kiện); trường hợp kết thúc thời hạn cam kết, ông K không xử lý xong các khoản nợ xấu hoặc thực hiện biện pháp xử lý nợ không hiệu quả thì Ngân hàng ĐNA sẽ không chấp thuận cho ông K nghỉ việc. Thực tế, do ông K có sai phạm trong quá trình làm việc tại Ngân hàng ĐNA nên tại Giấy cam kết (không đề ngày, tháng, năm 2015), ông K đã xác nhận: Trên cơ sở các kết luận của “Biên bản kiểm tra Chi nhánh AG” lập ngày 22-10-2015 của Phòng Kiểm soát Nội bộ đã nêu rõ các sai phạm mà ông gây ra trong quá trình công tác và làm việc tại Chi nhánh AG, ông cam kết “Chịu trách nhiệm cá nhân hoàn toàn và đầy đủ đối với các thiệt hại, tổn thất đã gây ra cho SeaBank, bao gồm nhưng không giới hạn các thiệt hại về tài chính, vật chất. Chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về những sai phạm đã thực hiện trong quá trình làm việc tại Ngân hàng ĐNA”. Như vậy, mặc dù ông K có giải trình, cam kết nhưng ông K không đưa ra được chứng cứ chứng minh ông đã thực hiện đầy đủ các quy định của Ngân hàng ĐNA và thực hiện “Giấy cam kết” nêu trên nên Ngân hàng ĐNA chưa chấp thuận cho ông K nghỉ việc là có căn cứ. Không có cơ sở xác định Ngân hàng ĐNA vi phạm thời gian chấm dứt hợp đồng lao động, để buộc Ngân hàng ĐNA phải thanh toán tiền lương cho ông K từ ngày 14-01-2016 đến ngày 10-01-2017.
Trong hồ sơ vụ án có Quyết định số 092/2017/QĐ-TGĐ đề ngày 10-01-2017 của Ngân hàng ĐNA (bản photo, có đóng dấu treo của Ngân hàng) về việc thanh lý hợp đồng lao động đối với ông K kể từ ngày 10-01-2017. Tuy nhiên, Ngân hàng ĐNA cho rằng đây chỉ bản dự thảo Ngân hàng ĐNA chưa phát hành, Ngân hàng ĐNA chỉ phát hành với điều kiện ông K rút đơn khởi kiện tại Tòa án và cam kết với Ngân hàng ĐNA sẽ chịu trách nhiệm cá nhân về những sai phạm trong quá trình làm việc tại Ngân hàng ĐNA. Ông K thừa nhận là ông chưa nhận được Quyết định số 092 nêu trên. Vì vậy, có cơ sở chấp nhận lời trình bày của Ngân hàng ĐNA, Quyết định số 092/2017/QĐ-TGĐ ngày 10-01-2017 của Ngân hàng ĐNA chưa có giá trị pháp lý. Do đó, quan điểm thứ nhất căn cứ vào Quyết định số 092/2017/QĐ-TGĐ ngày 10-01-2017 của Ngân hàng ĐNA để xác định từ ngày 14-01-2016 đến ngày 10-01-2017 ông K vẫn là người lao động của Ngân hàng ĐNA, Ngân hàng ĐNA vi phạm thời gian chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông K và buộc Ngân hàng ĐNA phải thanh toán tiền lương cho ông K từ ngày 14-01-2016 đến ngày 10-01-2017 là không có căn cứ.
Do đó, ông K tự ý nghỉ việc khi chưa hết hạn hợp đồng lao động và chưa được sự đồng ý của Ngân hàng ĐNA nên phải xác định đây là trường hợp ông K đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là có căn cứ. Không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông K đòi Ngân hàng ĐNA phải bồi thường cho ông tiền lương từ ngày 01-12-2015 đến ngày 10-11-2016 (11 tháng 10 ngày) là: 30.000.000 đồng/tháng x 11 tháng 10 ngày = 340.000.000 đồng. Trường hợp này chỉ nên ghi nhận sự tự nguyện của Ngân hàng ĐNA đồng ý thanh toán cho ông K tiền lương trước khi thôi việc 41.140.043 đồng, tiền phép năm 10.961.538 đồng, tổng cộng: 52.101.581 đồng, trừ 914.693 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, còn: 51.186.888 đồng.
Tác giả nhất trí với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các độc giả của Tạp chí TAND điện tử.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Trương Mai Khanh
01:06 22/12.2024Trả lời