Giải quyết vụ án trong trường hợp không thực hiện được việc ủy thác

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin luận bàn về việc giải quyết vụ án trong trường hợp không thực hiện được việc ủy thác hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời; đồng thời, đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất quy định của BLTTDS 2015 về các vấn đề này.

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 có hiệu thi hành từ ngày 01/7/2016. Trong thực tiễn xét xử, việc triển khai thi hành Bộ luật này đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, trong đó phải kể đến việc giải quyết vụ án phải ủy thác thu thập chứng cứ, ủy thác tư pháp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin luận bàn về việc giải quyết vụ án trong trường hợp không thực hiện được việc ủy thác hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời; đồng thời, đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất quy định của BLTTDS 2015 về các vấn đề này.

1. Quy định của BLTTDS 2015

Điều 105 BLTTDS 2015 quy định vể ủy thác thu thập chứng cứ như sau:

“1. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, thẩm định tại chỗ, tiến hành định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự.

2. Trong quyết định ủy thác phải ghi rõ tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, quan hệ tranh chấp và những công việc cụ thể ủy thác để thu thập chứng cứ.

3. Tòa án nhận được quyết định ủy thác có trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể được ủy thác trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác và thông báo kết quả bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác; trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác.

4. Trường hợp việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở nước ngoài thì Tòa án làm thủ tục ủy thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này.

5. Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời thì Tòa án giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ việc dân sự”.

So sánh quy định về thu thập chứng cứ giữa BLTTDS 2004 và BLTTDS 2015, có thể thấy, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 105 BLTTDS 2015 hầu như giữ nguyên các quy định về thu thập chứng cứ tại Điều 93 BLTTDS 2004, chỉ sửa một số từ ngữ mang tính kỹ thuật. Với quy định của Điều 93 BLTTDS 2004 thì khi chưa có kết quả ủy thác thu thập chứng cứ thì Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho tới khi có kết quả ủy thác thu thập chứng cứ mới có thể kết thúc được vụ án. Đây là một trong những hạn chế, bất cập của BLTTDS 2004.

Nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 quy định bổ sung khoản 5 Điều 105 – trường hợp không thực hiện được việc ủy thác theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 105 của BLTTDS hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời thì Tòa án giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án dân sự.

Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 quy định một trong các căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là: “Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án”.

Đồng thời, Điều 216 BLTTDS 2015 quy định về quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, cụ thể như sau:
“Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật này không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.

Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự”.

Với quy định tại Điều 216 BLTTDS 2015 thì Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự khi lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn, mà không quy định trực tiếp về việc ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 105 BLTTDS 2015.

2. Vướng mắc và kiến nghị

Vấn đề đặt ra ở đây là đối với trường hợp vụ án Tòa án đã ra quyết định ủy thác thu thập chứng cứ, ủy thác tư pháp thì khi nào Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án? Khi nào thì Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án? Điều này đã khiến không ít Tòa án lúng túng trong giải quyết các vụ án dân sự có ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ. Vì vậy, để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử, thiết nghĩ rất cần có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về các vấn đề này.

Chúng tôi nhất trí với quan điểm cho rằng để tránh tình trạng việc giải quyết vụ án kéo dài, đồng thời, bảo đảm sự linh hoạt cho Thẩm phán khi giải quyết vụ án, sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, nếu phát sinh một trong các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại Điều 214 BLTTDS 2015 thì trước khi ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán phải thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 203 BLTTDS 2015; trường hợp vì lý do tạm đình chỉ mà không thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 203 BLTTDS 2015 thì Thẩm phán ra ngay quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án[1].

Như vậy, đối với trường hợp vụ án Tòa án đã ra quyết định ủy thác thu thập chứng cứ, ủy thác tư pháp thì áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 214 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 105 BLTTDS 2015 hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời thì việc nhận được thông báo của Tòa án nhận ủy thác quy định tại khoản 3 Điều 105 BLTTDS 2015 (đối với ủy thác thu thập chứng cứ cho Tòa án trong nước), nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài quy định tại khoản 4 Điều 477 BLTTDS 2015 (đối với ủy thác tư pháp ra nước ngoài)[2] được “coi như” lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 không còn và lúc này Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.

Vì vậy, theo chúng tôi, trước mắt, có thể hướng dẫn như sau:

“Sau khi ra quyết định ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ, Thẩm phán phải thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 203 của BLTTDS, trường hợp vì lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án (ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hay lý do khác) mà không thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 203 của BLTTDS thì Thẩm phán áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS ra ngay quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Tòa án nhận ủy thác (đối với trường hợp ủy thác thu thập chứng cứ cho Tòa án trong nước quy định tại khoản 3 Điều 105 của BLTTDS), kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài quy định tại khoản 4 Điều 477 của BLTTDS (đối với trường hợp ủy thác tư pháp ra nước ngoài quy định tại khoản 4 Điều 105 của BLTTDS) mà không thực hiện được việc ủy thác hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Điều 216 BLTTDS và vụ án được giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 105 của BLTTDS”.

Và về lâu dài, khi có điều kiện, vấn đề này cũng cần được luật hóa vào Điều 216 BLTTDS 2015.

[1] Ngọc Trâm, Về thời điểm ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đang trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử xem tại link: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ve-thoi-diem-ban-hanh-quyet-dinh-tam-dinh-chi-giai-quyet-vu-an-dan-su; truy cập ngày 25/6/2019.
[2] Khoản 4 Điều 477 BLTTDS 2015 quy định:
“Điều 477. Xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài và kết quả yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập chứng cứ
Khi nhận được kết quả tống đạt và kết quả thu thập chứng cứ ở nước ngoài, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

4. Tòa án không nhận được văn bản thông báo về kết quả tống đạt cũng như lời khai, tài liệu, chứng cứ của đương sự ở nước ngoài và đến ngày mở phiên tòa đương sự ở nước ngoài không có mặt, không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ thì Tòa án hoãn phiên tòa. Ngay sau khi hoãn phiên tòa thì Tòa án có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp hoặc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thông báo về việc thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài trong trường hợp Tòa án thực hiện việc tống đạt thông qua các cơ quan này theo một trong các phương thức quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 474 của Bộ luật này.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án, cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phải thông báo cho Tòa án về kết quả thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Bộ Tư pháp nhận được văn bản của Tòa án, Bộ Tư pháp phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài trả lời về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài gửi về thì Bộ Tư pháp phải trả lời cho Tòa án.
Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chuyển văn bản của Tòa án cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài mà không nhận được văn bản trả lời thì Bộ Tư pháp phải thông báo cho Tòa án biết để làm căn cứ giải quyết vụ án”.

KIM THÚY - BÍCH PHƯỢNG