Giám định hàm lượng chất ma túy trong vụ án hình sự
Kết luận giám định không phải là chất ma túy, dù các bị can cho rằng đó là ma túy. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng có cần giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy hay không?
Tinh dầu hay ma túy?
Ngày 5/5/2024, tại thành phố H, A bán cho B 100ml tinh dầu CBD. B chia nhỏ số tinh dầu trên vào các lọ có dung tích 5ml để bán cho người khác kiếm lời. Hồi 13 giờ 40 ngày 07/5/2024, tại huyện N, B mang theo người 3 lọ tinh dầu trên nhằm mục đích bán 2 lọ tinh dầu cho H, 1 lọ tinh dầu còn lại B dùng để bán cho người khác nếu có người hỏi mua. Khi chuẩn bị thực hiện giao dịch thì bị Công an huyện N phát hiện bắt giữ, thu giữ lọ tinh dầu CBD của B.
Mở rộng điều tra xác định trước đó, A mua của C 6 lít tinh dầu CBD. Khi A đang nhận số tinh dầu CBD (thông qua dịch vụ vận chuyển) thì bị Cơ quan điều tra bắt quả tang, thu giữ toàn bộ vật chứng. Khi thực hiện hành vi mua bán các dung dịch CBD này thì A, B, C đều nhận thức đây là ma túy, mục đích bán để kiếm lời cho bản thân.
Tại Kết luận giám định số XY/KL-KTHS ngày 14/5/2024 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, kết luận: Kết quả tìm thấy các chất MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA trong mẫu gửi giám định. MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA có hoạt tính tương tự Delta 9-THC trong cần sa thực vật, hiện chưa nằm trong danh mục chất ma túy theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ.
Kết luận: Không tìm thấy chất ma túy, tiền chất trong các mẫu chất lỏng đựng trong 6 chai nhựa màu trắng, gửi giám định.
Viện kiểm sát truy tố các bị cáo C, B về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 251 BLHS; truy tố A về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS theo Cáo trạng số XXX ngày 05/8/2024.
Các quan điểm khác nhau
Quá trình xét xử vụ án, có nhiều quan điểm về việc có hay không cần thiết việc Tòa án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để yêu cầu Viện kiểm sát phải giám định hàm lượng chất ma túy nhằm quyết định mức hình phạt, khung hình phạt phù hợp với các bị cáo, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: Theo hướng dẫn tại Tiết 1.4 Mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định về các tội phạm về ma túy (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP): “…Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”.
Trong quá trình truy tố thì Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2024/NĐ-CP (ngày 17/7/2024 có hiệu lực pháp luật) xác định chất MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA là chất ma túy. Tuy nhiên, Nghị định này không quy định hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật.
Tại khoản 2 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây: a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn”.
Tại khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.
Tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì các chất MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA không nằm trong danh mục chất ma túy theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022. Các bị cáo thực hiện hành vi mua bán tinh dầu CBD nhằm mục đích kiếm lời vì cho rằng đó là chất ma túy… Việc khởi tố, truy tố và xét xử căn cứ vào mục đích của các bị cáo cho rằng đó là chất ma túy. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng không cần giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy, Tòa án không phải trả hồ sơ mà tiếp tục xét xử vụ án, căn cứ vào khoản 1 Điều 251 BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự của B và C; điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự của A (do A phạm tội 2 lần).
Quan điểm thứ hai đồng thời là quan điểm của tác giả: Tại thời điểm thực hiện hành vi, các bị cáo mua bán CBD, các bị cáo cho rằng đó là chất ma túy. Căn cứ vào kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự xác định tìm thấy các chất MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA trong mẫu gửi giám định. MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA có hoạt tính tương tự Delta 9- THC trong cần sa thực vật, chưa nằm trong danh mục chất ma túy theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ. Viện Khoa học hình sự kết luận không tìm thấy chất ma túy, tiền chất trong các mẫu chất lỏng dụng trong 06 chai nhựa màu trắng. Căn cứ vào hành vi, mục đích và số lần thực hiện của của A, B, C, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N đã khởi tố B, C về tội mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 251 BLHS, khởi tố A về tội mua bán trái phép chất ma túy theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS là phù hợp pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình truy tố, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2024/NĐ-CP (ngày 17/7/2024 có hiệu lực pháp luật) xác định chất MDMB- INACA và MDMB-BUTINACA là chất ma túy.
Những quy định của pháp luật tố tụng cũng là áp dụng pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi tố tụng. Ví dụ: Một vụ án dân sự, xử sơ thẩm trước ngày 01/7/2016 (ngày có hiệu lực của BLTTDS 2015) thì thủ tục theo quy định của BLTTDS năm 2004, xử phúc thẩm sau ngày 01/7/2016 thì thủ tục theo quy định của BLTTDS năm 2015. Còn đối với pháp luật nội dung, trong nhiều trường hợp, pháp luật chưa có hiệu lực đã phải áp dụng và pháp luật đã hết hiệu lực vẫn phải áp dụng[1].
Theo hướng dẫn tại Tiết 1.4 Mục 1 Phần I Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định về các tội phạm về ma túy (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015) thì có quy định về 4 trường hợp phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy là: Chất ma túy ở thể rắn hòa thành dung dịch, Chất ma túy ở thể lỏng đã đc pha loãng, Xái thuốc phiện, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần”.
Do vậy, tại thời điểm truy tố, Viện kiểm sát phải căn cứ Nghị định số 90/2024, Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP) để tiến hành giám định trọng lượng ma túy để xác định lại khung hình phạt đối với A, B, C trước khi chuyển vụ án sang Tòa án.
Việc Viện kiểm sát không tiến hành giám định hàm lượng ma túy trong mẫu vật chứng gửi giám định, tiếp tục truy tố các bị cáo A, B, C dựa theo khởi tố của Cơ quan điều tra và Kết luận giám định số XY/KL-KTHS ngày 14/5/2024, Kết luận giám định số XY/KL-KTHS ngày 14/5/2024 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Theo quy định tại Điều 280 BLTTHS 2015, Tòa án cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo điểm d khoản 1 Điều 280 BLTTHS để Viện kiểm sát tiến hành giám định trọng lượng ma túy có trong các mẫu vật chứng gửi giám định, làm căn cứ xác định lại định khung hình phạt đối với các bị cáo.
Trên đây là ý kiến của cá nhân các tác giả, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ quý độc giả.
[1] Chu Xuân Minh, Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử, https://www.tapchitoaan.vn/nguyen-tac-chung-ve-ap-dung-phap-luat-khi-xet-xu, truy cập ngày 17/9/2024.
TAND huyện Ninh Giang, Hải Dương xét xử vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy- Ảnh: HQ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận