Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Làm rõ dao, thớt và dấu vân tay tại hiện trường
Sáng 7/5, Hội đồng Thẩm phán TANDTC tiếp tục xét xử vụ án Hồ Duy Hải, làm rõ những nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC nhận định có mâu thuẫn.
Mâu thuẫn trong tiêu thụ thời gian
Theo Quyết định kháng nghị, mặc dù cơ quan điều tra đã tiến hành kiểm tra thời gian, quãng đường từ nơi ở của Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi, nhưng chưa giải quyết được triệt để những mâu thuẫn về tiêu thụ thời gian vào các hoạt động của bị cáo và thời điểm bị cáo xuất hiện tại Bưu điện Cầu Voi. Bản án kết luận Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi lúc 19h30 là không có căn cứ, vì theo các nhân chứng, khoảng hơn 19g anh Hồ Văn Bình đến gửi xe đã thấy một thanh niên ngồi phía trong Bưu điện Cầu Voi, đến 19h30 anh Bình quay lại vẫn thấy thanh niên ngồi đó. Theo kết luận điều tra, anh Đinh Vũ Thường đến bưu điện gọi điện về Cà Mau lúc 19 giờ 39 phút 22 giây, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong Bưu điện. Nhưng cũng theo kết luận điều tra, lúc 19 giờ 13 phút 39 giây, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ rồi quay về nhà bà Len… Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây như đã kết luận.
Thảo luận về nội dung này, đại diện cơ quan kháng nghị xin sửa lại là những mốc thời gian đã nêu trong kháng nghị là “vào khoảng”, không chính xác như đã ghi.
Các thành viên Hội đồng Thẩm phán đặt ra nhiều câu hỏi cho cơ quan điều tra và đại diện VKSNDTC xung quanh đánh giá trên đây của kháng nghị?
Theo đại diện VKSNDTC, với hành trình đến các địa điểm trước khi gây án, Hải đi hết khoảng 26 phút, nên không thể có mặt ở Bưu điện Cầu Voi như kết luận điều tra và các bản án đã xác định.
Trả lời cơ sở nào để VKSNDTC đưa ra con số 26 phút, trong khi quãng đường chỉ có 7,5km, theo tính toán là chỉ hết 11 phút, đại diện VKSNDTC trả lời là có 5 nhịp thời gian, theo quan điểm là toán có lợi nhất cho bị cáo, nên đưa khoảng thời gian 26 phút.
Hội đồng cho rằng: Như vậy, đây cũng là con số VKSNDTC tính toán ước lệ.
Điều tra viên trả lời là cơ quan điều tra xác định khoảng 19 giờ, bị can Hồ Duy Hải xuất hiện tại hiện trường. Trước đó, Hải đi cầm đồ nhận, đi xe Wave về nhà để trả cho dì Út đi chợ, rồi đi xe Dream của dì Rưỡi đến cây xăng… sau đó đến Bưu điện Cầu Voi. Thực nghiệm điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên đi xe mô tô theo lộ trình của Hồ Duy Hải trình bày thì kết quả quãng đường 7,5 km với tốc độ 40km/g, đi hết 15 phút. Kết hợp với việc giao dịch cầm đồ, đổi xe, dừng xe… thì khoảng 19g 30 Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi là có căn cứ. Ngày 27/6/2008, tại BL96 Hải khai phải về trả xe cho dì đi chợ, nên đi nhanh. Sau khi đổi xe thì đi chậm hơn. Điều tra viên đã tính toán hết sức chi ly, chính xác nên khẳng định là có cơ sở khoa học vững chắc.
Điều tra viên cũng cho biết: Chủ nhật, Bưu điện Cầu Voi làm việc bình thường. Chị Hiếu có rủ chị Hồng, chị Vân đi chơi nhưng hai chị này nói phải làm việc không đi chơi được.
Đại diện VKSNDTC lấy lời khai của Hồ Văn Bình khai hơn 19 g đến Bưu điện Cầu Voi nhìn thấy một xe mô tô… nhưng không có tài liệu, chứng cứ vững chắc, chỉ là “khoảng thời gian”, nên lấy một lời khai không có căn cứ xác đáng để bác kết luận của Cơ quan điều tra là không có căn cứ.
Các thành viên Hội đồng
Tài liệu do Luật sư Phong cung cấp có được xem xét?
Chủ tọa phiên giám đốc thẩm đặt vấn đề, ông Trần Hồng Phong trình cho Hội đồng một tài liệu được cho là lời khai của anh Đinh Vũ Thường, ông Phong là luật sư nhưng không phải là người bào chữa cho Hồ Duy Hải trong quá trình giải quyết vụ án, nên không được mời đến với tư cách luật sư. Xin hỏi quan điểm của VKSNDTC về chứng cứ ông Phong cung cấp? Và anh Đinh Vũ Thường đã được cơ quan điều tra thẩm vấn chưa? Nội dung thẩm vấn so với chứng cứ ông Phong cung cấp hôm qua có trùng nhau không? Tại sao anh Thường nói không được mời tham dự phiên toà?
Đại diện VKSNDTC nêu quan điểm: Tài liệu ông Phong cung cấp về nhân chứng Thường không nhận dạng được Hồ Duy Hải đã có trong hồ sơ, tuy nhiên tài liệu này là mới đối với VKSNDTC vì VKSNDTC không nhận được tài liệu này.
Về vấn đề nhân chứng, Đinh Vũ Thường khẳng định không được Tòa án mời tham dự phiên tòa thì Thẩm phán xét xử sơ thẩm cho biết: Tòa đã mời nhưng ông Thường vắng mặt, tuy nhiên khi xét xử Tòa đã có công bố lời khai cho bị cáo Hải và mọi người cùng nghe. Do đó, không có mặt nhân chứng Thường tại phiên tòa không ảnh hưởng gì đến ảnh hưởng đến chất lượng xét xử vụ án.
Cơ quan điều tra đã thẩm vấn Đinh Vũ Thường, trong đó anh Thường khai nhận thấy nam thanh niên ngồi trong ghế sa lon tại Bưu điện trò chuyện với Hồng, tóc rẽ ngôi, mặc áo xanh hoặc đen có sọc trắng, cúi đầu sử dụng điện thoại hắt ánh sáng lên… Dù không biết đó là ai nhưng lời khai của người nhà Hải thì mô tả đúng như thanh niên mà anh Thường đã thấy. Người bán trái cây cũng khai hôm đó đã bán cho chị Vân nhiều loại trái cây hết 40 ngàn đồng. Chị Vân nói là có khách, và khách đưa tiền đi mua… Khi đó chưa biết thủ phạm là ai, những khai này rất khách quan. Sau này Hải cũng khai khớp như vậy, khi ngồi ở sa lon, Hải có lấy điện thoại chị Hồng để kiểm tra phím bấm.
Đại diện VKSNDTC cho rằng đó là những chứng cứ gián tiếp chưa đủ khẳng định người thanh niên đó là Hải.
Hội đồng nhận định: CQĐT chứng minh việc thời điểm Hải có mặt tại hiện trường có nhiều căn cứ, từ list điện thoại, thực nghiệm điều tra phù hợp, nhận dạng như anh Thường khai không chính xác nhưng mô tả là tương đồng với Hải, có chi tiết cầm điện thoại rồi Vân đi mua trái cây, người bán khai phù hợp là Bưu điện có khách… Tổng hợp những tình tiết rời rạc đó thì thấy xác định thanh niên đó là Hải, phù hợp với thực tế khách quan.
Hội đồng thảo luận về tính hợp pháp của văn bản Luật sư Phong cung cấp tại phiên khai mạc, đã kết luận: Tài liệu Luật sư Phong cung cấp là một bản phô tô chữ viết tay, không có xác nhận, không biết chữ viết, chữ ký của ai, nên không xem xét đó là chứng cứ, tuy nhiên nội dung đó thì Hội đồng đã xem xét, và nhận thấy các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đã xem xét đầy đủ.
Động cơ gây án và các vết máu
Đại diện VKSNDTC đặt vấn đề về động cơ gây án của đối tượng, kết luận điều tra cho rằng Hải đi mua báo, vì muốn quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng bị chống cự dẫn đến bực tức mà sát hại chị Hồng, sau đó giết chị Vân để bịt đầu mối. Giết hai nạn nhân xong Hải mới nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm lại nhận định rằng do thua cá độ bóng đá nên có ý đồ cướp tài sản, như vậy động cơ gây án là gì?
Chủ tọa yêu cầu Thẩm phán đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trả lời vấn đề VKSNDTC nêu ra.
Thẩm phán sơ thẩm nói: Chúng tôi khái quát hóa tội phạm. Thẩm phán phúc thẩm thì nói: Do diễn biến vụ án, Hải có ý định quan hệ tình dục nhưng trước đó Hải có thanh toán tiền, còn tiền cá độ, có nợ nần nên nảy sinh ý định cướp.
Chủ tọa kết luận: Như vậy quan điểm của VKSNDTC là đúng, đây là lỗi nhận định của Tòa án trong các bản án, tuy vậy lỗi đó không làm thay đổi bản chất vụ án là giết người xong mới lấy tài sản.
Đại diện VKSNDTC nêu quan điểm, kết luận điều tra, cáo trạng và hai bản án đều kết luận Hải sau khi cắt cổ hai nạn nhân xong đã ra nhà tắm mở vòi rửa tay cho sạch nhưng dấu vân tay trên lavabo thu được lại không phải của Hồ Duy Hải và nếu sau đó Hải trèo cổng sau để ra cổng trước, tại sao không có vết máu trên cổng?
Điều tra viên cho biết Hải đã khai là hôm đó mặc áo gió, khi đến Bưu điện đã cởi áo gió nên không có vết máu ở áo gió, và sau khi gây án đã rửa vết máu,mặc lại áo gió nên khi trèo cổng không có vết máu.
Cơ quan điều tra thu được 7 dấu vân tay, trong đó có hai dấu của nạn nhân Vân. Hải không để lại dấu vân tay do khi rửa nước đã làm trôi dấu vết.
Hội đồng đặt câu hỏi: Cơ quan điều tra đã so sánh với tàng thư chưa? Nhiều chỗ có thể có vân tay như cốc, dao thớt, cổ nạn nhân… sao lại không thu được dấu vân tay Hồ Duy Hải? Những vân tay còn lại thu thập chỗ nào?
Đại diện VKSNDTC cũng chất vấn: Đây án truy xét nên thu mẫu vân tay là bắt buộc, rất quan trọng và khả thi. Truy quét vân tay ở đâu? Tài liệu về thu giữ vân tay nêu ở bút lục nào? Không có tài liệu nào về vấn đề này. Kết quả truy nguyên 7 mẫu vân tay thu được như thế nào?
Cơ quan điều tra cho rằng đã quét máy xác định vân tay, không phát hiện được là của ai, việc so sánh với chứng minh thư toàn quốc thì chưa làm được.
Đống tro có giá trị chứng minh tội phạm hay không?
Một nội dung kháng nghị nêu: Mẫu tàn tro thu được không có giá trị chứng minh trong vụ án. Kết luận điều tra xác định sau khi gây án một tuần, Hải đã đốt quần áo ở phía sau nhà bà dì. Kết luận giám định số 3200/C21B ngày 8/5/2008 của Phân viện khoa học hình sự TPHCM kết luận: Trong mẫu tàn than tro có thành phần vải và nhựa polyster. Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra thắt lưng, quần áo và sim card.
Tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKSNDTC giữ nguyên quan điểm này và nói tàn tro này là có thật nhưng chưa xác định được tính liên quan.
Chủ tọa nói : Nếu can phạm đốt quần áo đã mặc khi đi gây án, vì ám ảnh hay vì sợ hoặc muốn xóa dấu vết mà Kiểm sát viên nói không liên quan thì thật sự là tôi hơi bất ngờ.
Điều tra viên cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với nhận định VKSNDTC là tàn tro không có giá trị chứng minh. Hải khai diễn biến, sau 1 tuần thì đốt, tiêu hủy quần áo. Tổ khám xét thấy hai đống tàn than tro, có thu mẫu, trong đó có thành phần vải và polyette. “Vậy thì có giá trị chứng minh tội phạm phần nào chứ. Sau đó Hải đã xác định dấu vết thắt lưng, vải quần, áo thun mặc gây án còn lại trong đống tro”.
Dao và thớt chỉ dùng để thực nghiệm điều tra
Tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng cũng chất vấn về việc mua dao, thớt và hỏi cơ quan điều tra có khẳng định đó là công cụ gây án hay không?
Cơ quan điều tra nói: Sau ngày khám nghiệm hiện trường, một số nhân chứng là những người dọn dẹp vệ sinh có tìm thấy con dao giấu sau tấm bảng gắn trên tường, nhưng cơ quan điều tra không thu giữ ngay, dẫn đến bị tiêu hủy. Để xác định vật đồng dạng phụ vụ thực nghiệm điều tra, điều tra viên đã yêu cầu những nhân chứng này vẽ mô tả lại con dao, và đi mua con dao tương tự để chứng minh tính khách quan trong lời khai. Thớt mua vì có trong bản ảnh chụp hiện trường, nên mua thớt tương tự. Dao và thớt đó không coi là công cụ gây án. Sau khi mua con dao đó xếp cùng bốn con dao khác thì Hồ Duy Hải đã chọn đúng con dao đó. Hải cũng vẽ lại con dao đã sử dụng làm hung khí, trùng khớp với con dao các nhân chứng mô tả.
-Tại sao không thu dao, thớt tại hiện trường?
Điều tra viên trả lời: Trong quá trình điều tra, ban đầu không nhận định là thớt và ghế là công cụ gây án, nên không thu giữ. Sau khi bắt Hải, Hải khai thì mới nhận ra ghế, thớt, dao là công cụ gây án nhưng lúc đó đã thất lạc. Đây là khiếm khuyết trong công tác khám nghiệm hiện trường vụ án.
Lý do khi phát hiện thấy dao mà không thu giữ là do người dân báo lên Công an huyện, người nhận tin báo hỏi thấy có dính máu không, khi được trả lời là dao không dính máu nên không thu giữ. Khi Điều tra viên Công an tỉnh Long An biết tin xuống thu giữ thì dao đã bị tiêu hủy.
Phiên tòa sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan trong buổi chiều.
Ảnh: Cảnh Dinh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận