GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRONG HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG (Phần 2)
Khái niệm
Giao dịch bảo đảm là hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Giao dịch bảo đảm là giao dịch phát sinh giữa tổ chức tín dụng với người vay hoặc giữa tổ chức tín dụng với người vay và người thứ ba trong trường hợp người thứ ba sử dụng tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ cho người vay. Thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dù được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng tín dụng thì nó vẫn là một thỏa thuận mang tính độc lập tương đối với hợp đồng tín dụng. Vì vậy, việc làm rõ hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng có ý nghĩa quan trọng, có giá trị ràng buộc các bên cho dù nội dung bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng hoặc trong văn bản riêng.
Pháp luật quy định thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo hướng:
– Là một nội dung của hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo lãnh, nhưng khi xác lập hợp đồng các bên vẫn có thể thỏa thuận để lập một hợp đồng bảo đảm riêng biệt.
– Không quy định rõ là một nội dung của hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo lãnh mà chỉ quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để các bên lựa chọn.
Như vậy, sự tồn tại của thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo lãnh dù được biểu đạt trong hợp đồng tín dụng hay văn bản riêng biệt thì thỏa thuận này vẫn chứa đầy đủ các nội dung của một giao dịch hợp đồng.
Do đó, giao dịch bảo đảm trong hợp đồng tín dụng là sự thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người vay hoặc giữa tổ chức tín dụng và người vay với người thứ ba dùng tài sản hoặc uy tín của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán số tiền đã được tổ chức tín dụng giao cho người vay, xác lập quyền xử lý tài sản bảo đảm hoặc quyền yêu cầu của người thứ ba phải thực hiện nghĩa vụ này thay cho người vay khi người vay không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tín dụng.
Đặc diểm giao dịch bảo đảm
– Giao dịch bảo đảm có mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc vào nội dụng của hợp đồng tín dụng, được đàm phán song song với việc đàm phán hợp đồng tín dụng.
– Việc thực hiện các cam kết trong giao dịch bảo đảm phụ thuộc vào việc người vay có thực hiện được các nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng hay không?
Hình thức giao dịch bảo đảm
Giao dịch bảo đảm có thể được biểu đạt trong hợp đồng tín dụng hoặc được lập thành văn bản riêng biệt. Tuy nhiên, trong thực tiễn các bên thường lựa chọn hình thức lập thành văn bản riêng biệt, vì nó có những tiện ích như:
– Các bên được tự do ghi nhận các thỏa thuận nên có thể dự liệu được hết những tình huống có thể phát sinh, từ đó giảm thiểu tối đa những rủi ro mà các bên có thể gặp phải.
– Bảo đảm tính trọn vẹn của từng loại hợp đồng, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của hợp đồng thông qua việc ghi nhận các thỏa thuận đặc thù của hợp đồng tín dụng và giao dịch bảo đảm.
– Không gây nhầm lẫn giữa điều khoản của hợp đồng tín dụng với điều khoản của giao dịch bảo đảm.
Nội dung của giao dịch bảo đảm
3.1 Đối tượng của nghĩa vụ được bảo đảm trong hợp đồng tín dụng là nghĩa vụ của toàn bộ hợp đồng tín dụng, bao gồm tiền gốc và tiền lãi phát sinh. Tài sản bảo đảm bao giờ cũng phải lớn hơn nghĩa vụ của toàn bộ hợp đồng tín dụng.
3.2 Tài sản bảo đảm, thay đổi tài sản bảo đảm. Việc thay đổi tài sản bảo đảm có thể dẫn tới việc thay đổi biện pháp bảo đảm hoặc chủ thể tham gia giao dịch bảo đảm, nếu có sự thay đổi thì các bên phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến việc thay đổi. Cần lưu ý:
– Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai (Tài sản được hình thành từ tiền vay, tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu nhưng sau thời điểm giao kết thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật và khẳng định tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất) mà pháp luật không cấm giao dịch.
– Tài sản bảo đảm có thể là sở hữu của bên bảo đảm hoặc của người thứ ba mà pháp luật không cấm lưu thông.
– Tài sản bảo đảm có thể liên quan đến các luật chuyên ngành như luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản…
– Trường hợp giao dịch bảo đảm có giá trị pháp luật đối với người thứ ba thì cơ quan có thẩm quyền không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Tổ chức tín dụng khi cho vay cần kiểm tra tài sản bảo đảm có phải là tài sản của người đang bị thi hành án hay không, kể cả trong trường hợp chưa bị áp dụng biện pháp kê biên để tránh rủi ro. Bởi vì, theo điều 6 khoản 1 thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/07/2010 hướng dẫn một số vấn đề thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án”.
3.3 Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong giao dịch bảo đảm được thỏa thuận trên nguyên tắc tự nguyện định đoạt, bình đẳng.
3.4 Xử lý tài sản bảo đảm. BLDS năm 2015 không quy định cụ thể về các trường hợp được xử lý tài sản bảo đảm, nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 tại chương IV từ điều 56 đến điều 70 đã quy định về các trường hợp được xử lý tài sản bảo đảm. Một trong những điểm mở của nghị định là “Các trường hợp được xử lý tài sản bảo đảm khác do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định” ngoài các trường hợp được dự liệu tại điều 56 khoản 1 nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Các bên có thể lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp như hòa giải, thương lượng, tố tụng trọng tài, tố tụng toà án.
- Điều kiện có hiệu lực của giao dịch bảo đảm
– Điều 117 BLDS năm 2015 quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau: Chủ thể có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập – chủ thể tham gia giao dịch dân sự hòan toàn tự nguyện – mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội – hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
– Điều 10 khoản 1 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định, giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ các trường hợp:
+ Các bên có thỏa thuận khác.
+ Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố.
+ Thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp.
+ Giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực trong trường hợp pháp luật có quy định.
– Khi xác lập giao dịch bảo đảm liên quan đến người thứ ba (người bảo lãnh) thì cần lưu ý năng lực hành vi dân sự của họ, bao gồm:
+ Người bảo lãnh có mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hay không?
+ Trường hợp tài sản bảo đảm thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của nhiều người thì phải bảo đảm đã có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu thông qua văn bản ủy quyền hoặc trực tiếp tham gia vào giao dịch bảo đảm.
+ Khi xác lập giao dịch bảo đảm với hộ gia đình thì phải cân nhắc tới những nội dung không rõ ràng trong quy định của pháp luật về hộ gia đình để giảm thiểu rủi ro.
+ Khi xác lập giao dịch bảo đảm đối với công ty do các thành viên trong gia đình thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên mà người đại diện theo pháp luật của công ty lấy tài sản của mình hoặc tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho hợp đồng tín dụng cần lưu ý trường hợp người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó tại khoản 3 Điều 141 BLDS năm 2015.
Giao dịch bảo đảm vô hiệu.
– Giao dịch bảo đảm vô hiệu khi vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 117 BLDS năm 2015. Khi giao dịch bảo đảm vô hiệu các bên có quyền tự quyết định, định đoạt yêu cầu hoặc không yêu cầu giao dịch bảo đảm vô hiệu. Thẩm quyền tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu thuộc về toà án, thời hiệu yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu theo Điều 125, 126, 127, 128, 129 BLDS năm 2015 là 02 năm kể từ ngày hợp đồng được xác lập. Đối với các hợp đồng được quy định tại Điều 123, 124 BLDS năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu không bị hạn chế.
– Điều 131 BLDS năm 2015 quy định, giao dịch bảo đảm vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập hợp đồng. Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hòan trả cho nhau những gì đã nhận, không hòan trả được bằng hiện vật thì phải hòan trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
– Giao dịch bảo đảm vô hiệu thì ảnh hưởng đến hợp đồng tín dụng, cụ thể là:
+ Vi phạm quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định tại khoản 1 Điều 94 luật tổ chức tín dụng năm 2010.
+ Ảnh hưởng đến khả năng thu hồi tiền cho vay khi người vay không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng. Khi giao dịch bảo đảm vô hiệu các bên có thể thỏa thuận biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thay thế giao dịch bảo đảm vô hiệu cho phù hợp với khoản 1 Điều 94 luật tổ chức tín dụng năm 2010. Trường hợp giao dịch bảo đảm vô hiệu do vi phạm hình thức thì các bên phải hòan tất các thủ tục cần thiết để bảo đảm tuân thủ quy định về hình thức của giao dịch dân sự.
(Còn nữa)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận