GIỚI HẠN XÉT XỬ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định cụ thể về giới hạn của xét xử, tuy nhiên trong thực tiễn thi hành quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, BLTTHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi bổ sung về giới hạn xét xử, những bổ sung này trong thực tiễn là rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ở nước ta hiện nay.
  •          Quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 về giới hạn của việc xét xử

“1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

  1. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
  2. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”

         Theo quy định về giới hạn xét xử của BLTTHS năm 2015 bao gồm 03 nội dung:

         Thứ nhất: Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

         BLTTHS năm 2015 đã bỏ khái niệm “Tòa án chỉ xét xử …” trong quy định của BLTTHS năm 2003 thành quy định “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Quy định nêu trên gồm hai nội dung:

      + Về chủ thể: Điều kiện Tòa án xét xử thì chủ thể bị Viện kiểm sát truy tố bằng bản cáo trạng. Ngoài ra, Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

      + Tòa án xét xử những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

  1. Tố giác của cá nhân;
  2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
  4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
  5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
  6. Người phạm tội tự thú.

      Bên cạnh đó có những trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

  1. Không có sự việc phạm tội;
  2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
  3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
  4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
  5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
  6. Tội phạm đã được đại xá;
  7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
  8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sựmà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

          Thứ hai: Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

BLTTHS năm 2015 giữ nguyên như quy định của BLTTHS năm 2003, đây là quy định tùy nghi, có nghĩa là với những hành vi mà VKS truy tố, Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc theo khoản nhẹ hơn so với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật.

      + Toà án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, có nghĩa là với những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, Toà án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

      – Tội phạm khác bằng tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố là trường hợp điều luật quy định về trách nhiệm hình sự (hình phạt chính, hình phạt bổ sung) đối với hai tội phạm như nhau.

     – Tội phạm khác nhẹ hơn tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố là trường hợp điều luật quy định về trách nhiệm hình sự (hình phạt chính, hình phạt bổ sung) đối với tội phạm khác nhẹ hơn so với tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố. Để xác định tội nào nhẹ hơn, tội nào nặng hơn thì cần thực hiện theo thứ tự như sau:

        Một là: Trước hết xem xét hình phạt chính đối với hai tội phạm, nếu tội nào điều luật có quy định loại hình phạt nặng nhất nặng hơn thì tội đó nặng hơn.

        Hai là: Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội là tù có thời hạn (không quy định hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân) thì tội nào, điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất đối với tội ấy cao hơn là tội đó nặng hơn.

       Ba là: Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều tử hình hoặc đều tù chung thân hoặc đều tù có thời hạn và mức hình phạt tù cao nhất đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật quy định mức hình phạt tù khởi điểm cao hơn là tội đó nặng hơn.

         Bốn là: Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều là tù có thời hạn và mức hình phạt tù khởi điểm, mức hình phạt tù cao nhất như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn (cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo) thì tội đó nhẹ hơn.

         Năm là: Trong trường hợp điều luật quy định các loại hình phạt chính đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định hình phạt bổ sung là tội đó nặng hơn. Nếu điều luật cùng quy định hình phạt bổ sung như nhau, nhưng đối với tội này thì hình phạt bổ sung là bắt buộc, còn đối với tội khác hình phạt bổ sung có thể áp dụng, thì tội nào điều luật quy định hình phạt bổ sung bắt buộc là tội đó nặng hơn.

+ Toà án cũng có thể xét xử bị cáo về tội nhẹ nhất trong các tội mà Viện kiểm sát truy tố hoặc về tội nhẹ hơn tất cả các tội mà Viện kiểm sát truy tố đối với tất cả các hành vi phạm tội đó.

       Thứ ba: Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

         Đây là quy định mới BLTTHS năm 2015 về giới hạn xét xử bổ sung so với quy định của BLTTHS năm 2003. Quy định mới này là cần thiết và quan trọng, trong quy định của BLTTHS năm 2003 không quy định việc Tòa án được xét xử tội danh nặng hơn đã dẫn đến tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng kết quả không bổ sung điều tra được và Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, Hội đồng xét xử phải xét xử theo đúng quy định của pháp luật và có nhiều trường hợp bản án sơ thẩm bị hủy, gây nên xôn xao trong dư luận đặc biệt gần đây là vụ án nhập khẩu thuốc chữa bệnh của Công ty VN Pharma, đây là những bất cập, hạn chế trong quá trình thi hành BLTTHS năm 2003, vì vậy việc BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội nặng hơn chính là sự đảm bảo trong nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án Nhân Dân.

        Trong trường hợp không đồng ý với tội danh nặng hơn mà Tòa án đã xét xử thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo đúng quy định của BLTTHS.                                                                                                                                                                                                                                                 

TRẦN VĂN HÙNG