Giới thiệu mô hình nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới
Chiều ngày 16-3-2022, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giới thiệu mô hình nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới - kinh nghiệm cho Việt Nam”
Trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch công tác năm 2022 của Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam”. Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức phiên tọa đàm về “Mô hình nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở Việt Nam và một số nước trên thế giới- kinh nghiệm cho Việt Nam” với hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Điểm cầu trưc tiếp tại Hà Nội
Tham dự tọa đàm có ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC; ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC; Ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia JICA; Ông Ông Soga Manabu, Vụ hợp tác quốc tế, Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp Nhật Bản; Các đại biểu đến từ Văn phòng Quốc hội và Tòa án nhân dân các cấp.
Tọa đàm được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến
Tại phiên họp đã nghe Báo cáo nghiên cứu của Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC về Chế định bồi thẩm đoàn, chế định hội thẩm nhân dân của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Báo cáo nêu rõ, sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án là một trong những yếu tố truyền thống của hệ thống tư pháp, góp phần bảo đảm cho những giá trị bất biến của hệ thống tư pháp là xác định sự thật, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền được xét xử công bằng trên cơ sở các giá trị chung của cộng đồng và nguyên tắc độc lập xét xử.
Cùng với sự phát triển của lịch sử, vai trò của công dân tham gia xét xử dần dần thay đổi, pháp luật nhiều nước trên thế giới có các quy định về bồi thẩm đoàn, hội thẩm nhân dân tham gia xét xử.
Trên cơ sở nghiên cứu bước đầu các quy định và thực tiễn của một số quốc gia, trong đó tập trung là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, tham luận này sẽ trình bày tổng quan bốn nội dung chính về: (1) chế định bồi thẩm đoàn, (2) chế định hội thẩm nhân dân, (3) sự khác nhau giữa hai chế định này và (4) một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới có hệ thống bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn là một nhóm người được chọn theo luật và được trao quyền quyết định các vấn đề về tình tiết vụ án và quyết định đối với vụ án mà họ được giao[1].
Báo cáo nghiên cứu đã giới thiệu khái quát các nội dung chính về lịch sử hình thành, lĩnh vực xét xử, phiên tòa có bồi thẩm đoàn, tư cách làm bồi thẩm, quy trình lựa chọn, mức độ tham gia của bồi thẩm đoàn tại phiên tòa, hướng dẫn cho bồi thẩm, nghị án và ra phán quyết, nghĩa vụ của bồi thẩm của Mỹ, Nga, Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản2 và mô hình Hội thẩm nhân dân của Trung Quốc.
Các đại biểu sôi nổi trao đổi cho ý kiến và trình bày các tham luận về các chủ đề: Giới thiệu mô hình nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở Nhật Bản; Chế định Bồi thẩm đoàn, chế định Hội thẩm nhân dân của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Giới thiệu mô hình nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở Hàn Quốc; Giới thiệu mô hình nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở Nga; Giới thiệu mô hình nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở Trung Quốc; Giới thiệu mô hình Bồi thẩm đoàn Mỹ; Giới thiệu chế định Hội thẩm nhân dân Việt Nam; Một số vấn đề bất cập của chế định Hội thẩm nhân dân Việt Nam và đề xuất hướng hoàn thiện.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Những nghiên cứu về chế định Bồi thẩm đoàn và Hội thẩm nhân dân một số nước trên thế giới, trong đó tập trung vào mô hình Bồi thẩm đoàn của Mỹ, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và mô hình Hội thẩm nhân dân của Trung Quốc đã cung cấp những thông tin bổ ích và cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để có thể tham khảo phục vụ cho tiến trình cải cách tư pháp.
Mỗi mô hình đều có nhiều ưu điểm và một số hạn chế nhất định. Điểm nổi bật là các mô hình đều chú trọng sự tham gia của nhân dân trong hoạt động xét xử. Đây là một trong những đặc thù của hoạt động tư pháp và quá trình thực hiện quyền tư pháp. Tùy theo điều kiện cụ thể của mình, mỗi nước có những cách thức tiếp cận riêng trong việc xây dựng chế định Bồi thẩm đoàn và chế định Hội thẩm nhân dân.
Hội thẩm của Việt Nam có những đặc trưng là những đại biểu ưu tú của nhân dân, có nhiệm kỳ tương đối dài, tham gia xét xử ở các lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính. Chế định Hội thẩm của Việt Nam cũng được quy định tương đối ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, chế định Hội thẩm cũng cần phải có những cải cách phù hợp. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc tham khảo những kinh nghiệm tốt, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam để hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân nước ta. Những thông tin có được trên đây mới chỉ là bước đầu, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu sâu, trên phạm vi rộng để từ đó đưa ra bức tranh toàn diện về ưu điểm và hạn chế của từng mô hình và đưa ra các khuyến nghị sâu, sát thực với nước ta là hết sức cần thiết./.
[1] Black Law Dictionary (Mỹ), biên tập lần thứ 7, xuất bản năm 1999, trang 860.
2 Phần này tham khảo thông tin trong bài “Một số mô hình công dân tham gia tham gia xét xử”, tài liệu bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân của Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận